Từ việc dời thời gian
Chiều 11/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, hơn 500 công nhân đại diện cho hơn 120.000 công nhân của các doanh nghiệp trên địa bàn háo hức chuẩn bị cho buổi tiếp xúc trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng. Chương trình do Ban quản lý các Khu Công nghiệp phối hợp với Liên đòan Lao động tỉnh Tiền Giang tổ chức (BTC).
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Trương Văn Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều buổi tiếp xúc lắng nghe, giải quyết kịp thời những thắc mắc của các doanh nghiệp và hôm nay là cuộc gặp giữa Thường trực UBND tỉnh với công nhân lao động. Điều này chứng tỏ lãnh đạo Đảng, nhà nước và công đoàn rất quan tâm và muốn lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng về đời sống, việc làm của công nhân. Qua đó để có chủ trương giải quyết thỏa đáng, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp. “Lát nữa đây, anh chị em công nhân sẽ có dịp phát biểu ý kiến, đề đạt những tâm tư nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của mình và sẽ được Chủ tịch UBND tỉnh trả lời đầy đủ”, ông Hiền nói.
Nhìn chung, công nhân được BTC đón tiếp nhiệt tình và chu đáo với nhiều tiết mục văn nghệ, được tặng quà. Kết thúc buổi giao lưu còn được chiêu đãi một bữa tiệc thịnh soạn. Tuy nhiên, những việc làm trên của BTC không giải tỏa được bức xúc của các công nhân khi họ xin đặt câu hỏi trực tiếp với Chủ tịch tỉnh nhưng không được quan tâm lại còn bị ngắt ngang, trong khi đó, thời gian của chương trình còn khá dài.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở một công ty cho hay: Sau khi nhận được công văn của BQLKCN đề nghị bố trí công nhân tham dự, gặp gỡ Chủ tịch tỉnh, chúng tôi đã đề nghị Ban Giám đốc công ty bố trí, thay đổi ca hoặc cho nghỉ làm việc, tạo mọi thuận lợi cho công nhân gặp gỡ Chủ tịch vào 8h00 ngày 11/5/2017. Nhưng sau đó lại nhận tiếp văn bản thông báo thay đổi chương trình sang 13h00, khiến thời gian bị xáo trộn. Việc hàng trăm công nhân phải nghỉ việc cả buổi sáng để đi tham dự vào buổi chiều đã nói lên sự tắc trách của BTC chương trình.
Hơn nữa, mục tiêu của chương trình là “Tiếp xúc trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh”, nhằm đáp ứng đông đảo nguyện vọng của công nhân, người lao động. Song BTC lại cắt ngang cuộc giao lưu với lý do “thời gian của Chủ tịch tỉnh rất ít, bận rộn…”. Kết quả chỉ được 09 công nhân đặt câu hỏi để Chủ tịch tỉnh trả lời; trong khi thời gian cho buổi chiều còn khá dài, nhiều cánh tay đưa lên xin được hỏi phải “thẹn thùng” rút lại.
Đến chuyện “chỉ định” đặt câu hỏi
Tại công văn của BQLCKCN do ông Nguyễn Hồng Châu - Phó BQLCKCN đồng thời là Phó BTC ký gửi các doanh nghiệp có nội dung vô lý, đó là phần chỉ định rất “cụ thể” doanh nghiệp nào được đặt câu hỏi. Không những thế, ở mục “đặt câu hỏi” còn ghi rõ là doanh nghiệp nào sẽ hỏi câu thứ mấy (!?). Như vậy, theo như công văn của ông Châu ký thì tại buổi gặp gỡ chỉ có một số công nhân được chỉ định mới được đặt câu hỏi đã được sắp xếp, còn công nhân khác thì chỉ… ngồi nghe.
Nhiều công nhân thắc mắc rằng doanh nghiệp của họ cũng nằm trên địa bàn tỉnh, họ cũng là đại diện tập thể công nhân tham gia gặp gỡ, vậy tại sao họ không được quyền đặt câu hỏi với ông Chủ tịch tỉnh? Phải chăng có sự thiên vị hay có vấn đề gì phía sau? Việc chỉ định câu hỏi sẽ giống một kịch bản dựng sẵn, không đáp ứng được hiệu quả tích cực của việc gặp gỡ, trao đổi.
Việc tổ chức chương trình như thế này là đáng hoan nghênh nhưng cách thực hiện còn nặng hình thức. Điều quan trọng là để Chủ tịch tỉnh gặp gỡ, trao đổi với công nhân, người lao động một cách gần gũi, thiết thực, thà để hết thời gian còn hơn cắt ngang bỏ dở, có như thế mới thể hiện sự tôn trọng công nhân, chứ không phải mời họ đến để lấp đầy chỗ trống trong hội trường.