"Bức tranh đã sáng hơn nhưng vẫn còn nguy cơ có giông" là cách hình dung của ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 và dự báo những tháng cuối năm.
Theo đánh giá khái quát về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 được TCTK đưa ra, nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng hợp lý với tốc độ tăng GDP quý II (5,67%) cao hơn quý I (5,43%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng cuối quý II đã tăng chậm lại và theo xu hướng giảm dần. Sản xuất một số ngành và lĩnh vực đạt khá. An sinh xã hội có chuyển biến tích cực. Cũng theo cơ quan này, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng tốt hơn trước.
“Tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2011 đã thể hiện rõ những giải pháp Chính phủ đã thực hiện là đúng, là trúng. Biểu đồ diễn biến CPI thể hiện rất rõ điều này. Liên tục từ các tháng 1 đến tháng 4 CPI tăng cao, từ tháng 5 và tháng 6 đã thể hiện rõ chiều giảm tốc”, ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng TCTK cho biết. Khá lạc quan với tình hình kinh tế nhưng ông Thức cũng lưu ý: Tình hình kinh tế những tháng tới vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn và có thể có những yếu tố khó lường. Vì thế, tại thời điểm này, không thể dự báo gì về tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Về vấn đề lạm phát, mặc dù theo thông lệ hàng năm, tình hình giá cả ở quý III thường dịu hơn, nhưng lại có thể có những tác động khó lường từ thiên tai, dịch bệnh và kinh tế thế giới. Sang quý IV, CPI thường lại tăng lên. Vì thế, ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ thị trường giá cả, TCTK cho rằng, việc giữ được CPI ở mức tăng 15% như mục tiêu là khó khả thi và có khả năng CPI cả năm tăng tới 17% - 18%. “Dự báo chỉ là dự báo nhưng vẫn phải dự báo để có cách phòng, chống”, ông Đỗ Thức phát biểu. Theo ông, tính từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng CPI 6 tháng cuối năm thường ở mức 2,6% - 2,8%. Nếu các biện pháp kiềm chế lạm phát được thực hiện kiên định và triệt để, thêm những tác động thuận lợi từ bên ngoài và nếu diễn biến lạm phát như năm 2008 (6 tháng cuối năm chỉ tăng 1,22%) thì có khả năng CPI cả năm nay đạt chỉ tiêu 15 %. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, giả định này rất khó xảy ra.
“Đừng nên nhìn CPI ở mức tăng 3,32% ở tháng 4 và 2,21% ở tháng 5 và 1,09% ở tháng 6 để cho rằng lạm phát đã giảm. Tăng 1% là mức rất cao rồi” - ông Thắng nhấn mạnh. Hơn nữa, để đánh giá đúng tình hình lạm phát cần phải so sánh CPI với cùng kỳ năm trước và cần phải căn cứ vào CPI bình quân năm. Với cách so sánh như vậy, CPI tháng 6/2011 đã tăng tới 20,82% so với cùng kỳ năm 2010. Những lưu ý này được ông Thức và ông Thắng đưa ra với hàm ý, chưa thể nới tay với lạm phát và chưa thể tính đến chuyện nới lỏng chính sách tiền tệ.
Linh Lan