Sự phát triển của chuỗi
Nông nghiệp là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng phát triển, dựa trên góc độ cung - cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Với nhu cầu phát triển cao, lĩnh vực này cần một sản phẩm cho vay đặc thù, như cho vay theo chuỗi giá trị, để tiếp sức cho hoạt động sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết – một mô hình gia tăng giá trị cho nông sản và các thành viên tham gia.
Theo một báo cáo về cho vay chuỗi nông nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu Nông Nghiệp Quốc tế trực thuộc Chính phủ Úc, kết hợp thực hiện với Viện Chính Sách Chiến Lược phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn (IPSARD) của Việt Nam, các xu hướng có tác động lớn đến tình hình phát triển nông nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi đến từ sự xuất hiện của các kênh phân phối nông sản mới như siêu thị, cửa hàng bán lẻ…, cùng nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn, đồng thời đòi hỏi thêm các giá trị gia tăng của nông sản.
Các xu hướng này sẽ tạo ra cơ hội đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản cho một số quốc gia, bao gồm Việt Nam, với các sản phẩm có giá trị cao như trái cây, rau quả hay các sản phẩm từ động vật… tới các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Tín dụng nông nghiệp truyền thống, vốn còn nhiều hạn chế, sẽ khó đáp ứng được nhu cầu gia tăng về vốn, nhằm phát triển kinh tế nông thôn và tận dụng cơ hội nói trên. Cho vay theo chuỗi, ngược lại, có thể mang tới triển vọng mở rộng nguồn tài chính cho nông nghiệp một cách bền vững và ít rủi ro.
Khác với cho vay nông nghiệp đại trà, cho vay theo chuỗi áp dụng cho các thành viên trong vòng tròn hay hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp, từ các hộ dân nuôi trồng nguyên liệu đầu vào cho tới các nhà máy/hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản, và các đơn vị bao tiêu nông sản đầu ra…
Với hình thức tín dụng này, người nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp ổn định, từ đó tăng cường sinh kế, yên tâm bám trụ quê hương. Ngoài ra, các thành viên trong chuỗi có thể bổ trợ khả năng tiếp cận vốn cho nhau, khi mỗi thành viên là một mắt xích của chuỗi, có tính liên kết cao trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Đối với các ngân hàng, cho vay theo chuỗi giá trị là một mô hình có tiềm năng phát triển lớn, bền vững và khá an toàn, khi tệp khách hàng sẽ không ngừng mở rộng theo quy mô chuỗi và tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp giữa các thành viên trong chuỗi sẽ giảm thiểu rủi ro không trả được nợ.
Khi ngân hàng là một mắt xích của chuỗi giá trị
LienVietPostBank là một trong số ít các ngân hàng thương mại tập trung khai thác tiềm năng của khu vực nông thôn với tín dụng nông nghiệp, trong đó có mô hình cho vay theo chuỗi. Năm ngoái, ngân hàng này đã triển khai sản phẩm cho vay vật tư nông nghiệp, làm tiền đề để khai thác sâu hơn phân khúc này trong tương lai.
Tại tỉnh Ninh Thuận, nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị như trồng nho, mía, sắn, cây dược liệu… được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Từ đầu năm 2022, sản phẩm cho vay vật tư nông nghiệp của LienVietPostBank đã đến tay nhiều nông hộ trồng nho theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh. Nhiều hơn nguồn vốn nhận được, các nông hộ này được ngân hàng tư vấn kỹ càng về giống cây, kỹ thuật trồng và cam kết thu mua bởi các đầu mối đại lý lớn, tạo cơ sở cho người nông dân yên tâm canh tác.
“Cho vay theo chuỗi giúp ngân hàng thuận lợi hơn trong công tác tiếp thị, thẩm định khách hàng cũng như kiểm soát mục đích sử dụng vốn, nguồn trả nợ của khách hàng, hạn chế rủi ro phát sinh. Với số lượng nông hộ trồng cây nông sản khá lớn, mô hình này có thể nhân rộng để phát triển tại địa phương”, đại diện chi nhánh LienVietPostBank Ninh Thuận đánh giá.
Tương tự, mô hình cho vay theo chuỗi gai xanh trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, cũng đã giải quyết bài toán về vốn cho rất nhiều nông hộ trồng gai xanh trong chuỗi giá trị, theo hướng an toàn, bền vững.
LienVietPostBank chi nhánh Sơn La cho biết: “Người nông dân miền núi trước đây chưa biết làm gì để khai thác hiệu quả đất, cây gai xanh dễ trồng, thu hoạch nhanh và được bao tiêu giúp bà con có nguồn thu trả nợ ngân hàng, có thu nhập để tái đầu tư, phát triển kinh tế gia đình.”
“Việc cho vay nông nghiệp tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro như mùa vụ, giá cả, khi tham gia theo chuỗi gai xanh, ngân hàng giảm bớt được các rủi ro phát sinh này”, vị đại diện chi nhánh Sơn La phân tích.
Với định hướng tập trung phục vụ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ngân hàng này có chính sách ưu đãi lãi suất thường xuyên đối với các nông hộ làm kinh tế, bao gồm cả các khách hàng tham gia chuỗi giá trị.
Ngoài ra, nhiều chi nhánh của LienVietPostBank đã có cách làm khá sáng tạo khi đúc kết một cuốn ‘Sổ tay tín dụng’- nơi tập hợp các kiến thức, thông tin, đặc thù của từng ngành nghề trong chuỗi giá trị, từ giá thành vật tư nông nghiệp, con giống, cây giống, chi phí sản xuất, nuôi trồng, chăm sóc…, qua đó giúp nâng cao chất lượng nghiệp vụ, tính toán chính xác các rủi ro có thể phát sinh, thấu hiểu sâu sắc các lĩnh vực trong chuỗi, cùng nhu cầu vay vốn thực tế của các thành viên trong chuỗi hay từng lĩnh vực nhỏ của khu vực nông thôn.
Trong khi đó, nông nghiệp đã và đang thể hiện sức chống chịu mạnh mẽ bất chấp các khó khăn của đại dịch Covid-19, khi tăng trưởng 2,9% trong năm 2021, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong năm 2021, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của LienVietPostBank, bao gồm cho vay theo chuỗi, theo đó, đạt mức tăng trưởng 35% so với năm 2020, , chiếm 36% trong tỷ trọng cơ cấu cho vay. Tỷ lệ nợ xấu của khu vực này cũng ở mức rất thấp.
“Cho vay theo chuỗi giá trị sẽ giúp thay đổi bộ mặt kinh tế khu vực nông thôn, góp phần cải tiến các phương thức sản xuất, canh tác nông nghiệp truyền thống theo hướng hiện đại, tập trung, từ đó nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp và các sản phẩm nông sản Việt Nam không chỉ trong nước mà còn tại các thị trường quốc tế”, đại diện LienVietPostBank nhận định./.