Hai án tử hình
Một trong những “án điểm” được dư luận quan tâm của năm 2016 là vụ án Doãn Trung Dũng.
Theo hồ sơ vụ án, tối 23/9/2016, Doãn Trung Dũng (45 tuổi, ở phường Trưng Vương, TP.Uông Bí) mang dao đến nhà chị Thanh (ở phường Phương Nam, TP.Uông Bí) vay tiền. Tại đây, Dũng đã sát hại 4 bà cháu trong gia đình chị Thanh. Sau khi gây án, hung thủ cướp trang sức trên người nạn nhân mang đi bán được gần 7 triệu đồng, sau đó bỏ trốn khi cảnh sát truy lùng.
Ngày 26/9/2016, Công an tỉnh Quảng Ninh truy nã nghi can Doãn Trung Dũng về tội Giết người và Cướp tài sản. 21h cùng ngày, Dũng bị bắt tại chân cầu Bính, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.
Trong phiên xử sơ thẩm ngày 16/12/2016, HĐXX khẳng định, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh truy tố Doãn Trung Dũng về hai tội danh Giết người và Cướp tài sản là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hành vi của bị cáo xuất phát từ mục đích cá nhân và có tính toán từ trước dẫn tới hậu quả hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây mất mát to lớn mà không có gì bù đắp được đối với gia đình các bị hại, gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Từ đó, HĐXX tuyên bị cáo Doãn Trung Dũng phạm hai tội danh: Giết người và Cướp tài sản, xử phạt Doãn Trung Dũng tử hình về tội Giết người và tử hình về tội Cướp tài sản theo Điều 93 và Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999. Tổng mức hình phạt là tử hình. Đồng thời, Doãn Trung Dũng còn phải bồi thường cho gia đình các bị hại số tiền 220 triệu đồng.
Tội “Cướp tài sản” không còn hình phạt tử hình
Việc Doãn Trung Dũng nhận hình phạt thích đáng cho hành vi tàn ác đáp ứng được mong đợi của dư luận. Tuy nhiên, việc Tòa tuyên án Doãn Trung Dũng thêm hình phạt tử hình cho tội danh “Cướp tài sản” đã dẫn đến nhiều tranh luận.
Bởi lẽ, theo Nghị quyết 144 của Quốc hội và Công văn số 276 của TAND Tối cao liên quan đến việc áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội theo tinh thần Bộ luật hình sự 2015 thì tội “Cướp tài sản” không còn mức án tử hình.
Cụ thể, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật NewVision) cho rằng, việc HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt bị cáo Doãn Trung Dũng tử hình về tội Cướp tài sản theo khoản 4 Điều 133 BLHS 1999 là trái với Nghị quyết số 144 ngày 29/6/2016 của Quốc hội và Hướng dẫn số 276 ngày 13/9/2016 của TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015). Theo các văn bản pháp luật này thì tội Cướp tài sản đã bỏ hình phạt tử hình.
Quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 bao gồm: Các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội.
Có phải mở phiên tòa tuyên án lại hay không?
Giải thích về việc này, ông Hoàng Văn Tiền – Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh cho biết, bị cáo Doãn Trung Dũng chịu mức án tử hình về tội danh cướp tài sản là do chủ tọa phiên tòa "đọc nhầm".
"Theo nghị quyết 144 với khoản 3, điều 7 bộ luật hình sự mới thì không có mức tử hình cho tội cướp tài sản. Ngay sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, tôi đã cho kiểm tra lại. Có thể do lúc tuyên án, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa mệt mỏi, áp lực nên đã dẫn đến việc đọc nhầm.
Với tội "cướp tài sản", Doãn Trung Dũng chịu mức án tù chung thân", ông Tiền thông tin.
Thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là nhiều người dân thắc mắc rằng, nếu Chủ tọa trong phiên xét xử đọc nhầm thì có cần phải mở phiên tòa tuyên án lại hay không ? TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ công bố bản án chính xác như thế nào, và xử lý, giải quyết hậu quả của việc tuyên án nhầm ra sao ?
Theo Luật sư Tuấn, thông thường khi xảy ra nhầm lẫn trong quá trình xét xử thì phải xem là lỗi đánh máy thông thường hay vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (căn cứ định tội danh sai)?
“Ngoài ra, ta có thể xem xét thêm bản cáo trạng của VKS để làm căn cứ bổ sung. Nếu bản cáo trạng, khởi tố, truy tố bị can về từng hành vi trong một vụ án, nhưng vì trong quá trình đánh máy người ta gõ sai, chưa kịp xóa, trường hợp này chỉ cần một văn bản đính chính. Lỗi đánh máy xảy ra với văn bản nghị án, cáo trạng và phần nhận xét của Cơ quan Tòa án. Như vậy, HĐXX chỉ cần ra văn bản đính chính kết quả phiên tòa mà không cần tiến hành xét xử lại” – ông Tuấn nói.
Luật sư Tuấn cũng cho rằng, nếu sai trong phần nhận thấy của HĐXX, chỉ có một hành vi bị truy tố về mặt tội danh nhưng khi đưa ra quyết định lại nhận định luôn cả hai hành vi, thì lúc này phải xét đến do lỗi cố ý hay vô ý. Nếu là lỗi vô ý thì nó vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, phạm vi xét xử phải hủy bản án và xét xử lại. Nếu là lỗi cố ý sẽ vi phạm hành vi cố ý ra bản án trái pháp luật. Để xác định là lỗi vô ý hay cố ý thì phải tiến hành điều tra cụ thể.
“Mặt khác, có thể phải xét lại bản án và biên bản nghị án có giống nhau hay không. Nếu biên bản nghị án chỉ có một tội danh chịu mức án tử hình, nhưng bản án lại tuyên tử hình hai lần đối với hai tội danh thì có thể trình bày là nhầm lẫn, mệt mỏi.
Lỗi này về mặt quản lý hành chính có thể xử lý kiểm điểm. Nhưng nếu trong biên bản nghị án cũng ghi hai tội danh, hai án tử hình thì phải xét đến trách nhiệm liên đới của các hội thẩm như thế nào. Bởi lẽ có thể thẩm phán bị mệt mỏi trong quá trình xử án nhưng không đồng nghĩa với việc hai hội thẩm còn lại kia cũng mệt mỏi vì hai người này cũng ký tên trong biên bản nghị án” – ông Tuấn nói –
“Đây cũng là một trong những vai trò của hội thẩm trong HĐXX. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho các vị thẩm phán và/ hoặc hội thẩm nhân dân trong cương vị là thành viên trong Hội đồng xét xử về sau khi xét xử”.
Điều 168 Bộ luật hình sự 2015: Tội cướp tài sản
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.