Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Quyết định 658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đến năm 2030. Hội thảo tập trung trao đổi về tính cấp thiết của việc cần quản lý những sản phẩm thuốc lá mới (TLM) đã phù hợp với Luật PCTHTL hiện hành và định hướng hợp pháp hóa có trách nhiệm trên cơ sở bảo vệ giới trẻ, cộng đồng.
Thẩm định tính pháp lý thuốc lá điện tử, đề xuất thí điểm 5 năm thuốc lá làm nóng
Trong nội dung phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hoài Nam – Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nhìn nhận thực tế: TLM đã đặt ra thách thức cho nhà quản lý không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa đạt được thống nhất về quan điểm đối với việc quản lý TLM.
Ông Trần Thành Trung, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương. |
Đại diện Bộ Công Thương, cũng là cơ quan chủ quản của ngành hàng, ông Trần Thành Trung, Cục Công nghiệp cho biết, từ năm 2018-2019, cơ quan này đã hoàn thiện đề tài nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá làm nóng (TLLN). Trong thời gian tới, Bộ dự kiến trình Chính phủ trên cơ sở gần nhất với quan điểm của Bộ Y Tế. Theo đó, hai cơ quan này sẽ thống nhất về dự thảo Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá, đề xuất quản lý TLLN theo luật hiện hành như khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sắp tới đây, Bộ Công Thương sẽ có văn bản xin ý kiến bộ, ngành. Bộ dự kiến sẽ thí điểm sản xuất, kinh doanh TLLN trong 5 năm, sau đó có đánh giá và báo cáo Chính phủ.
Ngược lại, riêng với thuốc lá điện tử (TLĐT), ông Trung cho biết, do sản phẩm có tính chất đa dạng (có thể có hoặc không có nicotine, cũng như không có nguyên liệu thuốc lá) nên sẽ cần thẩm định về tính pháp lý trước khi thống nhất phương án kiểm soát phù hợp.
Ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Cũng tại hội thảo, liên quan đến các tiêu chuẩn quốc gia cho TLM, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI), Bộ Khoa học và Công nghệ nhắc lại ba tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm TLLN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2020 và bốn tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm hóa hơi, trong đó có TLĐT. Ông Hưng cũng nhắc lại sự khác biệt cơ bản giữa TLLN và TLĐT và xác nhận cho đến tháng 7/2021, đã có 184/195 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa TLLN vào quy định quản lý các sản phẩm thuốc lá (hoặc sản phẩm khác) theo luật hiện hành.
Không đặt mục tiêu kiểm soát TLM vì mục đích tăng nguồn thu ngân sách
Đã xác định TLLN là sản phẩm thuốc lá và cần phải được kiểm soát, nhưng kiểm soát thế nào, ai sẽ quản… cũng là những vấn đề được đưa ra thảo luận sôi nổi trong Hội thảo “Kiểm soát TLM có trách nhiệm”.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. |
Đồng tình với ý kiến TLLN là thuốc lá và bắt buộc phải quản lý, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: “Nếu không đưa TLLN vào kiểm soát, không coi đó là thuốc lá thì vô hình trung, trẻ con sẽ sử dụng các loại thuốc lá này mà không biết đến tác hại của chúng, dù có giảm tỷ lệ độc hại hơn so với thuốc lá điếu. Thứ hai, đã là sản phẩm thuốc lá thì bắt buộc phải đưa vào kiểm soát dưới luật thuốc lá hiện hành, theo quy định của Quốc hội, Chính phủ, bộ chuyên ngành”.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, bà mong có chính sách quản lý với tinh thần trách nhiệm của những người làm luật, không thể vì không kiểm soát được TLĐT mà cấm sang cả TLLN hoặc trì hoãn vì lý do gì.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Trong khi đó ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện nay chưa có một sản phẩm thuốc lá nào là vô hại, vậy phải có các chính sách để quản lý. Chính sách thứ nhất là chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thứ hai là chính sách bảo vệ giới trẻ. Thứ ba là chính sách quản lý hàng hóa. Thứ tư là chính sách về đối ngoại, phải thực hiện những cam kết về nhân quyền, về môi trường theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Ông Nhưỡng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Rõ ràng, thời gian qua, chúng ta không hành động, chúng ta tạo điều kiện cho cái xấu, tiếp tay cho buôn lậu, đầu độc môi trường, giới trẻ, xã hội, làm lãng phí tài nguyên, tiền của của đất nước, thất thoát nguồn thu của ngân sách. Phản ứng của các cơ quan chức trách là quá chậm chạp…”.
Ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng Ban Pháp chế - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam. |
Đại diện cho các doanh nghiệp thuốc lá, ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng Ban Pháp chế - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam khẳng định việc nghiêm túc thực hành các quy định pháp luật khi sản phẩm TLM được thương mại: “Các đơn vị trong Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cam kết tuân thủ các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực thuốc lá thế hệ mới như cách chúng tôi đang thực hiện với thuốc lá truyền thống”.
Dưới góc độ quyền lợi người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận: “Nếu đã đặt mục tiêu con người lên trên lợi ích kinh tế thì chúng ta cần sớm bàn đến hướng triển khai làm sao để hệ thống quản lý đạt mục tiêu này, dựa trên luật hiện hành, dựa trên nhu cầu thực tế của người dùng, giám sát các bên cung cấp để kinh doanh sản phẩm một cách có trách nhiệm”.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp. |
Đại diện cho Bộ Tư pháp, cơ quan thẩm định pháp lý, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho rằng, công tác quản lý chính là cơ sở để loại bỏ những sản phẩm nhập lậu bị lợi dụng để đưa chất cấm vào, bị kẻ gian dụ dỗ tiếp cận học sinh ở trường học. Đó là giải pháp kiểm soát TLM một cách tốt nhất hiện nay”.
Tổng kết hội thảo, đại diện các bộ, ngành liên quan đều nhấn mạnh hàng rào pháp lý chính là cơ sở để bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời để quản lý, sự chung tay của tất cả các bộ, ngành là điều cần thiết, hướng đến thống nhất quan điểm về ứng xử với TLM trước thềm sự kiện COP10 sắp tới.