Ngôi chùa ẩn chứa nhiều hiện vật, bảo bối
Chùa Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và cách Hà Nội chỉ khoảng 70km. Không chỉ vậy, Chùa Tam Chúc còn có vị trí lợi thế khi nằm gần nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Chùa Hương (Hà Nội), Tam Cốc Bích Động, Tràng An, Bái Đính, Cúc Phương (Ninh Bình), khu du lịch chùa Tiên (Hòa Bình) và tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái, góp phần hình thành nên tuyến du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam.
Chùa Tam Chúc nằm trong quần thể khu du lịch Tam Chúc, được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050".
Với diện tích vùng lõi lên đến 4000 ha, khu du lịch được chia ra làm 6 khu chức năng riêng bao gồm: Khu trung tâm đón tiếp, Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc, Khu bảo tồn tự nhiên và hồ Tam Chúc, Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, Khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch.
Lễ phát động người Việt Nam đi du lịch Việt Nam được tổ chức tại khu du lịch Tam Chúc. |
Điểm nhấn của Khu du lịch Tam Chúc chính là ngôi Chùa Tam Chúc bề thế, gắn liền với truyền thuyết “Tiền lục nhạc- hậu thất tinh”. Trước đây chùa có tên là Thất Tinh nhờ vị trí lợi thế được bao quanh bởi dãy núi thất tinh, trước mặt là hồ Tam Chúc có sáu quả núi Lục Sơn Thủy nhô lên.
Tương truyền rằng, xưa kia trên từng ngọn núi của dãy thất tinh đều xuất hiện một đốm sáng hào quang lớn tựa như 7 ngôi sao. Nhiều người thấy ánh hào quang đó bèn kéo đến núi Thất Tinh đục đẽo hòng lấy đi nên đã có 4 ngôi sao bị mờ dần, chỉ còn lại 3 ngôi sao còn sót lại. Vì thế ngôi chùa “Thất Tinh” sau này được đổi tên thành chùa “Ba Sao” và giờ là Chùa Tam Chúc ngày nay.
Chùa Tam Chúc không chỉ có giá trị về mặt văn hoá tâm linh mà nơi đây còn ẩn chứa rất nhiều hiện vật, bảo bối mang dấu tích lịch sử. Dựa vào các dấu tích cột gỗ có đường kính trên 1m, những xà đá, cột đá rất lớn được tìm thấy vào năm 2000, các nhà khảo cổ ước tính tuổi đời của ngôi chùa này có thể lên đến 1000 năm. Bởi vậy vào năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt cho tỉnh Hà Nam và Doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư phục dựng ngôi chùa Tam Chúc, mang đến một địa điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua.
Những địa điểm không thể bỏ qua khi đến Chùa Tam Chúc
Nhà khách Thủy Đình: Đây là nơi đầu tiên du khách sẽ nhìn thấy khi đặt chân đến Chùa Tam Chúc. Bên trong Thủy Đình là một không gian rộng lớn và trang nghiêm, được xây dựng theo lối kiến trúc cổ. Gần nhà khách Thủy Đình còn có một bến thuyền với phong cảnh hữu tình, rất thích hợp để các chị em chụp ảnh check-in.
Cổng Tam Quan: Từ bến thuyền đi tiếp du khách sẽ nhìn thấy cổng Tam Quan, dọc 2 bên cổng là 2 con đường lớn để đi bộ lên chính điện. Bạn phải đi qua 32 cột Kinh hay còn gọi là Vườn Cột Kinh để đến Điện Quan Âm. Mỗi chiếc cột ở đây nặng khoảng 200 tấn, mang đến khung cảnh choáng ngợp cho du khách.
Tam điện: Chùa Tam Chúc được chia thành 3 điện lớn gồm: Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ và Điện Quan Âm. Mỗi điện sẽ thờ một vị Phật mang từng ý nghĩa thiêng liêng khác nhau. Đặc biệt, cả 3 điện này đều có 4 bức phù điêu được tạc thủ công từ các tảng đá lấy từ miệng núi lửa của Indonesia. Mỗi bức đều được chạm khắc tỉ mỉ, công phu và đại diện cho từng câu chuyện của Đức Phật.
Điện Quan Âm: Có 2 tầng mái cong được xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng của Việt Nam bao gồm cột dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ. Điện Quan Âm có chiều cao 30,5m, diện tích sàn 3.000m2, diện tích tầng hầm 1.800m2. Điện Quan Âm thờ 01 pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối, nặng 100 tấn do các nghệ nhân Việt Nam chế tác và có 8.500 bức tranh về các câu chuyện về Đức Phật do thợ hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa Indonesia.
Tam Chúc về đêm. |
Điện Giáo Chủ: Nằm chính giữa Điện Quan Âm và Điện Tam Thế cũng được thiết kế theo lối kiến trúc đình chùa Việt Nam với chiều cao 31m, diện tích sàn 3.000m2. Điểm nhấn của Điện là pho tượng Đức Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác và xung quanh có 10.000 bức tranh đá tái hiện cuộc đời Đức Phật Phật từ khi Ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bàn do thợ hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa.
Điện Tam Thế: nằm ở độ cao 45m so với mực nước biển, có 3 tầng mái cong được xây dựng với kết cấu cột, dầm, xà bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ với chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400 m2, diện tích tầng hầm 2.200m2, chính điện có sức chứa tới 5000 Phật Tử có thể hành lễ cùng một lúc. Điện Tam Thế thờ 3 pho tượng làm bằng đồng hiển thị cho quá khứ, hiện tại và tương lai, mỗi pho nặng 80 tấn.
Chùa Ngọc (Hay còn gọi là Đàn Tế Trời): Tọa lạc trên đỉnh núi Thất Tinh, ở cao độ 200m so với mực nước biển, Chùa Ngọc có chiều cao 13m, nặng 2.000 tấn với 3 tầng mái cong và diện tích 36m2. Chùa được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá đỏ Granit do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác tại Ấn Độ và vận chuyển sang lắp đặt mà không cần bê tông kết dính. Để lên chùa du khách chỉ có một con đường duy nhất là đi qua 299 bậc đá. Trong chùa thờ một pho tượng bằng ngọc nặng 4,9 tấn. Và đặc biệt khi đứng ở đây, du khách có thể bao quát toàn cảnh Chùa Tam Chúc.
Đảm bảo an toàn mùa dịch
Hàng năm, sự kiện thu hút phật tử tứ phương nhất tại Hà Nam có lẽ phải kể đến Lễ hội Chùa Tam Chúc được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch. Đây là lễ hội khai xuân cầu nguyện Quốc thái dân an với các nghi lễ Niệm Phật cầu gia hộ, nghi lễ thỉnh chuông, đánh trống khai hội, lễ dâng hương cầu Quốc thái dân an, lễ rước nước ở hồ Tam Chúc, rước chuông bình an, rước nước lên chùa Ngọc và tổ chức tiệc chay. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Lễ khai hội chùa Tam Chúc năm Tân Sửu 2021 đã dừng tổ chức nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, du khách vẫn có thể hoàn toàn yên tâm tham quan và du xuân bởi ngay từ tháng 01/2021, Công ty TNHH dịch vụ du lịch Tam Chúc đã mua dự trữ 5 vạn khẩu trang y tế, 2 nghìn lít dung dịch sát khuẩn trang bị tại các địa điểm trong Khu du lịch để cấp phát cho nhân viên trong công ty và du khách tham quan.
Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện 02 đợt phun khử khuẩn trong toàn bộ khuôn viên Khu du lịch Tam Chúc, văn phòng làm việc, kho bãi và các công trình xây dựng khác... Đồng thời yêu cầu các đơn vị trong công ty thực hiện vệ sinh khu vực làm việc hàng ngày, thường xuyên vệ sinh các khu vực có du khách di chuyển, sử dụng dịch vụ.
Chùa Ngọc, Tam Chúc. |
Trong dịp Tết Tân Sửu 2021, ước tính từ ngày mồng 2 đến ngày mồng 4 Tết, khu du lịch đón khoảng 2000-5000 lượt khách tham quan/ngày nhưng phần lớn đều là khách trong tỉnh. Do đó, để đảm bảo an toàn, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc đã bố trí nhân viên trực đón tiếp du khách, hướng dẫn du khách rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và thực hiện khai báo y tế.
Đồng thời phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương ứng trực xe cứu thương cấp cứu tại chỗ, thực hiện ứng trực sơ cứu, cấp cứu trong trường hợp có tình huống bất ngờ xảy ra và bố trí khu làm việc của công nhân với sức chứa trên 500 người để làm nơi cách ly khi phát hiện người dân, du khách có dấu hiệu ho, sốt...
Đặc biệt, ban quản lý khu du lịch cũng yêu cầu 100% nhân viên không đi ra khỏi nơi làm việc, tổ chức cho du khách khai báo y tế online bằng cách quét mã QR và từ chối cho vào chùa với những du khách không đáp ứng yêu cầu trên. Chính bởi vậy trong dịp đầu xuân năm mới, các du khách và phật tử có thể hoàn toàn yên tâm đi lễ phật hành hương.