Thảo luận tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan thường trực Quốc hội chưa biểu quyết, chưa ban hành Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng, dầu, than đá... Quyết định này của Chủ tịch Quốc hội đưa ra sau khi lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau với đề xuất tăng thuế xăng lên kịch khung 4.000 đồng mỗi lít và những lo ngại mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay bị ảnh hưởng.
"Tăng thuế có thể chúng ta sẽ thêm vài ngàn tỷ đồng nhưng chưa biết diễn biến tình hình thế nào... Lắng nghe các ý kiến thảo luận, tôi biết vẫn còn nhiều lăn tăn. Vì vậy tôi đề nghị thảo luận nhưng chưa biểu quyết thông qua", bà Ngân nói.
Do vậy, dự thảo Nghị quyết biểu thuế môi trường có thể được cơ quan thường trực Quốc hội tiếp tục thảo luận ở kỳ họp vào tháng 8.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, xăng dầu là nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất và với đa số người dân nên điều chỉnh sẽ tác động rất lớn đến xã hội và nền kinh tế. Đặc biệt, theo ông Giàu, hiện đã áp dụng tăng lương, lại đang mùa mưa bão, bên cạnh đó là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc… Chính vì vậy, nếu áp dụng tăng vào cuối tháng 8 như đề xuất sẽ gây tác động rất lớn, khó kiểm soát được tình hình. Theo ông Giàu, tăng giá sau dịp tết phù hợp nhất.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thì quan tâm đến chi phí cơ cấu hình thành giá xăng. Ngoài ra, theo bà Nga, thuế bảo vệ môi trường cũng cần phải bàn kỹ thêm.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tin việc tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ tác động tới CPI. “Nếu tăng thuế này Chính phủ có kiểm soát được CPI dưới 4% hay không?”, ông đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Lo ngại về CPI cũng được Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nêu trong báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Cơ quan này đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thời điểm tăng thuế môi trường trong bối cảnh cân đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018 dưới 4%.
“Chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng đầu năm tăng cao nhất trong nhiều năm qua, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% và dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%. Ngoài ra, từ 1/9/2018 khi vào năm học mới, nhiều địa phương sẽ thực hiện lộ trình tăng mức học phí các cấp… nên thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết cần được xem xét và cân nhắc cho phù hợp”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải lưu ý.
Với mặt hàng dầu madut, có ý kiến đề nghị tăng thuế suất thấp hơn, chưa nên tăng lên kịch trần 2.000 đồng một lít do đây vẫn là đầu vào của một số ngành sản xuất hàng hóa.
Thuế môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng một lít, lên mức 4.000 đồng một lít. |
Theo tờ trình Chính phủ trước đó, mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu sẽ được tăng tối đa trong khung cho phép.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí cần điều chỉnh sắc thuế này nhưng đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn tác động của việc tăng thuế đến hiệu quả của nền kinh tế, sản xuất, đời sống người dân nói riêng và chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn tăng thu từ thuế bảo vệ môi trường cần được ưu tiên bố trí để xử lý, khắc phục hậu quả môi trường.
Hơn một lần giải trình trước Ủy ban Thường vụ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc điều chỉnh thuế môi trường lần này đều nằm trong khung, luật quy định. Việc yêu cầu các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí là đúng và cần đưa vào Nghị quyết. Ngoài doanh nghiệp, ông Dũng nhấn mạnh, các đối tượng sử dụng xăng dầu cũng phải tiết kiệm.
Theo Bộ Tài chính, giá xăng ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, khi vẫn thấp hơn 120 nước. Giá xăng của Việt Nam thấp hơn Lào là 5.556 đồng một lít, Campuchia là 3.745 đồng, Trung Quốc là 1.468 đồng, Singapore là 17.394 đồng mỗi lít...
Bộ Tài chính tính toán, với phương án điều chỉnh trên, số thu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là 55.096 tỷ đồng mỗi năm, tăng 14.368 tỷ đồng.