Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1470/QĐ-TTg ký thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm Phó Trưởng ban. Các thành viên khác của BCĐ là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
BCĐ có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý để sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của Vinashin. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc thông tin, tuyên truyền khách quan, chính xác, kịp thời về tình hình và các chủ trương, biện pháp xử lý đối với Tập đoàn.
BCĐ có 2 Tổ công tác; trong đó, Tổ công tác số 1 có nhiệm vụ tái cơ cấu tổ chức, chiến lược phát triển, định hướng đầu tư và sản xuất, kinh doanh của Vinashin. Tổ công tác số 2 đảm trách công tác tái cơ cấu tài chính bảo đảm nguồn trả nợ, vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Bộ phận điều phối giúp việc của BCĐ đặt tại Văn phòng Chính phủ.
Tái cơ cấu Vinashin tập trung vào ngành nghề chính
Trước đó, ngày 18/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 926/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu Vinashin để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tập trung vào ngành nghề chính.
Việc tái cơ cấu nhằm đạt 4 mục tiêu. Đó là duy trì và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển; sử dụng có hiệu quả năng lực, cơ sở vật chất đã và đang đầu tư; không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng; đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những doanh nghiệp và dự án dở dang tại các ngành nghề không gắn với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính (là đóng tàu và công nghiệp phụ trợ) như vận tải biển, xây dựng cảng và KCN, các công ty không thật cần thiết trong chiến lược phát triển của Tập đoàn mà trong điều kiện khó khăn hiện nay, Tập đoàn chưa có điều kiện hoàn thiện thì được chuyển giao cho các doanh nghiệp khác phù hợp và có điều kiện hơn để quản lý, đầu tư, khai thác có hiệu quả.
Điều này cũng tạo điều kiện cho Tập đoàn giảm được nợ và bổ sung nguồn vốn vào các dự án đóng tàu hiện nay.
Tổng thể các giải pháp tái cơ cấu
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ chỉ đạo thu hẹp ngành nghề kinh doanh hiện tại của Vinashin. Tập trung vào đóng, sửa chữa tàu, phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển năng lực thiết kế với việc đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, không kinh doanh vận tải biển…
Tại buổi làm việc với tập thể cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Vinashin ngày 7/8 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết khó khăn về tài chính là rất lớn đối với Vinashin nhưng trước quyết tâm chính trị của Chính phủ tái cơ cấu tập đoàn này, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ hết sức.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết Bộ này cũng đã trình Chính phủ, sẽ cấp đủ vốn điều lệ cho Vinashin còn lại sẽ cho vay mà không cấp vốn nữa. Bộ Tài chính sẽ cùng Vinashin tìm ra phương án tối ưu thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu.
Lộ trình phát triển cho một “Vinashin mới” được xác định: Đến 2012 hết lỗ, 2014 có lãi, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết.
Những giải pháp trên bước đầu đã có một số kết quả. Các dự án chuyển về Tập đoàn Dầu khí Việt nam đã khởi động trở lại, ở Nhà máy đóng tàu Dung Quất hơn 1.000 công nhân nghỉ việc (trong tổng số hơn 6.000) đã trở lại làm việc, dự kiến tháng 10 năm 2010 sẽ hạ thuỷ được tàu chở dầu 104.000 tấn. Nhiều tàu trong đội tàu viễn dương chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã hoạt động trở lại, khắc phục tình trạng ngưng trệ hàng loạt.
Mới đây, Tập đoàn Vinashin đã bán được 4 con tàu đóng mới trị giá gần 110 triệu USD (1 tàu 53.000 tấn, 1 tàu 56.000 tấn, 2 tàu 17.000 tấn) cho khách hàng và chuyển nhượng được một số dự án đầu tư ngoài ngành chính để thu hồi vốn; đang dồn sức hoàn tất những con tàu đang đóng dở dang./.
Theo Chinhphu.vn