Đó là câu chuyện của Đại tá Lương Tiến Đại (SN 1946, ngụ phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh). Ông tìm đến Pháp luật & Thời đại kể về kỷ niệm thời chiến tranh day dứt, mong qua bài báo có thể thực hiện được ý nguyện cháy bỏng suốt 46 năm qua. Thế nhưng tối 6/5/2014, một cơn đau tim đột ngột ập đến khiến ông đột tử. Pháp luật & Thời đại tiếp tục thay người cựu binh thực hiện kế hoạch kiếm tìm dang dở.
Tình yêu nảy nở trong chết chóc
Chiều 29 Tết Mậu Thân, 16 chiến sĩ giải phóng quân thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 tập kết ở một vùng bán sơn địa phía tây thành phố. Một nữ giao liên dẫn đơn vị tiến về Nha Trang. Sau một đêm hành quân, rạng sáng, các chiến sĩ đã tiếp cận ngoại ô, đợi giờ G sẽ tiến vào nội đô.
Nhưng rồi giao liên dẫn lạc đường, toàn đơn vị lọt vào một ổ phục kích của đối phương. Trong tình huống gay cấn đó, chiến sĩ Đại đánh liều chạy vào một nhà sát đường xin ẩn náu.
Đó là một hiệu ảnh nhỏ. Chủ nhà là một cặp vợ chồng tuổi gần 50, nhanh trí dẫn anh vào phía sau bàn thờ, giở nắp hầm bí mật bảo anh mau nhảy xuống. Khoảng 5 phút sau, từ trong hầm anh nghe rõ tiếng giày chạy thình thịch, tiếng quát láo nháo của lính quân đội Sài Gòn.
“Chốt an toàn súng AK đã mở, tay lăm lăm lựu đạn, tôi sẵn sàng hi sinh nếu như địch phát hiện được hầm”, ông nhớ lại. Rồi không gian yên tĩnh dần, thỉnh thoảng đâu đó tiếng súng nổ xa xa vọng về.
Đến tối, chủ nhà giở nắp hầm, mời anh chiến sĩ giải phóng lên. Vợ chồng chủ nhà mời vị khách “bất đắc dĩ” ăn bánh tét với dưa hành, thịt lợn. “Tôi ăn miếng bánh tét mà lòng rưng rưng. Tết đến rồi! Bây giờ có lẽ miền Bắc đầy hoa ban, hoa đào. Nỗi nhớ nhà dâng lên”, ông hồi ức.
Trưa hôm sau, nắp hầm lại mở. Cô gái con chủ nhà xinh đẹp trẻ măng, trạc 17 tuổi, bước xuống, mang thức ăn, nước uống mời anh Giải phóng quân. Lên khỏi hầm một lúc, cô gái nói vọng xuống: “Anh Giải phóng ơi, lên đây em nói cái này”.
Chàng trai bước lên, cô gái sửa lại ve cổ áo rồi bảo anh ngồi xuống ghế, phía sau là tấm phông hình cây dừa trĩu quả và dòng sông xanh mơ màng, đưa máy ảnh lên ngắm và bấm: “Em sẽ làm một tấm ảnh tặng anh”.
Anh Giải phóng quân Lương Tiến Đại trong tấm hình cô gái Nha Trang chụp năm 1968.
|
Chiều tối của ngày thứ ba, cửa hầm lại mở, cô gái lại xuống hầm: “Giờ có người dẫn đường rồi, anh lên theo ra ngay vùng Giải phóng”. Thiếu nữ nhét vội vào túi một mảnh giấy nhỏ: “Ảnh của anh, em đã làm xong rồi”.
Phút chia tay, cô gái bất ngờ mắt ngấn lệ trên đôi mắt. Anh chiến sĩ sững người, trái tim cũng rung lên. Cô gái kéo vạt áo lên lau nước mắt. Tình yêu sét đánh, hay tình thương, hay nỗi lo mai này có gặp lại sau chiến tranh loạn lạc? Anh chiến sĩ và cô gái không nói được gì, vì người dẫn đường đang đứng chờ bên ngoài. Người chiến sĩ bất ngờ đặt một nụ hôn lên môi cô gái, rồi quả quyết bước ra ngoài.
Anh chiến sĩ gặp lại đơn vị sau ba ngày xa cách tại bìa rừng. Chiến dịch nối tiếp chiến dịch. Chiến thắng nối tiếp chiến thắng. Trong lửa khói bom đạn, trong những chặng đường hành quân vất vả, nụ hôn đầu đời và hình ảnh cô gái Nha Trang luôn ẩn khuất tim anh, trong tấm ảnh chân dung cỡ 2x3 cm của anh luôn nằm trong túi áo phía ngực trái, theo anh đi khắp các mặt trận.
Phút lâm chung lại nhắc đến người xưa
Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, đơn vị ông ra Bắc. Thời gian qua, nhiều thứ đã đổi thay, cương vị cũng đã khác, nhưng ông kể không bao giờ trong ông nguôi ngoai tình cảm và ý định tìm gặp lại gia đình ân nhân và cô gái Nha Trang năm xưa.
Đại tá Lương Tiến Đại đã nhiều lần đến Nha Trang để tìm cô gái và gia đình của cô, nhưng đều thất vọng, bởi ông không tài nào xác định được địa điểm lúc ông chia tay để lên rừng. Tên của họ là gì, lúc chia tay, ông cũng không kịp hỏi. Nỗi khắc khoải ấy theo ông đến tận lúc cuối đời…
Di ảnh Đại tá Lương Tiến Đại. |
Chờ khách thắp xong nén nhang trên bàn thờ chồng, vợ Đại tá Đại, bà Lê Thị Hảo (60 tuổi) sụt sùi kể lại những giây phút lâm chung của chồng mình:
“Chiều đó, tắm rửa xong, ông ấy bảo hơi mệt, không muốn ăn cơm. Thằng con trai cả nảy ra sáng kiến là đánh xe chở cả nhà ra nhà hàng ăn cháo cá. Có lẽ để cả nhà vui vẻ, ông miễn cưỡng nhận lời. Nhưng, ông ấy chỉ ăn được nửa bát. Thấy vậy tôi bảo con trai khẩn trương đưa ba về. Vào đến nhà thì thấy ông ấy ôm ngực và bảo đau. Mặt ông biến sắc. Tôi vội lấy dầu xoa ngực cho ông nhưng một lúc ông khoát tay bảo đừng. Lật đật, cả nhà đưa ông ra xe để đến bệnh viện.
Khi ngồi vào ghế xe, ông ấy còn nhắc tôi: “Có cái ảnh cô gái Nha Trang chụp tôi bà cất đâu, sau này nhớ đưa cho các anh ấy” (tức phóng viên Pháp luật & Thời đại - NV) . Khi vào phòng cấp cứu bệnh viện thì ông tắt thở. Bác sĩ bảo ông ấy bị nhồi máu cơ tim cấp”.
Bà Hảo khóc. Chúng tôi cũng trào nước mắt không chỉ vì đồng điệu tình cảm với người đã khuất của bà Hảo, mà còn vì ý thức được sự chu đáo, cặn kẽ trong công việc của một người lúc lâm chung.
Tấm ảnh chân dung ông mà cô gái Nha Trang chụp cách đây 46 năm, kỷ niệm nặng tình quân dân của vật chứng của những rung động đầu đời trong người chiến sĩ trẻ năm xưa, biết đâu sẽ giúp ông tìm ra ân nhân năm xưa.
Giây phút cuối đời sắp về thế giới bên kia, ông vẫn gắng gượng nhắc vợ con, nhắc Pháp luật & Thời đại giúp mình tiếp tục thực hiện cuộc kiếm tìm đang dang dở. Hi vọng qua bài báo này, những ân nhân năm xưa của ông sẽ nhận ra người cũ, và điều cố Đại tá Lương Tiến Đại ao ước sẽ thành hiện thực.