Ngày 3/7/2021 vừa qua, Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước là Trưởng ban Chỉ đạo, đã họp phiên đầu tiên cho ý kiến về Đề cương và Kế hoạch cùng các tài liệu có liên quan phục vụ việc xây dựng Đề án. Theo dự kiến, Chiến lược này sẽ được Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thông qua tại Hội nghị Trung ương vào tháng 10/2022.
Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN với tầm nhìn dài hạn, không chỉ đến 2030 mà tới năm 2045 - năm chúng ta kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn lịch sử, khai sinh ra Nhà nước dân chủ kiểu mới trên đất nước chúng ta. Vì thế, Chiến lược được kỳ vọng sẽ không chỉ kế thừa những chủ trương, thành tựu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua ở Việt Nam mà còn bổ sung những chủ trương, định hướng, giải pháp mới, trong đó có cả những giải pháp mang tính đột phá, xứng tầm về việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Tôi cho rằng, một trong những điều đầu tiên trong thiết kế Chiến lược quan trọng này chính là việc nhận diện thật kỹ và chính xác bối cảnh tình hình mới khi Chiến lược được thông qua. Bối cảnh mới sẽ đặt ra những yêu cầu mới, vấn đề mới và từ đó sẽ cần những giải pháp mới, nhất là giải pháp mang tính trọng tâm, trọng điểm, giải pháp đột phá. Điều thuận lợi là, bối cảnh đó đã được Đảng ta nhận diện trong quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vừa rồi. Ở đây, tôi xin phân tích 4 khía cạnh quan trọng.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong suốt 35 năm đổi mới. |
Thứ nhất, trình độ phát triển mới của đất nước ta: Nhờ công cuộc Đổi mới do Đảng ta lãnh đạo và khởi xướng cùng sự phấn đấu, nỗ lực gian khổ, không mệt mỏi của nhân dân ta và cả hệ thống chính trị, chưa bao giờ đời sống nhân dân ta, diện mạo và tiềm lực của đất nước ta đạt được tầm mức như ngày nay.
Từ một nền kinh tế có quy mô chỉ khoảng 20 tỷ USD vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, năm 2020, quy mô nền kinh tế của chúng ta đã đạt mức 342,7 tỷ USD (theo cách tính mới) với thu nhập bình quân đầu người đạt 3.512 USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào năm 2020 ở mức trên 540 tỷ USD. Chúng ta thực sự đã trở thành nền kinh tế có vị thế trong ASEAN và là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới...
Có thể nói rằng, chưa bao giờ trình độ dân trí, hiểu biết của nhân dân ta về thực trạng đất nước, về thế giới bên ngoài, cũng như những hiểu biết về đời sống chính trị, luật pháp cùng khát vọng phát triển lại cao như hiện nay. Đây là thuận lợi lớn cho tiến trình cải cách, đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, như một quy luật tất yếu, người dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng có những đòi hỏi cao và đa dạng về chất lượng dịch vụ công, dịch vụ hành chính công do Nhà nước cung cấp, bảo đảm. Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 rất cần tính tới thực tế này để có chọn lựa chính sách phù hợp.
Thứ hai, hội nhập quốc tế của đất nước chưa bao giờ sâu rộng như hiện nay. Thực tế đó đòi hỏi Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải làm tốt việc tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, dân tộc ta trong tiến trình đổi mới, phát triển. Độ mở của nền kinh tế, với áp lực cạnh tranh được cảm nhận rất rõ ở cả 3 cấp độ người lao động, sản phẩm và doanh nghiệp, đang đặt ra yêu cầu nâng cao một cách thực chất hơn nữa chất lượng quản trị công của Việt Nam. Cuộc cạnh tranh hiện nay không chỉ là cấp độ cá nhân người lao động, cấp độ của từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, từng doanh nghiệp mà cạnh tranh ở cả nền quản trị quốc gia.
Do vậy, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam đòi hỏi Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải liên tục có những cải cách, đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Thêm vào đó, để tránh các cuộc kiện tụng ngoài mong muốn như đã từng xảy ra thì các cơ quan công quyền, các doanh nghiệp nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong việc quản trị rủi ro pháp lý trong quá trình ra quyết định và thực thi quyết định.
Thứ ba, các nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua đã được thực hiện rất công phu. Từ khoảng những năm 2000 trở lại đây, nhiều chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước, hội thảo cấp quốc gia, đề tài khoa học cấp Bộ liên quan tới chủ đề về Nhà nước pháp quyền nói chung, Nhà nước pháp quyền XHCN nói riêng đã được thực hiện. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được vận dụng trong quá trình xây dựng các văn kiện của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp năm 2013 đã hiến định mô hình tổng thể của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với 6 đặc trưng cơ bản.
Hiến pháp năm 2013 cũng hiến định mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam bao gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 2013 đến nay cho thấy, mô hình tổng thể của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được quy định trong Hiến pháp hiện nay là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng, các kết quả nghiên cứu kể trên cùng với các quy định của Hiến pháp năm 2013 có thể cung cấp tiền đề lý luận và hiến định vững chắc để chúng ta thiết kế nội dung của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Điều cần đầu tư cho công việc này chính là phân tích kỹ thực tiễn tổ chức và vận hành của bộ máy nhà nước, nhất là thực tiễn vận hành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật để tìm ra những giải pháp thiết thực, trong đó có cả các giải pháp mang tính trọng tâm, trọng điểm, đột phá để nâng cao hiệu lực, hiệu quả vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.
Thứ tư, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt cược tiến trình phát triển của mình vào cuộc Cách mạng công nghiệp này và đề ra nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược tận dụng cơ hội và ứng phó với những thách thức. Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương quan trọng (Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ…).
Hiện tại, ở Việt Nam, dưới sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số đang được triển khai khá mạnh. Nền kinh tế số đang được hình thành một cách rõ nét. Với thực tế đó, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN cần quan tâm việc xác lập, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, duy trì trật tự pháp lý lành mạnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho mỗi người dân khi tham gia vào không gian mạng. Thực tế những vụ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng thời gian qua ngày một gia tăng đang đặt ra những vấn đề mới, cấp bách cần xử lý trong quá trình thiết kế Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để Nhà nước của chúng ta không chỉ làm tốt việc quản trị không gian thực (không gian truyền thống) mà còn làm tốt cả việc quản trị trên không gian mạng - không gian sinh tồn rất mới của người dân chúng ta.
Ngoài ra, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được nền kinh tế thị trường dựa trên đổi mới sáng tạo. Điều đó đặt ra những yêu cầu riêng về hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước cùng hệ thống thể chế về khởi nghiệp sáng tạo, bảo hộ sở hữu trí tuệ trên cơ sở một tư duy mở trong quản lý nhà nước. Tư duy đó phải dám đón nhận những mô hình kinh doanh mới, kịp thời điều chỉnh để phát huy những lợi ích mà mô hình kinh doanh mới mang lại (chẳng hạn các mô hình kinh tế chia sẻ, các loại hình công nghệ tài chính - fintech…), khắc phục những tác động tiêu cực có thể có từ những mô hình này. Phải chăng, chính điều đó đòi hỏi bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN phải được năng động hóa hơn nữa và các tầng nấc trung gian, tầng nấc chính quyền (nhất là ở những vùng đô thị) không hợp lý cần được mạnh dạn cắt giảm để đẩy nhanh tốc độ ban hành và thực thi các quyết sách ở khu vực công…
Với quyết tâm rất cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cùng sự chung tay của các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà hoạt động thực tiễn, chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ để tin tưởng rằng, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 thực sự sẽ là Chiến lược có chất lượng cao, đóng góp thiết thực, xứng tầm vào sự phát triển đất nước giai đoạn mới.
TS. Nguyễn Văn Cương
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp