Nhiều tin xấu hội tụ, thị trường bán tháo..
Không phải “ngày thứ sáu đen tối”, ngày thứ Hai - 9/3 vừa qua, TTCK Việt Nam đã chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ trong lịch sử khi cả hai sàn đểu giảm điểm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn HOSE của TP HCM, chỉ số VN-Index giảm 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm. Số mã giảm điểm lên tới 346, gấp 10 lần so với số mã tăng, trong đó số mã giảm sàn lên tới 104 mã. Trên sàn HNX của Hà Nội, diễn biến của chỉ số HNX-Index cũng tương tự khi giảm 7,31 điểm, tương đương 6,43%, xuống 106,34 điểm.
Đây là mức giảm kỷ lục trong một phiên giao dịch của VN-Index kể từ năm 2001.Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, quy mô thị trường hiện tại khác xa so với 19 năm trước, khi khi đó, sàn HOSE mới chỉ có 5 cổ phiếu đang giao dịch, còn hiện nay là trên 400 cổ phiếu.
Không riêng một vài nhóm cổ phiếu nào mà đồng loạt tất cả gần như giảm kịch phiên, trong đó giảm sâu nhất là cổ phiếu ngành dầu khí và ngân hàng.
Đây cũng là xu hướng chung trên TTCK thế giới và khu vực khi mở cửa trước giờ giao dịch của Việt Nam TTCK châu Á đã đồng loạt giảm mạnh,TTCK Mỹ cũng đã có một phiên giảm rất mạnh trong đêm 9/3 (theo giờ Việt Nam).
Giá dầu trên thế giới giảm mạnh và diễn biến xấu của dịch Covid-19 được cho là nguyên nhân chính khiến cho TTCK lao dốc. Cùng với đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có quyết định giảm khẩn cấp 0,5% lãi suất hôm 3/3 mà không đợi đến cuộc họp thường kỳ vào ngày 17/3 cũng là yếu tố tác động đến TTCK.
Tại Việt Nam, theo Giám đốc phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta (YSV), ông Nguyễn Thế Minh, TTCK hôm 9/3 giảm điểm mạnh ngoài yếu tố chúng trên thế giới, còn do tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước tình hình dịch bệnh ở Việt Nam khi cuối tuần qua, số ca mắc bệnh mới tăng đáng kể. Chỉ sau 2 ngày (từ đêm 6/3 đến 8/3) Việt Nam đã có thê 14 ca nhiểm Covid-19 sau 22 ngày không phát sinh ca nhiễm mới.
"Điều này phản ánh tâm lý hoang mang của nhà đầu tư với hành động bán tháo toàn thị trường…”- chuyên gia này nhận định và cho rằng giới đầu tư đang lo lắng liệu tình hình dịch bệnh có kiểm soát được hay không và quy mô dịch có lớn hơn không…
Trong “nguy” có “cơ”…
Ngay sau phiên giảm điểm lịch sử, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho rằng diễn biến TTCK Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của thế giới. Theo Chủ tịch UBCKNN, với độ mở cao của nền kinh tế, những thông tin trên thị trường thế giới không thể không ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK Việt Nam. “Với TTCK Việt Nam, việc giảm điểm trong phiên đầu tuần có lẽ được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư dự báo trước…”- ông Dũng nhận định.
Phân tích phiên giao dịch ngày 9/3, Chủ tịch UBCKNN đã lưu ý một chi tiết rất đáng quan tâm, đó là thanh khoản của thị trường đã tăng khá mạnh, đạt gần 6.500 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết. “Điều này chứng tỏ vẫn có dòng tiền mua vào bắt đáy các cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, nhưng giá trị bán ròng trong phiên không quá lớn, khoảng 230 tỷ đồng”- ông Dũng phân tích.
Theo nhận định của một số chuyên gia, trong bối cảnh thị trường giảm sâu thì đây là cơ hội để nhà đầu tư mua vào. Bằng chứng là ngay sau phiên giao dịch ngày hôm nay - 10/3, TTCK Việt Nam cũng chứng kiến một màn đảo chiều khá ngoạn mục khi vừa mở cửa, VN-Index đã rơi tự do gần 29 điểm chỉ sau 30 phút giao dịch, xuống gần 805 điểm và đe dọa thủng mốc 800 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền đổ mạnh vào các Bluechips ngay sau đó đã khiến diễn biến xoay chiều. Kết thúc phiên giao dịch khi tâm lý có phần ổn định, VN-Index được kéo sát về mốc tham chiếu, chỉ còn giảm 1,67 điểm. Thanh khoản khá tốt hơn 3.149 tỷ đồng. Trong khi đó, HNX-Index còn tăng điểm nhẹ lên 106,78 điểm, thanh khoản 44,69 triệu cổ phiếu tương đương 462 tỷ đồng.
Tôn trọng sự điều chỉnh của thị trường
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích đầu tư và Tư vấn khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán SSI, tâm lý nhà đầu tư đã bình ổn trở lại trong phiên giao dịch hôm qua. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch Covid-19 là ảnh hưởng lâu dài và khó khăn đối với TTCK, còn giá dầu giảm chỉ là diễn biến ngắn hạn. Chuyên gia này cũng cho rằng giá dầu gảm là thời cơ để kéo giá hàng hóa xuống, giảm lạm phát và chúng ta cần tranh thủ thời cơ đó…
Cùng chung nhận định, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cũng cho rằng khi Việt Nam có thêm các ca nhiễm Covid-19 mới là điều bất lợi cho nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. “Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, thì với nội lực của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta vẫn có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng tăng trưởng kinh tế khả quan. Việt Nam vẫn là điểm sáng khi dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ được kiểm soát…”- ông Dũng tin tưởng.
Ông Dũng cũng cho rằng những tổn thương của DN trong đại dịch lần này là khó tránh khỏi, tuy nhiên, trong trung hạn, gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa của Chính phủ chắc chắn sẽ phần nào hỗ trợ các DN sớm vực lại sức sản xuất kinh doanh.
“Chúng tôi tin rằng, với nỗ lực quyết tâm của Nhà nước, sự hợp sức đoàn kết của người dân, dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng sẽ ổn định tăng trưởng trở lại. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, các DN, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết”- ông Dũng kêu gọi. Đồng thời cho biết, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo quan điểm: “Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”.
Cùng với đó, UBCKNN và các đơn vị sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của thị trường để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường, trấn an tâm lý nhà đầu tư;,xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi…