Thông qua việc trưng bày các bản đồ, hiện vật, tư liệu, hình ảnh cho thấy sự thật không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như những vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Từ bộ châu bản triều Nguyễn
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” và Quyết định số 616/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bộ TT&TT kết hợp với tỉnh Đắk Nông tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử pháp lý”. Đây cũng là buổi triển lãm thứ 69 được tổ chức trên phạm vi cả nước.
Tham gia buổi triển lãm, người xem sẽ được tìm hiểu, tham quan hàng trăm bản đồ do Việt Nam, Trung Quốc và một số nước phương Tây thực hiện, cùng hàng chục văn bản Hán-Nôm, Việt ngữ, Hán ngữ do các nhà nước phong kiến của Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX. Tất cả các tư liệu đó đều khẳng định các nhà nước của Việt Nam trong lịch sử đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong đó, đáng chú ý là bộ sưu tập châu bản của triều Nguyễn, có niên đại từ triều Minh Mạng (1820 – 1841) đến triều Bảo Đại (1925 – 1945) phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn, do Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) nghiên cứu, tuyển chọn, biên dịch, công bố và do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm và hiến tặng.
Có thể thấy, châu bản triều Nguyễn là tài liệu đặc biệt quan trọng vì mang bút tích của nhà vua, được bảo quản trong các kho lưu trữ của cung đình, nội dung liên quan đến hầu hết các hoạt động triều chính. Châu bản này là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cũng như toàn bộ hoạt động của triều đình và đời sống xã hội thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.
Bộ châu bản triều Nguyễn gồm 16 bộ được viết bằng 2 ngôn ngữ (chữ Hán và chữ Việt). Nội dung phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua việc liên tục cử người ra 2 quần đảo để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ.
Châu bản thể hiện rõ nét vấn đề này là châu bản năm 1836, vua Minh Mạng sai một người là xuất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật (quê ở Quảng Ngãi) đi ra Hoàng Sa tiến hành đo vẽ bản đồ, khi đi thì mang theo các cọc gỗ, trên các cọc gỗ có các dòng chữ đề rõ: “Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Phạm Hữu Nhật đã tới đây tiến hành công tác đo đạc, đóng cọc khẳng định chủ quyền”.
Độ chính xác của những châu bản triều Nguyễn này đã được cả thế giới công nhận. Ngày 30/7/2014, Tổ chức UNESCO đã trao “Bằng di sản tư liệu” thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đối với châu bản triều Nguyễn.
Bản đồ Đại Nam Thống Nhất Toàn Đồ |
Đến các bản đồ cổ
Buổi triển lãm cũng trưng bày bộ sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây, Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVII đến nay.
Trong đó, có 4 tập bản đồ (atlas) và 30 bản đồ do các nhà nước của Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đáng chú ý là bốn cuốn atlas do nhà Thanh và chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm “Trung Quốc địa đồ” (xuất bản năm 1908), “Trung Quốc toàn đồ” (xuất bản năm 1917), “Trung Hoa bưu chính dư đồ” (xuất bản năm 1919) và “Trung Hoa bưu chính dư đồ” (xuất bản năm 1933). Cương giới cực Nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngoài ra, bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795-1869) - nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn, gồm 6 tập; trong đó, có bản đồ Partie de la Cochinchine ở tập 2 khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) là thuộc Việt Nam.
Ngoài ra còn có những công trình nghiên cứu, ấn phẩm của các học giả Việt Nam và nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xuất bản từ năm 1975 cho đến nay; nhiều hiện vật và hình ảnh về công cuộc thực thi chủ quyền và đấu tranh “Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”.
Trong số này, tư liệu được xem là thành văn sớm nhất là bản đồ số 42 nằm trong tập bản đồ Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ do Đỗ Bá (quê Nghệ An) vẽ vào thế kỷ XVI và chú dẫn: ở ngoài khơi từ Cửa Đại đi ra, đi một ngày rưỡi thì có một quần đảo là Bãi Cát Vàng ngay giữa biển.
Đây là bản đồ đầu tiên được sưu tầm khẳng định người Việt đã đặt chân ra quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh đó, còn có các bản đồ khác đều có hình vẽ và ghi chú là Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm. Đây là một bằng chứng chứng minh chúng ta đã đặt chân lên quần đảo này trước và đặt tên cho quần đảo bằng chính ngôn ngữ của người Việt.
Chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là bất khả xâm phạm
Phát biểu tại buổi triển lãm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: “Biển Đông, trong đó có vùng biển của Việt Nam có vị trí địa kinh tế và địa chính trị hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, tình hình Biển Đông thời gian vừa qua có những diễn biến rất phức tạp, liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Trên diễn biến thực địa, Trung Quốc nhiều lần có những hành động, yêu sách xuyên tạc lịch sử, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông”.
Bia khẳng định chủ quyền trên đảo Hoàng Sa |
Việc tổ chức các buổi triển lãm, với những bằng chứng về chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức quan trọng và cần thiết phải được tiến hành thường xuyên và lâu dài.
Những bằng chứng lịch sử, pháp lý mà chúng ta đã thu thập, được trưng bày tại đây góp phần minh chứng cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt khai phá, được các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền một cách liên tục và hòa bình trong suốt nhiều thế kỷ qua.