Tôi là một người con gái trong gia đình gia giáo, được giáo dục đạo đức tốt, ba tôi là thầy giáo nghiêm túc nên từ nhỏ tôi đã thấm nhuần giáo lý nghiêm ngặt, và một đạo lý nhà Phật ăn sâu vào tâm tưởng. Tôi gặp chồng khi học chung trường, mặc dù với bao nhiêu sự phản đối của gia đình và bạn bè, anh và tôi cũng nhất quyết vượt qua để đến với nhau.
Tôi luôn tự tin với lòng độ lượng, biết trách nhiệm, bổn phận thì thế nào cũng chiếm được sự quý mến của mọi người.
Nhưng trớ trêu thay, cả gia đình bên chồng bao nhiêu lần hắt hủi tôi và các cháu nội của họ. Chồng tôi lại như nhược, không có một lời đính chính hoặc che chở cho tôi. Đã vậy tôi còn quá thất vọng vì những tưởng sẽ được chồng thương và bù đắp, nhưng đến giờ phút này tôi mới biết anh là một người đàn ông vô trách nhiệm.
Anh đến và nhất quyết sống với tôi vì biết với đồng lương ít ỏi, không đủ bảo đảm một cuộc sống thường cho gia đình, anh khó mà tìm một người vợ có đủ tài đức như tôi. Anh không ngần ngại bỏ mặc tôi lo một mình những lúc sinh con, chăm sóc và nuôi dạy chúng.
Nhưng chắc nhờ trời Phật phù hộ, các con đều thành công nên người, tôi gánh vác trên hai vai nặng trĩu, một bên lo thay bổn phận làm chồng, một bên làm vợ, làm mẹ, anh chẳng hề một lời hỏi thăm hay an ủi. Tôi có nhiều lần gợi ý để anh hiểu, nhưng rồi anh chỉ để ý chừng vài ba ngày xong thì trở lại bản tính như xưa, không ngó ngàng gì đến tương lai con cái, để cho tôi gánh vác tất cả.
Tôi cũng nhiều lần thất vọng về con người này và đã muốn ly dị, nhưng anh khóc lóc nỉ nôi, hứa hẹn đủ điều, van xin tôi. Thấy vậy tôi đã không biết bao nhiêu lần bỏ qua với hy vọng là anh sửa tính. Nhưng lần này qua lần khác anh không hề thay đổi, anh chỉ hứa cho tôi bỏ qua vì cũng hiểu tôi là người đàn bà rất cổ điển: con gái chỉ có một chồng.
Cũng vì ý muốn này mà tôi cứ ráng tìm cách níu kéo anh, hy vọng sẽ có ngày anh hiểu và thương gia đình, vợ con hiếu thảo. Nhưng rốt cuộc tôi mới thấy một câu mà người xưa nói đến giờ nay vẫn còn có giá trị: con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Thế mới biết những người làm cha mẹ, với kinh nghiệm họ sâu xa hơn mình nhiều.
Anh vừa lấy hưu trí, anh báo cho tôi biết là anh muốn đi tu, anh muốn làm theo Phật, bỏ gia đình để theo con đường tâm linh, vì đó là nguyện vọng của anh. Tôi và các con cũng quá ngỡ ngàng, và bây giờ tôi mới hiểu là từ lâu rồi anh sống với tôi vì thấy tôi là người phụ nữ quá tốt với anh và là người mẹ chu toàn. Nên với đồng lương mà anh có, anh không thể nào tìm được một cuộc sống thoải mái sung sướng.
Đi làm về thì có một gia đình, có mâm cơm sẵn sàng, có một cô vợ tích trực chăm lo mà không cần phải làm trách nhiệm hay bổn phận nào của một người chồng. Nhưng khi đến tuổi ngoài 60 rồi, thì anh thấy không còn gì hưởng thụ nơi vợ con nữa, nên anh đi tìm nơi khác. Anh cũng biết là khi về hưu thì đồng lương của anh trội hơn của tôi vì bao năm qua với bằng kỹ sư vi tính nhưng tôi không có đi làm thường xuyên vì một mình tôi phải lo trăm điều.
Một năm nay anh tìm đủ mọi cách để dằn vặt tôi và các con. Anh cố nói những lời lẽ không hợp lý, mục đích để vợ con phản kháng. Rồi từ đó anh bắt bẻ, vu khống là trong gia đình vợ con không coi anh ra gì cả, nên anh không thể ở lại nhà lâu dài được nữa. Còn tôi cũng nhiều lần tìm cách cứu vãn tình hình, nhưng bây giờ tôi và các con cũng quá chán nản, thất vọng.
Trước đó khi vừa nghỉ hưu, anh đã tuyên bố với tôi và các con là nhất quyết bỏ gia đình để tu, nhất định phải giải thoát để lên niết bàn trong kiếp này và anh chịu đổi tất cả vật chất để lấy tâm linh, không bao giờ trở về gia đình nữa. Nhưng theo tôi biết, ngoài miệng anh nói vậy, nhưng khi gặp bà con trong gia đình hay bạn bè thì anh đã lén lút sau lưng đi mở tài khoản để sang tiền hưu trí vào tài khoản của anh.
Khi tôi hỏi anh thì anh trả lời, làm như vậy thôi chứ không làm thật. Anh còn bảo là trong đạo Phật, biết đời là vô thường nên những gì anh hứa hẹn với tôi và các con anh không làm theo thì không có gì sai cả. Tôi phải làm thế nào, có nên ly dị hay cứ để anh ấy đi tu theo nguyện vọng và tôi thì không muốn gặp mặt trở lại người phản bội tôi, như vậy có đúng không?
Theo VNE