Mỗi đối tượng truy nã tra tay vào còng, xã hội bớt đi một mối lo, người dân được thêm yên bình - đó là khẩu hiệu, điều tiên quyết mà Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52, Công an TP.Đà Nẵng) phải nằm lòng. Thượng tá Lê Bá Công và thượng tá Trần Cảnh, đều là phó trưởng phòng PC52 đã chia sẻ với PV Câu chuyện Pháp luận nhiều câu chuyện trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này.
Chân dung giang hồ bến xe
Theo thượng tá Trần Cảnh, Phó trưởng phòng PC52, một trong những tay giang hồ cộm cán trốn nã bị đưa về chịu án thời điểm cận Tết mà các cán bộ, chiến sĩ của phòng “ấn tượng” nhất là Xẹp, tức Nguyễn Quang (SN 1973, ngụ phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Xẹp là 1 giang hồ cộm cán sống bằng công việc bảo kê, đòi nợ thuê rất ma mãnh, lỳ lợm ở bến xe Đà Nẵng. Sau một thời gian dài trốn chui trốn lủi cuối cùng “con cáo già” đã sa lưới chỉ từ 1 suy nghĩ đơn giản, tưởng rằng ngày Tết, công an nghỉ làm việc…
Lý lịch Xẹp cho thấy, năm 14 tuổi - mới nứt mắt ra, hắn đã nuôi mộng làm “đại ca”, quyết định bỏ học rồi cùng đám bạn bụi đời đi móc túi, tự nuôi thân trước sự bất lực của gia đình. 5 năm dấn bước vào chốn giang hồ, Xẹp có độ lỳ “đáng nể”. Hễ nhắc đến cái tên hắn ở khu vực bến xe, ga tàu, địa bàn giáp ranh Thanh Khê- Liên Chiểu thì ngay cả các bậc đàn anh tên tuổi cũng phải e dè.
19 tuổi, Xẹp đã “sưu tập” cho mình hàng loạt “phi vụ” từ trộm cắp, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản đến hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… Nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan công an để rồi với những tội danh trên, Xẹp phải trả giá bằng bản án 16 năm tù giam.
Thượng tá Trần Cảnh, Phó trưởng phòng PC52, |
Ngoài đời ngang tàng, nhưng vào tù, có thể Xẹp cũng bị “khớp” đúng điểm yếu nên gã đã cố gắng tập trung cải tạo tốt. Được về lại xã hội trước thời hạn, người thân giang rộng tay đón, hi vọng Xẹp tu chí trở thành người có ích. May mắn hơn, Xẹp còn được một cô gái trong đám “bụi đời” khi xưa, “thương thầm nhờ trộm” theo về làm vợ.
Thế nhưng, Xẹp chỉ đóng vai người đàn ông mẫu mực được vỏn vẹn 2 tháng, rồi chứng nào tật ấy lại thường xuyên tụ tập đám bạn cũ nhậu nhẹt, bài bạc, hết tiền lại nghĩ cách lừa lọc người khác.
Bản thân Xẹp lúc đó cũng cảm thấy, cái “máu đại ca” trong người mình không thể “tẩy” được nên một lần nữa lại “dứt áo ra đi”. Để cuộc sống giang hồ không vướng bận, Xẹp thậm chí bỏ luôn cả vợ rồi dính vào ma túy lúc nào không hay. “Nàng tiên nâu” như một con quỷ hút máu, tiền tiêu bao nhiêu cũng hết, Xẹp liền lấy “số má” tù tội vừa tạo dựng và chọn cho mình công việc bảo kê, đòi nợ thuê ở khu vực Bến xe Đà Nẵng.
Những năm 2012, 2013, dưới “trướng” Xẹp còn có những “đệ tử” thân tín như Nguyễn Văn Thành (Thành đen, SN 1986, ngụ phường Hòa Minh), Nguyễn Quốc Việt (Việt hồ lô, SN 1982, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê)….
Tháng 3/2013, Xẹp cùng Thành đen và Việt hồ lô gây ra vụ sát thương nặng cho Phan Huy Ngọc (thường gọi Bao, SN 1984, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).
Nguyên nhân vụ việc bắt đầu từ việc Ngọc có vay của anh Huỳnh Bá Phi Hùng (ngụ quận Liên Chiểu) một số tiền. Thực tế, Ngọc cũng thuộc diện “có máu mặt” ở địa phương nên số tiền Hùng bất đắt dĩ cho mượn trở thành món “nợ khó đòi”. Hùng mang chuyện này nhờ Xẹp giúp.
Đáng nói, gặp Xẹp, Ngọc chẳng những không e sợ mà còn thẳng tay tát tai, khiến đối tượng cảm thấy “mất mặt”. Vì thế, Xẹp tức tốc gọi cho đám đàn em mang đao, mã tấy tới tìm chém giết, gây cho Ngọc thương tích 40%.
Sa lưới vì tưởng “công an nghỉ Tết”
Từ kết quả giám định, Công an quận Liên Chiểu sau đó đã khởi tố vụ án, bị can và lần lượt đưa các đối tượng gây án ra trước pháp luật. Riêng “đại ca” Xẹp, tức Nguyễn Quang bỏ trốn khỏi địa bàn, bị truy nã trên toàn quốc vào tháng 5/2013.
Hồ sơ đối tượng đồng thời cũng chuyển cho Phòng PC52 - Công an TP. Đà Nẵng. Theo thượng tá Trần Cảnh, thông thường ở các đối tượng gây án trốn nã, bao giờ cũng đi biệt tăm, chọn nơi khác sinh sống và ẩn mình trong vỏ bọc mới, song với Quang “xẹp” lại không như vậy mà chọn ngay địa bàn Đà Nẵng để sống.
Ban đầu, Xẹp khá ma mãnh, để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, lúc vừa rời khỏi địa bàn cư trú, đối tượng cũng làm “động tác giả” bắt xe vào Nam và nhắn thông tin lại cho người thân, một số bạn bè quen biết như vậy.
Thế nhưng, Xẹp chỉ đi qua vài tỉnh thành lại bắt xe quay ngược về Đà Nẵng. Trong suy nghĩ của Xẹp, “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn”, hơn nữa ở tại Đà Nẵng, đối tượng đã quen thuộc địa bàn, có thể nhờ vả các “chiến hữu” giúp đỡ mỗi khi nhu cầu “phê” ma túy mà không có tiền.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, loại dần khả năng Xẹp đã “cao chạy xa bay”, qua 3 tháng truy lùng, các trinh sát PC52 nhận nguồn tin tin cậy cho biết, Xẹp vẫn đang ẩn náu tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc xác định nơi ở chính xác để bắt Xẹp không đơn giản, không quận, huyện nào ở địa bàn TP. Đà Nẵng mà Xẹp không xây dựng “cứ điểm” lưu trú.
Một tuần, Xẹp di chuyển có khi tới hàng chục địa điểm như vậy, mục đích để Công an khỏi “ngửi” thấy mình. Cũng chính vì thế mà các trinh sát nhiều lần phát hiện được ra nơi trốn của Xẹp, nhưng trong tích tắc chưa kịp ra tay, Xẹp đã “sủi không thấy bọt”. Đặc biệt hơn, Xẹp chỉ lộ mặt vào ban đêm, còn ban ngày nằm ngủ, do đó, hầu như không một ai nhìn thấy đối tượng, hay phát hiện nghi ngờ điều gì từ “hang cọp” ẩn nấu.
Sau một thời gian trốn truy nã “bình yên”, Xẹp nghĩ bản thân “cao tay ấn” và công an chắc đến “Tết Công-Gô” mới tìm thấy mình. Xẹp quyết định hoạt động trở lại, vừa “giết thời gian”, vừa kiếm tiền nuôi thân và “nàng tiên nâu”.
Để an toàn, Xẹp cặp với một cô gái người miền Tây đang hành nghề “vốn tự có”. Trai giang hồ, gái tứ chiếng cùng mục đích “dìu dắt” nhau mà sống, Xẹp vội đưa người tình đi thuê nhà trọ trong con hẻm nhỏ thuộc địa bàn quận Hải Châu. Trước khi về nơi mới, Xẹp còn cẩn thận nuôi 1 con chó dữ dùng để “phát tín hiệu” khi có người lạ xuất hiện.
Quang Xẹp (ảnh tư liệu Công an cung cấp). |
Tất nhiên, những thông tin này cũng đã được lực lượng PC52 nắm gọn trong những ngày giáp Tết Giáp Ngọ 2013. Với chỉ thị từ cấp trên, không để Xẹp có cơ hội trốn chạy, gây thêm tội ác khi bước sang năm mới, các trinh sát PC52 đã chọn phương án hóa trang, kiên trì mai phục gần nơi ở để tóm gọn đối tượng.
Thế nhưng, ngược lại với các kế hoạch chuẩn bị đối phó kỹ lưỡng của lực lượng truy bắt, vào thời điểm cuối cùng của năm, trong suy nghĩ của Xẹp, công an cũng đã... nghỉ Tết hết rồi, nên ung dung đi uống cà phê.
29 Tết, Xẹp hẹn các “chiến hữu” tản bộ ra đầu hẻm, chọn ngay quán đông đúc cùng tận hưởng cảm giác “tự do chơi xuân”. Với việc Xẹp bất ngờ đi ra ngoài có thể giúp rất nhiều cho các trinh sát, tuy nhiên, lúc đó, chắc chắn trong đám “chiến hữu” cũng có thể sẵn sàng kháng cự, gây bất lợi cho người xung quanh. Chính vì thế, các phương án lại gấp rút được đưa ra để tính toán lại.
Mãi một lúc sau, 4 vị “khách lạ” trong quán đồng loạt đứng dậy, bất ngờ xốc nách, kẹp tay đưa Xẹp ra ngoài trước sự ngỡ ngàng của nhiều người và cả chính đối tượng vì không hiểu “bọn nào” tự dưng gây hấn với mình. Chỉ khi tra tay vào còng, quyết định truy nã được trưng ra, Xẹp mới biết công an đang làm nhiệm vụ bắt mình.
Giả danh công an “xử” kẻ chạy án
Thượng tá Trần Cảnh cho biết, sơ hở thứ 2 của tội phạm truy nã nằm ở chỗ, vào dịp cuối năm thường có tâm lý mong muốn đoàn tụ bên người thân. Việc đưa băng nhóm giả danh công an bắt giữ người trái luật của Nguyễn Xuân Phúc (SN 1984, ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) là một trường hợp như vậy.
Vụ việc xảy ra vào rạng sáng 17/9/2013. Khi đó anh Nguyễn Văn Long (SN 1981, ngụ Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam, cán bộ Công an huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đến Công an quận Thanh Khê trình báo về việc, có một nhóm giang hồ, xưng danh công an, vô cớ bắt anh và người bạn tên Ngô Quý Kiên (SN 1975, ngụ Đồ Sơn, Hải Phòng, tạm trú TP. Đà Nẵng).
Tuy nhiên, trong lúc “công an” còng cả 2 tay, anh Long may mắn vùng chạy thoát được. Anh Long trình bày, thời điểm trên, anh và Kiên đang nghỉ tại một khách sạn trên địa bàn quận Thanh Khê, bất ngờ có nhóm “công an” gồm 7 người, tự xông vào phòng với còng số 8 trên tay. Và nạn nhân Kiên đã bị đưa lên taxi chở đi đâu không rõ….
Song song khoảng thời gian này, tại khu vực thuộc xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), người dân phát hiện anh Kiên bị một nhóm người đánh đập gây thương tích. Đến khi anh Kiên bất tỉnh, nhóm người này bỏ đi, người dân vội đưa anh Kiên đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng. Sau một thời gian cấp cứu, điều trị, qua làm việc với cơ quan điều tra, anh Kiên cho biết, nhóm 7 người khống chế anh bằng còng số 8 do đối tượng Phúc cầm đầu.
Nguyên nhân, do trước đó Phúc có một đàn em tên Võ Ngọc Tuấn (SN 1979, ngụ Điện Bàn, Quảng Nam) bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ về tội mua bán ma túy. Phúc biết anh Kiên có mối quan hệ rộng nên nhờ Kiên ra Thanh Hóa chạy án. Kiên cũng có hứa “giúp được gì tôi sẽ cố và làm hết khả năng có thể”, tuy nhiên không được kết quả như mong đợi, nên Phúc căm giận Kiên. Khi nghe thông tin Kiên đang ở Đà Nẵng, Phúc đã cùng đàn em bắt đánh đập.
Dưới “trướng” của Phúc, công an xác định có Lưu Khánh Luân (SN 1990, phường Thanh Bình, quận Hải Châu), Nguyễn Xuân Hùng (SN 1989, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), Lê Phước Thiện (SN 1989; phường Thạch Thang, quận Hải Châu) , Nguyễn Nho Thương (SN 1982, trú Điện Bàn, Quảng Nam) và Huỳnh Đức Sơn (SN 1976, trú xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam).
Những đối tượng này đều tham gia vào vụ giả danh Công an, bắt giữ, đanh đập anh Kiên. Ngay lập tức, cơ quan cảnh sát điều tra phân công các trinh sát theo dõi, nắm bắt tình hình.
Đến giữa tháng 10/2013, lực lượng trinh sát bắt được Phúc “Dần” khi đối tượng đang cùng Lưu Khánh Luân chơi tại một quán bar trên địa bàn TP. Đà Nẵng. 4 đối tượng còn lại trốn khỏi địa phương và bị Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định truy nã hành vi Bắt giữ người trái luật. Một tháng sau, Thiện và Hùng đầu thú.
Bị tóm gọn khi quay về nhà đón Tết
Riêng Sơn, Thương, sau khi bỏ trốn, đã chọn Đắk Lắk làm nơi ẩn náu. Để qua mặt lực lượng công an và “nhập cuộc” nhanh với cuộc sống nơi phố núi, hai đối tượng tìm đến khu trọ khá phức tạp về an ninh trật tự của TP Buôn Ma Thuột thuê phòng ở.
Đối tượng trốn nã Thương. |
Tại vùng đất mới, muốn “nằm im” nhưng do nhu cầu chích hút ngày một nặng, cả 2 buộc phải nghĩ cách kiếm thật nhiều tiền. Sau một thời gian “nghiên cứu”, Sơn “đề đạt” ý kiến với Thương “chỉ có phương án đi buôn lậu gỗ lậu mới mong hái ra tiền được”.
Thương nhanh chóng đồng ý vì bản thân đối tượng từng có giai đoạn làm nghề “mối lái” bán cây ở quê, khá am hiểu các loại gỗ. Với tài khéo nói, cả 2 mua được loại gỗ quý huỳnh đàn bán lại, kiếm lời. Ngày làm, đêm đến Sơn và Thương tụ tập “phê” ma túy, ăn nhậu… tạm quên luôn án truy nã trên đầu và cả những “đồng nghiệp” đang chịu án ở trại giam.
Đối với lực lượng PC52 Đà Nẵng vẫn âm thầm mai phục. Thượng tá Cảnh thuật lại, do Sơn và Thương đều cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nên công tác xác minh, truy bắt gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lực lượng vẫn kiên trì theo dõi mọi diễn biến.
Đến ngày 13/1/2014, nguồn tin báo về, sau thời gian “bặt tin”, Thương vì quá nhớ nhà nên đã có mặt tại huyện Điện Bàn để cùng người thân lo đón Tết. Lập tức, mọi hành động của Thương đều được bán sát. Có điều, các trinh sát nhận lệnh, không bắt Thương vội.
Lý do, cơ quan cảnh sát điều tra nhận định, hai đối tượng này đều cùng quê, chơi rất thân với nhau. Ngay cả thời gian trốn nã vẫn luôn ở bên, nên khi đó nếu bắt Thương, sẽ đánh động đến Sơn. Hơn nữa, việc Thương đã về quê ăn Tết, trước sau gì, Sơn cũng xuất hiện.
Đúng như dự đoán, bằng phương pháp nghiệp vụ, 1 ngày sau, PC 52 xác định được Sơn đang bắt xe đò (xe khách) từ Đắk Lắk về Đà Nẵng. Để “đón lõng” kẻ trốn nã, các trinh sát nhanh chóng có mặt tại hầu hết tại những điểm đỗ dọc QL1A từ Quảng Nam đến Đà Nẵng và bến xe Trung tâm thành phố…
Thế nhưng, trong lúc đang lên kế hoạch giăng lưới, các trinh sát nhận được tin báo, Sơn rất cáo già, đã “đánh hơi” được sự có mặt của công an nên nhảy xe xuống Gia Lai, đồng thời điện báo cho Thương về tình hình “không an toàn”. Nhận tin từ “đồng đội”, ngay trong đêm, Thương bắt xe dọc đường để lên Đắk Lắk. Như vậy, phương án một đã thất bại.
Đối tượng trốn nã Sơn. |
Triển khai phương án 2, một nhóm trinh sát được cử nhanh chóng có mặt tại Đắk Lắk. Không khó để xác định được nơi ở cụ thể của Thương và Vương. Có điều, như lời thượng tá Cảnh, vì khu vực lẩn trốn của hai đối tượng đang “nóng” về các tệ nạn xã hội, nên lực lượng truy bắt không thể tiếp cận.
Chính vì vậy, phải sau 2 ngày làm “con nghiện”, các trinh sát PC52 Đà Nẵng phối hợp cùng công an địa phương mới tiếp cận được khách sạn nơi Thương và Sơn vừa chọn lưu trú. Đúng 20 giờ ngày 17/1/2014, khi cả 2 đang phê ma túy và hoàn toàn không nghĩ đến việc bị bắt giữ, các trinh sát với còng số 8 trên tay ập vào tóm gọn để di lý về Đà Nẵng hội ngộ cùng đồng bọn về quy án.