Khó khăn chồng chất khó khăn
Trong tương lai, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã xác định rõ DN giữ vai trò làm động lực phát triển kinh tế của TP nói riêng và của cả nước nói chung. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đương đầu với muôn vàn khó khăn thách thức sau đại dịch Covid-19. DN trong giai đoạn này phải thực hiện song song nhiệm vụ phòng, chống dịch và tập trung phát triển kinh tế.
Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2020 vừa qua công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng một số sản phẩm vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như: cá phi lê đông lạnh, xi măng, điện thương phẩm…
TP hiện có 439 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng số vốn trên 100.000 tỷ đồng bao gồm dự án trong và ngoài khu công nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thương mại và dịch vụ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3.5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp tục duy trì các hoạt động tư vấn, đào tạo kỹ năng cho người lao động. Trong 9 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho hơn 30.000 người lao động. Thực hiện hỗ trợ cho hơn 80.000 người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng thì DN vẫn còn gặp nhiều tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhiều ý kiến trình bày phản ánh về những khó khăn mà DN đang phải đối mặt. Điển hình về việc mở rộng thị trường, chống phá giá, đầu cơ tích trữ và hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động do Công ty Cổ phần Liên hiệp Kim Xuân đề xuất.
Ngoài ra, vấn đề xây dựng và cải tạo mặt đường IC3 dẫn đến Cảng Cái Cui theo đề xuất của Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ được quý DN đặc biệt quan tâm. Vì đây là con đường huyết mạch để vận chuyển hàng hóa từ TP đến cảng biển và xuất khẩu sang nước ngoài, nếu con đường này được thông thoáng thì công tác vận chuyển sẽ trở nên dễ dàng và tiết kiệm tối đa thời gian.
Trình bày với chính quyền và DN, bà Võ Xuân Thư, Giám đốc khách sạn Victoria chi nhánh Cần Thơ cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tình hình kinh doanh, tài chính của Công ty gặp nhiều khó khăn nên đề nghị chính quyền hỗ trợ gia hạn thời gian nộp tiền đất lần 2 sang quý I/2021.
Thêm vào đó theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giảm tiền điện từ điện kinh doanh sang giá điện tiêu dùng đến tháng 7/2020, kiến nghị TP có thể kéo dài thời gian gia hạn đến cuối năm để DN có thể “cầm cự” giữ chân người lao động và tập trung phát triển trở lại.
Môi trường kinh doanh cần được cải thiện
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, trong 5 năm qua (2015 – 2020), Cần Thơ từ nhóm khá vươn lên giữ vị trí trong top 15 tỉnh đứng đầu PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) trong cả nước. Tuy nhiên, trong 10 chỉ số thành phần PCI, Cần Thơ chưa có chỉ số thành phần nào dẫn đầu cả nước. Đặc biệt trong 2 chỉ số gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai, TP đang ngày càng mất dần vị thế.
Để kịp thời giải đáp những khó khăn vẫn còn đang tồn tại và vạch ra phương hướng phát triển trong tương lai, theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: “Chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm đã có trên 1.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, chính quyền TP sẽ tiếp tục chỉ đạo, tập trung xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai và minh bạch, tạo đà thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN, nhà đầu tư ổn định để tập trung phát triển kinh tế”.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP cam kết hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. |
Giải pháp tối ưu Cần Thơ đưa ra là cải cách thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà trong các lĩnh vực: thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy, giao thông… Ngoài ra, DN trên địa bàn TP phải tốn quá nhiều chi phí cho việc tuyển dụng lao động và đào tạo lao động. Sự thiếu hụt lao động ở nhóm giám đốc điều hành, quản lý/giám sát và đặc biệt là cán bộ kỹ thuật có tay nghề trong tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, thủy sản, đến công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Điều này gây áp lực tài chính đối với DN, dẫn đến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, thiếu hụt nguồn nhân lực, cạn kiệt chất xám trong nhiều dự án quan trọng của TP.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, DN vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn, nhân sự và đối tác còn nhiều hạn chế. Việc tiếp cận đất đai khó khăn vì thời gian chờ giải quyết các thủ tục hành chính dài hơn quy định của pháp luật, cán bộ hướng dẫn về các thủ tục không đầy đủ và DN phải trả nhiều chi phí không chính thức.
Các vấn đề trên sẽ được TP giải quyết. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng mong muốn cộng đồng DN huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường liên kết, liên doanh, hợp tác cùng phát triển, khắc phục những khó khăn hiện tại, thúc đẩy TP ngày càng phát triển bền vững.