Chính trường Brazil - “Thùng thuốc súng” chờ nổ...

Sergio Machado - cựu Chủ tịch Cty vận tải Transpetro, một Cty con của Petrobras
Sergio Machado - cựu Chủ tịch Cty vận tải Transpetro, một Cty con của Petrobras
(PLO) - Chính trường Brazil tiếp tục rối ren khi Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer bị tố cáo đã nhận tiền tham ô trong vụ bê bối khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras trong chiến dịch tranh cử năm 2014.

Ngày 15/6/2016, ông Sergio Machado - cựu Chủ tịch Cty vận tải Transpetro, một Cty con của Petrobras - khai với cơ quan điều tra về việc Tổng thống lâm thời Brazil Temer đã yêu cầu ông này nộp tiền ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2014. 

Đoạn băng ghi âm

Ông Machado cũng đã cung cấp các đoạn băng ghi âm cho thấy bằng chứng về những lời khai nói trên. Ngoài ra, nguyên Chủ tịch Transpetro, khai rằng đã ủng hộ “phi pháp” hơn 20 chính trị gia khác thuộc đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) của ông Temer.

Trước đó ngày 7/6, ông Machado, người đang bị bắt giữ để phục vụ điều tra vụ Petrobras, cũng tiết lộ đã hối lộ ba thủ lĩnh PMDB số tiền lên tới 20 triệu USD: ông Renan Calheiros 8,6 triệu USD, cựu Tổng thống José Sarney và cựu Bộ trưởng Kế hoạch Romero Jucá, mỗi người 5,7 triệu USD.

Theo ông Machado, với số tiền hối lộ trên, các quan chức của PMDB đã giúp ông này giữ chức Chủ tịch Transpetro, Cty trực thuộc Petrobras chuyên vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu khí, trong suốt 13 năm từ năm 2003, khi Tổng thống Lula da Silva bắt đầu cầm quyền. Cựu Chủ tịch Transpetro cho biết đây là số tiền thu được từ chênh lệch giá trong các hợp đồng vận chuyển dầu cho Petrobras mà Transpetro đã thắng thầu.

Trong bản khai dài tới 400 trang của ông Machado với cơ quan điều tra vừa được công bố ngày 15/6, có tới 20 chính trị gia đã nhận hối lộ từ số tiền tham ô trong vụ Petrobras được núp danh dưới các khoản tiền tài trợ cho các chiến dịch tranh cử. Về phần mình, đảng Lao động (PT) của Tổng thống Dilma Rousseff, người hiện bị đình chỉ chức vụ, cho biết đang xem xét khả năng yêu cầu cơ quan lập pháp mở một phiên tòa chính trị xét xử tội tham nhũng của Tổng thống lâm thời Temer. 

Ngay sau tiết lộ của cựu Chủ tịch Transpetro Machado, Viện Kiểm sát liên bang Brazil đã ra lệnh bắt giữ ba nhân vật chính trị cấp cao này của PMDB để phục vụ công tác điều tra.

Ngày càng phức tạp

Vụ bê bối Petrobras bị phanh phui từ tháng 3/2014 sau khi ông Roberto Costa, Giám đốc Cung ứng của Petrobras, khai báo nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do những doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil là đối tác của tập đoàn này cấu kết thành lập.

Vụ bê bối này đã gây chấn động chính trường Brazil khi hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang cũng nằm trong diện bị điều tra.

Theo cơ quan điều tra, 16 công ty đã móc ngoặc với nhau trong vụ việc này, trong đó có các tập đoàn xây dựng lớn của Brazil như Odebrecht và Andrade Gutierrez, để làm giá khi bỏ thầu các công trình của Petrobras, nâng khống giá lên gấp nhiều lần và dùng số tiền chênh lệch lên tới 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras. 

Vụ bê bối này cũng ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống Dilma Rousseff và cựu Tổng thống Lula da Silva, đều thuộc đảng Lao động (PT). Ngày 12/5 vừa qua, bà Rousseff đã tạm thời bị Quốc hội Brazil đình chỉ chức vụ trong 180 ngày để chờ phán quyết cuối cùng của phiên tòa luận tội nhà lãnh đạo này liên quan tới cáo buộc vi phạm luật ngân sách quốc gia và toàn bộ nội các trong chính quyền của bà Rousseff đã bị giải tán.

Ông Lula hiện cũng đang đối mặt với nguy cơ bị điều tra do cáo buộc có liên quan đến vụ Petrobras. Tuy nhiên, bà Rouseff và PT tuyên bố những cáo buộc trên cùng những động thái đi kèm là âm mưu đảo chính.

“Thùng thuốc súng” chờ nổ

Ngày 16/6, Bộ trưởng Du lịch Brazil Henrique Alves đã xin từ chức do bị cáo buộc dính líu tới vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Đây là bộ trưởng thứ ba trong chính phủ Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer phải ra đi vì bị cáo buộc nhận hơn 425.000 USD tiền hối lộ trong giai đoạn 2008-2014. Trong đơn xin từ nhiệm, Bộ trưởng Alves, người của đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) cầm quyền, cho biết lý do ra đi vì không muốn làm ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ lâm thời. 

Cùng với việc Tổng thống lâm thời Temer bị tố cáo nhận tiền tham ô trong chiến dịch tranh cử năm 2014, tình hình chính trị tại Brazil càng trở nên phức tạp hơn bởi trong vụ bê bối Petrobras, PMDB, chính đảng lớn nhất ở Brazil có nhiều thành viên bị dính líu nhất. Hiện tại, Chính phủ lâm thời cũng đang phải đối diện với sự phản đối của đông đảo cử tri Brazil kể từ khi lên cầm quyền.

Các kết quả thăm dò gần đây cho thấy, ít nhất 25% người dân Brazil phản đối Chính phủ của ông Temer do không có uy tín và đa phần cử tri ủng hộ tổng tuyển cử trước hạn. Thêm vào đó, các đoạn băng video được báo chí Brazil đăng tải trong những ngày qua cho thấy dường như âm mưu lật đổ Tổng thống Rousseff là nhằm ngăn cản quá trình điều tra vụ Petrobras.

Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latinh cũng đang chìm trong cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% GDP, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua và sức tiêu dùng sụt giảm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm nay kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái và ở mức âm 3,5%.

Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần chín thập kỷ, kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. Trong khi đó, trung tâm của các vụ bê bối tham nhũng đang làm chao đảo chính trường Brazil - tập đoàn Petrobras đang phải đối mặt với khoản nợ chồng chất lên tới 100,4 tỷ USD. Tháng 3, tập đoàn này đã công bố khoản thua lỗ kỷ lục trong năm 2015 lên tới 9,6 tỷ USD, tăng 30% so với mức thua lỗ của năm 2014.

Nhằm củng cố nguồn tài chính công của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, ngày 15/6, Chính phủ lâm thời Brazil đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp cho phép cắt giảm chi tiêu công trong 20 năm tới và giới hạn mức chi tiêu hàng năm tương đương tỷ lệ phạm phát của năm trước đó.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Henrique Meirelles khẳng định, Brazil không thể tiếp tục chi tiêu quá khả năng chi trả. Bước đi này có thể giúp Brasilia khôi phục lòng tin của giới đầu tư và khoảng thời gian 20 năm là đủ để thay đổi mức nợ công hiện tại. Ông nhận định sửa đổi này đòi hỏi phải có thời gian, song mục tiêu là để tăng tiềm lực phát triển kinh tế của Brazil. 

Vụ bê bối tham nhũng ở Petrobras chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng đáng kể tới chính trường Brazil trong thời gian tới. 

Đọc thêm

NASA đầu tư 11,5 triệu USD để thiết kế máy bay tương lai

NASA đầu tư 11,5 triệu USD để thiết kế máy bay tương lai (Ảnh: Electra)
(PLVN) - NASA đang tài trợ cho 5 nghiên cứu thiết kế máy bay mới với mục tiêu tạo ra thế hệ máy bay thương mại ít phát thải, hiệu quả và bền vững hơn, góp phần đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính từ ngành hàng không vào năm 2050.

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.