Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch và lãnh đạo các sở, ban, ngành hôm qua đối thoại với đại diện khoảng 300 doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan, kinh doanh vận tải hàng hóa qua địa bàn.
Xe khủng tạm nhập tái xuất tại Móng Cái. Ảnh: M.H. |
Kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), chuyển khẩu, kho ngoại quan, kinh doanh vận tải hàng hóa từng được ví như một trong những “nồi cơm” của tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh than và du lịch. Thế nhưng, 5 tháng đầu năm 2013, lượng hàng hóa (tính theo số lượng container) TNTX qua biên giới tỉnh Quảng Ninh ước giảm đến 70% so với cùng kỳ năm 2012.
Nguyên nhân thì có nhiều, cả về phía “bạn” và phía ta. Trong đó, theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch tỉnh, thì “chủ yếu là do chính sách quản lý nước bạn có nhiều thay đổi. Chính sách quản lý của nước ta cũng có sự điều chỉnh, đã tác động tiêu cực đến hoạt động tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan”.
Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, toàn bộ hàng TNTX là phụ phẩm gia súc, gia cầm, phế liệu, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng bị tạm dừng kinh doanh; một số hàng hóa đã qua sử dụng (lốp ô tô, màn hình vi tính, CPU) được phép kinh doanh nhưng chỉ được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế. Trong khi đó, chính sách quản lý của phía bạn cũng “có nhiều thay đổi”.
Hệ lụy là, hàng loạt kho bãi, bến cảng, phương tiện hoạt động chỉ đạt 50% công suất. Thu ngân sách của địa phương (qua phí bến bãi) giảm tới 62% so với trước.
“Được lời như cởi tấm lòng”, tại hội nghị hàng loạt doanh nghiệp được dịp “tố khổ” cũng như giãi bày nguyện vọng. “Nóng” nhất là các ý kiến xoay quanh việc triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 05/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương, Thông tư 59/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Sau khi dành cả buổi sáng lắng nghe, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng tỏ rõ sự sốt ruột. “Sẽ không có giờ hành chính trong giải quyết thủ tục xuất hàng của doanh nghiệp, vì vậy các lực lượng chức năng sẽ làm việc 24h/ngày và không được thu bất cứ khoản phí nào ngoài quy định của Nhà nước”, ông cam kết, đồng thời yêu cầu các ngành, đơn vị chức năng tạo điều kiện tối đa cho các phương tiện, hàng hóa TNTX, chuyển khẩu, kho ngoại quan đi qua tuyến đường bộ; hạn chế tối đa việc dừng phương tiện khi không có dấu hiệu vi phạm.
“Trước mắt, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tỉnh dừng xem xét việc điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng lề đường, bến, bãi trên địa bàn tỉnh”, chủ tịch tỉnh quyết đáp tại hội nghị.
Tuy nhiên, đó là đối với các vấn đề trong thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh. Còn với các đề nghị về cơ chế chính sách của Trung ương, “tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với các bộ, ban, ngành liên quan”, dẫu có quyết liệt mấy thì ông Đọc cũng không thể nói khác.
Tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan. Chỉ thị nói rõ, hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa và gửi kho ngoại quan thời gian qua tuy có thu được một số kết quả nhất định nhưng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là việc lợi dụng quy định về tạm nhập tái xuất để buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế, thẩm lậu hàng hóa, kể cả hàng hóa không bảo đảm vệ sinh, an toàn vào thị trường nội địa. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tập trung thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh. |
Hà Hương