Sáng qua (17/5), Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả thực hiện Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên (người phát ngôn của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992) chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên chủ trì cuộc họp |
18 triệu lượt ý kiến góp ý
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp, mặc dù còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc lấy ý kiến nhưng về cơ bản, việc tổ chức lấy ý kiến đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, thực sự tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Để lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 28.014 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt ý kiến góp ý của tập thể, cá nhân, trong đó nhiều nhất là góp ý vào chương II (5,6 triệu lượt ý kiến). Trên cơ sở báo cáo của 30/30 Bộ, cơ quan nganh Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63/63 các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, 2 báo cáo chuyên đề về Chính phủ, về chính quyền địa phương, báo cáo của Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam và một số ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ tổng hợp, xây dựng báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Chính phủ “hài lòng với báo cáo và những kiến nghị về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tuy chưa đánh giá cụ thể song nhìn chung có nhiều ý kiến từ Báo cáo được tiếp thu giúp dự thảo hoàn thiện hơn”. Thứ trưởng cho biết thêm, “có nhiều kiến nghị tâm đắc nhưng vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện lập luận về cơ sở lý luận và thực tiễn có tính thuyết phục cao hơn để Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp thu vào dự thảo”. Trước sự quan tâm của báo chí về “nhiều vấn đề trong dự thảo còn có những ý kiến tranh luận”, Thứ trưởng nhấn mạnh, “khi dự thảo chưa được thông qua thì việc tranh luận là cần thiết để tìm ra giải pháp tốt nhất, thích hợp nhất”.
Thể hiện 7 nhóm vấn đề được quan tâm
Báo cáo của Chính phủ về tổng kết lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được xây dựng thể hiện rõ 7 nhóm vấn đề của Dự thảo được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, đề xuất hoàn thiện, trong đó đóng góp sâu vào Chương 7 (Chính phủ) và Chương 9 (Chính quyền địa phương).
Chính phủ kiến nghị xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ, tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng; cụ thể hóa mối quan hệ phân công, phối hợp, kiếm soát thực hiện quyền lực nhà nước; đổi mới toàn diện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, xác định rõ hơn vị trí, tính chất pháp lý của HĐND, Hiến định rõ hơn về thẩm quyền, tiêu chí, điều kiện, thủ tục thành lập mới, sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính – lãnh thổ.
Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số qui định về Quốc hội, Chủ tịch nước, TANDTC, Hội đồng Hiến pháp, kiến nghị tập trung vào qui định về nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, hoàn thiện các hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp, ghi nhận nguyên tắc các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được bảo đảm thực hiện bằng Hiến pháp và luật.
Nhiều ý kiến được tổng hợp trong báo cáo của Chính phủ cũng tập trung kiến nghị hoàn thiện qui định về các trường hợp thu hồi đất và bồi thường trong trường hợp thu hồi đất; bảo đảm tính nhất quán của chính sách và tính thống nhất của các qui định và bảo đảm văn phong pháp lý trong Hiến pháp, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dự báo của các qui định của Hiến pháp.
H.Giang