Ngày 24/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cộng đồng về thủy triều đỏ.
Không chỉ là cảnh báo
Cùng với nguy cơ nước biển dâng, hệ sinh thái ven biển bị tác động, Hải Phòng đang phải đối mặt với một hiện tượng biến đổi khí hậu là thủy triều đỏ. Thủy triều đỏ đe dọa từ hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ven biển đến hoạt động du lịch… Theo ông Nguyễn Đắc Huề, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn, thời gian gần đây, mỗi khi thủy triều đỏ xuất hiện, tràn vào khu vực nuôi trồng thủy hải sản ven biển (rộng khoảng 500 ha) của ngư dân thì hàng loạt ngao, sò, tu hài… lại lăn ra chết, ngư dân coi như trắng tay và hết muốn đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Uông, Trưởng phòng Quản lý nguồn lợi và nuôi trồng thủy sản, Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng cho hay, người tiêu dùng dùng thủy sản tại các vùng nước có thủy triểu đỏ có thể bị ngộ độc thực phẩm dạng nhẹ, như bị dị ứng, tiêu chảy. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân từ thủy triều đỏ dẫn đến gây mất trí nhớ, tử vong.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyên, Viện Nghiên cứu Hải sản – Bộ NN& PTNT “bổ sung” thêm tác hại từ hiện tượng thủy triều đỏ, đó là, các vùng biển bị thủy triều đỏ tràn qua có thể khiến du khách tắm biển bị ngứa, phát ban do dị ứng da, gây hội chứng đường hô hấp.
Tiến sĩ Nguyên cắt nghĩa, thủy triều đỏ là hiện tượng thiên nhiên khi nước biển mang theo các loài tảo giáp Noctiluca Scintillans, chủng màu đỏ vào vùng biển gần bờ. Loại tảo biển này có chứa độc tố, thủy hải sản ăn phải tảo biển Noctiluca Scintillans sẽ bị nhiễm độc, chết hàng loạt, ảnh hưởng đến hệ sinh thái ven biển
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Viện Nghiên cứu hải sản - Bộ NN& PTNT thông tin, tảo biển Noctiluaca Scintillas sinh trưởng trong môi trường nước biển kín, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Thời gian qua, loại tảo này xuất hiện nhiều tại vùng biển Hải Phòng có thể xuất phát từ nguyên nhân một số vùng nuôi trồng thủy sản đã thải ra biển nguồn thức ăn thừa.
Để có thể giảm thiểu nguy cơ thủy triều đỏ, ông Nguyễn Văn Nguyên khuyến cáo, ngư dân cần thay đổi phương pháp nuôi trồng thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường, đặc biệt là thay đổi phương pháp nuôi để giảm thiểu hệ số thức ăn, kiểm soát được nguồn phát thải từ các vùng nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng rong biển để cải tạo môi trường nước… .
Ông Nguyên cho biết thêm, hiện nay trên thế giới cũng đã sử dụng khá hiệu quả một số giải pháp nhằm chống lại tác hại của thủy triều đỏ, trong đó có biện pháp sử dụng đất sét hòa thành dung dịch rồi phun trực tiếp lên bề mặt của thủy triều đỏ. Lúc này, đất sét bám vào tảo, hút theo chúng xuống tầng đáy biển và chết. Biện pháp này đã được sử dụng rất hiệu qủa tại Hàn Quốc và Mỹ, nhưng nhược điểm của biện pháp này là nếu sử dụng quá nhiều, lượng đất sét chìm xuống quá lớn sẽ gây chết các loại động vật đáy khác, nên trong quá trình sử dụng nên hạn chế về liều lượng.
Ngoài ra, có một số biện pháp khác như: Tập trung nghiên cứu thời điểm, thời gian xuất hiện của loại tảo này, từ đó có kế hoạnh thu hoạch thủy hải sản để tránh thủy triều đỏ; không dẫn nước có tảo này vào đầm nuôi, ao nuôi; di chuyển bè nuôi, lồng nuôi tránh thủy triều đỏ, hạ thấp lồng nuôi xuống độ sâu thấp hơn mực nước có thủy triều đỏ…
Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị các cơ quan khoa học cần tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu, tìm, nhân rộng các loại sinh vật có thể khắc chế loại tảo này nhằm hạn chế, tiêu diệt thủy triều đỏ. Trong đó, giải pháp trước mặt cần quy hoạch lại các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển, trên biển để giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển. Cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm soát các loại hải sản bị nhiễm thủy triều đỏ.
Đối với hoạt động du lịch, nhất là các hoạt động tắm biển, hội nghị cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có khuyến nghị cần thiết đối với du khách các cơ sở du lịch trên địa bàn.
Văn Thương – Đông Bắc