Không còn là chuyện hy hữu
Vụ việc trao nhầm con ở BVĐK huyện Ba Vì (Hà Nội) cho 2 gia đình ở huyện này cách đây 6 năm không phải là trường hợp duy nhất. Trước đây đã từng có những trường hợp mẹ con thất lạc vì bệnh viện trao nhầm sau khi sinh,...
Năm 2016, Sở Y tế Hà Nội nhận báo cáo về trường hợp bà Nguyễn Thị Mai Hạnh bị trao nhầm con 42 năm trước tại nhà hộ sinh quận Ba Đình. Theo đó, ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Những đứa trẻ được đánh số, cùng với số người mẹ. Bà Hạnh mang số 33, nhưng nhận được đứa trẻ mang số 32. Người mẹ hỏi nhân viên y tế thì người này cho rằng trong lúc tắm rửa số đánh dấu bị mờ. Khi bà ra tìm thì những đứa trẻ đánh số gần cạnh đều đã được gia đình đưa về hết. Mãi khoảng tháng 10/2017, bà Mai Hạnh mới tìm thấy được người con đẻ của mình sau hơn 40 năm thất lạc.
Cũng trong năm 2016, tại Bình Phước cũng xảy ra câu chuyện trao nhầm con giữa gia đình chị Nguyễn Thị Thu Trang và anh Vũ Đình Khiên. Đầu năm 2013 chị Trang được chồng đưa vào BVĐK thị xã Bình Long sinh con, tại bệnh viện chị sinh bé gái, cùng lúc ấy chị Liên được chồng là anh Huỳnh Văn Tuấn đưa đến đây sinh và cũng sinh một bé gái. Hai bé gái chào đời cách nhau khoảng 15 phút, cân nặng như nhau, bị bệnh viện trao nhầm. Mãi đến 3 năm sau đó, sự việc mới được phát hiện và bệnh viện đã đưa hai bé cùng gia đình đi xét nghiệm ADN. Hơn một năm sau đó, giữa năm 2017, các bên mới tổ chức hòa giải xong và trao trả hai bé gái bị trao nhầm cho bố mẹ ruột của mình.
Mới đây nhất, vụ việc trao nhầm con giữa hai gia đình anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, ở Ba Vì, Hà Nội) và chị Vũ Thị Hương (SN 1983, cùng ở Ba Vì) trong năm 2012. Hiện các bên liên quan cùng hai gia đình bị trao nhầm con vẫn đang tìm hướng giải quyết để 2 trẻ (là bé Phùng Thanh H và bé Đoàn Nhật M) có thể đoàn tụ với bố mẹ đẻ của mình. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bất cẩn của nhân viên y tế khi trao trẻ sơ sinh cho gia đình và quy trình đảm bảo an toàn trẻ sơ sinh ở cơ sở y tế.
Nói về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, từ trước đến nay, ngành y đã luôn thắt chặt quy trình, quy định trong lĩnh vực này. Đây là bài học cảnh báo, yêu cầu các bệnh viện trên cả nước cần rà soát làm chuẩn quy trình trao trả bé sơ sinh. Sau vụ việc này, các cơ sở y tế, nhân viên y tế cần nâng cao tính kỷ luật và trách nhiệm. “Vì một sự sai lầm, đôi khi không chỉ lấy đi sức khoẻ, tính mạng người bệnh mà gây rất nhiều hệ luỵ, nhất là về tinh thần. Điều đó vô cùng khó xử lý, giải quyết thoả đáng”, ông Quang cho biết.
Rất dễ nhầm nếu không tuân thủ chặt chẽ quy trình
Theo các bác sĩ sản khoa, với quy trình chặt chẽ mà các bệnh viện sản khoa, khoa sản của các bệnh viện ngày nay áp dụng thì việc trao nhầm con cho sản phụ rất khó xảy ra. Gần đây, các bệnh viện sử dụng vòng định danh của mẹ - bé và thực hiện đeo vòng trước mặt người mẹ đó. Sau sinh, nhân viên y tế ghi thông tin của 2 mẹ con và số thứ tự vào bộ vòng đeo tay bằng loại mực không phai, được đánh số và không bao giờ trùng lặp.
Sau khi cùng người mẹ xác nhận lại thông tin, một chiếc vòng được đeo vào cổ tay mẹ, chiếc còn lại đeo vào cổ chân con và cho mẹ nhìn kiểm chứng. Bộ vòng định danh này có đặc điểm là tháo ra sẽ hỏng, không dùng được, nên không thể có chuyện tháo từ bé này đeo sang bé khác. Tới khi trẻ được xuất viện mới cắt chiếc vòng định danh này.
Đơn cử, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hơn chục năm qua quy định an toàn trẻ sơ sinh được thực hiện tại bệnh viện rất chặt chẽ, bao gồm quy định chung và các quy định riêng, cụ thể ở từng khâu. Trong đó, yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải thực hiện đúng quy trình giao nhận trẻ giữa bà mẹ và nhân viên y tế.
PGS.TS. BS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ: “Quy trình chống nhầm lẫn trẻ sơ sinh được bệnh viện thực hiện rất chặt chẽ, phải có cặp số và thực hiện trao ngay tức thì sau khi sinh, trước khi trẻ rời khỏi bàn, ngay cạnh mẹ, phải trao đúng màu, đúng cặp số. Để tránh nhầm lẫn thì phải đưa ra những quy định chặt chẽ như vậy. Việc trao trẻ sau khi sinh cho các bà mẹ nếu không có quy trình chặt chẽ cũng như không tuân thủ quy trình một cách thường quy và không tập dượt quy trình một cách chắc chắn thì rất dễ xảy ra sự nhầm lẫn chứ không phải là quá hy hữu”.