Chiến dịch kêu gọi xã hội Pháp dập tắt nạn bạo lực gia đình

Một cuộc tuần hành lên án nạn bạo hành với phụ nữ tại Pháp
Một cuộc tuần hành lên án nạn bạo hành với phụ nữ tại Pháp
(PLO) - Cuối tháng 9/2018 vừa qua, tại Pháp, diễn viên Muriel Robin, cùng 87 nhân vật nổi tiếng khác như ca sĩ Vanessa Paradis, diễn viên Mimie Mathy, người dẫn chương trình truyền hình Stéphane Berne, tay vợt tennis Amélie Mauresmo… đã cùng ký tên vào một bản kiến nghị để những người phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình không phải chết vì sự thờ ơ của xã hội. 

Họ kêu gọi tổng thống Emmanuel Macron hành động để mọi người không còn phải hổ thẹn khi thấy tại Pháp vẫn còn những người phụ nữ bị hành hạ đến chết. Bản kiến nghị mang tên “Chúng ta hãy cứu những người phụ nữ đang còn sống”.

Tổng thống Pháp Macron coi đấu tranh vì bình đẳng nam - nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ lãnh đạo 5 năm. Năm 2018 cũng được coi là năm tranh đấu chống bạo hành nhắm vào nữ giới. Tuy nhiên, theo diễn viên Muriel Robin, tình hình chưa mấy được cải thiện, các nạn nhân bị bạo hành vẫn vấp phải sự im lặng dai dẳng của xã hội. 

Vì thế, bản kiến nghị nêu lên những biện pháp cụ thể, chẳng hạn, cần cấm những người đàn ông bạo hành phụ nữ tới gần nơi ở của nạn nhân, buộc những người đàn ông vũ phu phải đi trị liệu, có kế hoạch khẩn cấp để tìm nơi trú ngụ cho nạn nhân, quy định tất cả những người làm trong các lĩnh vực liên quan đến pháp luật như cảnh sát, hiến binh, thẩm phán, quan tòa phải qua một khóa đào tạo bắt buộc ở cấp quốc gia để họ biết cách lắng nghe khi nạn nhân trình báo về các hành vi bạo lực và xử lý hiệu quả các vụ kiện về bạo hành gia đình… 

Ba ngày một phụ nữ chết vì bạo lực đàn ông

Trên thực tế, theo số liệu thống kê chính thức chính quyền Pháp, trong năm 2016, trung bình cứ 3 ngày thì có 1 phụ nữ chết vì hành vi bạo lực của người đàn ông cùng chung sống hoặc chồng cũ, bạn trai cũ. Trong khi số đàn ông chết vì bị bạn đời bạo hành chỉ là 34 người, thì có tới 123 phụ nữ thiệt mạng và 255.000 phụ nữ khác là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ba phần tư trong số 255.000 nạn nhân nói trên cho biết đã nhiều lần bị bạo hành. 80% bị tổn thương tâm lý. 

Tuy nhiên, chỉ có 20% số phụ nữ bị bạn đời bạo hành về thể xác và/hoặc tình dục khai báo với cơ quan chức năng. Một nửa số nạn nhân không hề trình báo với cảnh sát hay trao đổi với bất kỳ hiệp hội nào. Và chỉ có gần 17.000 người đàn ông bị xét xử vì các hành vi bạo lực với bạn đời hoặc vợ cũ, bạn gái cũ. 

Bộ trưởng chuyên trách về bình đẳng nam - nữ, Marlène Schiappa, đã hoan nghênh ý tưởng của 88 nhân vật nói trên. Bà nhấn mạnh: “Tôi tin rằng bạo lực trong gia đình một chủ đề vô cùng nhạy cảm. Quả thật đôi khi chúng ta có cảm giác không có nhiều người, cả nam lẫn nữ, tỏ thái độ chính kiến công khai về vấn nạn bạo lực trong gia đình”.

Cho rằng tiếng nói của đông đảo người nổi tiếng sẽ gây tiếng vang trong xã hội, giúp mọi việc tiến triển tốt hơn, bộ trưởng Schiappa cũng cho rằng tổng thống Pháp đã tăng ngân sách cho công tác phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân của nạn bạo lực trong gia đình: “Thủ phạm đầu tiên là những người đàn ông đã đánh đập người phụ nữ của mình, người vợ của mình, bạn gái của mình, bạn gái cũ của mình… hoặc giết hại họ.

Cứ 3 ngày thì xảy ra 1 vụ như vậy. Con số này không thuyên giảm chút nào, cứ 3 ngày là có một phụ nữ chết vì bị người đàn ông của mình đánh đập, bất kể dưới chính phủ nào đi chăng nữa, cho dù các chính sách của nhà nước có thế nào đi chăng nữa. Dù chúng tôi có quyền, nhưng cần có sự thức tỉnh của mọi công dân thì mới có thể thay đổi mọi chuyện. 

Tổng thống Pháp và Bộ trưởng chuyên trách về bình đẳng nam - nữ của Pháp
Tổng thống Pháp và Bộ trưởng chuyên trách về bình đẳng nam - nữ của Pháp

Chính vì thế, có một chiến dịch lớn trên truyền hình do chính phủ Pháp tiến hành kể từ ngày 30/09/2018 với mục đích để các nhân chứng thuật lại chuyện. Có những người biết, có những người nhìn thấy chuyện gì xảy ra. Có những người phụ nữ gào hét, những người phụ nữ có vết bầm tím trên cơ thể, những người phụ nữ bị thương, nhưng có nhiều người không phản ứng gì”. 

Biểu tượng cho các nạn nhân của nạn bạo hành gia đình

Năm 2012, dư luận Pháp chấn động về vụ bà Jacqueline Sauvage, khi đó 65 tuổi, sau 47 năm bị chồng bạo hành, đã bắn ba phát súng vào lưng chồng, khiến ông Norbert Marot thiệt mạng. Bà Sauvage bị tòa án xử 10 năm tù giam. Cuối năm 2016, ở tuổi 69, bà Sauvage được tổng thống Pháp khi đó là ông François Hollande ân xá và được trả tự do. 

Người phụ nữ này đã trở thành biểu tượng cho các nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Câu chuyện đau thương của bà Jacqueline Sauvage cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi và gây chia rẽ trong dư luận xã hội Pháp. Người thì coi bà là nạn nhân, người thì coi bà là thủ phạm. Cuộc đời bà đã được viết thành chuyện và được chuyển thể thành phim truyền hình. Chính diễn viên Muriel Robin là người đóng vai Jacquelines Sauvage. 

Được phát sóng ngày 1/10/2018 trên một kênh truyền hình Pháp, bộ phim thu hút gần 8 triệu khán giả. Đây là một kỷ lục đối với một bộ phim truyền hình Pháp kể từ năm 2015. Không chỉ là lời cảnh báo về vấn nạn bạo hành phụ nữ, ẩn sau bộ phim còn là một thông điệp về tình yêu và tình người. 

Theo bà bộ trưởng, điều quan trọng là những người từng chứng kiến các vụ bạo hành phải lên tiếng và hành động. Những ai từng chứng kiến cảnh bạo lực nhắm vào phụ nữ đều có trách nhiệm tố giác, họ phải coi bạo hành gia đình không còn là việc của riêng một người mà liên quan tới toàn xã hội. Bà tin tưởng chiến dịch này sẽ khiến toàn xã hội có ý thức về việc bảo vệ phụ nữ trước đòn roi của những ông chồng vũ phu. Với tầm quan trọng đó, chính phủ Pháp đã quyết định chi 4 triệu euro để thực hiện chiến dịch nói trên. 

Kế hoạch đặc biệt  

Từ trước tới nay, các biện pháp chỉ là bảo vệ phụ nữ trước nạn kỳ thị giới tính nói chung và vấn nạn sách nhiễu tình dục, chứ Pháp chưa hề có kế hoạch cụ thể bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành trong gia đình. Chuyên gia Hervé Gattegno đánh giá so với vấn nạn hiếp dâm, quấy rối nơi công sở, hay sự bất bình đẳng về lương, bạo lực gia đình nhắm vào phụ nữ là ít được đề cập đến nhất.

Theo ông Gattegno, “bạo lực giết chết gia đình, phá nát nhiều cuộc sống và cướp đi nhiều sinh mệnh, làm ô danh toàn xã hội. Không nói về nạn bạo hành phụ nữ cũng có nghĩa là chấp nhận nó… Sự thờ ơ cũng là một kiểu bạo hành”.

Vì thế, ngày 1/10/2018, bộ trưởng Marlène Schiappa, sau những buổi thảo luận với phụ nữ, các dân biểu địa phương, các nhân viên xã hội, các bác sĩ cấp cứu, các hiệp hội, đã thông báo một kế hoạch đặc biệt với hàng loạt biện pháp “cụ thể, phù hợp với thực tế từng nơi để dập tắt thảm họa bạo lực gia đình”.

Bộ trưởng Schiappa tuy không đưa ra con số cụ thể về số nạn nhân của năm 2017 nhưng không phủ nhận là vấn nạn bạo hành phụ nữ vẫn chưa được cải thiện: “Con số không giảm và điều khủng khiếp đối với nhà chức trách là dù chính sách của nhà nước có thay đổi theo hướng nào đi nữa, cho dù chính quyền thuộc phe cánh hữu hay cánh tả, cho dù chi nhiều tiền hay ít tiền, thì con số vẫn giữ nguyên. Số liệu ở mức đều đều khiến người ta lạnh người. Mục đích của tôi là những người phụ nữ kịp ra đi trước khi quá muộn và chúng tôi tạo mọi điều kiện để thực hiện mục đích đó”.

Bà bộ trưởng cũng thông báo kế hoạch lớn liên quan đến đào tạo cảnh sát để đảm bảo các nạn nhân khi khai báo sẽ được cảnh sát hỗ trợ tiến hành thủ tục trình báo và khởi kiện một cách hiệu quả hơn. Chính phủ Pháp còn dự kiến sẽ triển khai một ứng dụng trên mạng để các nhà chức năng xác định được nhanh chóng các trung tâm tạm trú khẩn cấp nào để có thể đưa các nạn nhân và con cái họ đến lánh nạn, bảo vệ tính mạng của họ. 

Bà Jacqueline Sauvage (đeo kính), sau 47 năm bị chồng bạo hành, đã bắn ba phát súng vào lưng chồng
Bà Jacqueline Sauvage (đeo kính), sau 47 năm bị chồng bạo hành, đã bắn ba phát súng vào lưng chồng

Bộ trưởng Schiappa cũng cam kết tuyển thêm một số nhân viên và chi thêm 120.000 euro cho  tổng đài 3919. Bà giải thích: “3919 là tổng đài chuyên tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp. Mục tiêu của chúng tôi là 100% cuộc gọi đến tổng đài được trả lời, bởi vì, quý vị hình dung mà xem, thật không thể chịu đựng được việc có nhiều phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành gọi điện đến số này nhưng chỉ nghe thấy chuông đổ mà không có ai nhấc máy. Những người phụ nữ đó, họ sẽ không gọi lại”. Trên thực tế, đến nay, tổng đài chỉ tiếp nhận cuộc gọi đến 22h, còn ngày thứ Sáu thì đến 18h. 

Một biện pháp khác là lực lượng an ninh trật tự, cơ quan tư pháp, các khoa cấp cứu, nhân viên xã hội và các hiệp hội… ở từng tỉnh ký hợp đồng chia sẻ thông tin liên quan đến hồ sơ các vụ bạo hành gia đình để kịp thời giúp đỡ các nạn nhân trước khi quá muộn.

Vào ngày 25/11 hàng năm, các cuộc tuần hành hưởng ứng Ngày chống nạn bạo hành phụ nữ vẫn diễn ra trên khắp nước Pháp. Tại Paris, đoàn tuần hành sẽ bắt đầu từ quảng trường République đến nhà hát Opéra. 

Năm 2016, tại Pháp, vẫn có 123 phụ nữ bị chồng hoặc bạn trai giết hại, có nghĩa là cứ ba ngày lại có một nạn nhân. Gần 225.000 phụ nữ từng là nạn nhân bị bạo hành thân thể hoặc tình dục. Tuy nhiên chỉ có gần 17.000 người đàn ông bị xét xử vì các hành vi bạo lực với bạn đời hoặc vợ cũ, bạn gái cũ. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.