Năm 2011 khép lại là một năm xấu nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, khi đa phần các nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán đều thua lỗ với mức lỗ rất lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2011 thậm chí TTCK còn xấu hơn cả năm 2008. Trong năm 2011, đa phần các công ty công chúng, công ty niêm yết đều làm ăn sa sút, chỉ một bộ phận nhỏ duy trì lợi nhuận bằng năm trước hoặc có tăng trưởng lợi nhuận nhưng không nhiều, vì vậy việc thanh toán cổ tức tiền mặt cho NĐT trong năm 2011 có thể nói giảm thê thảm so với những năm trước.
Nhiều NĐT "méo mặt" vì cổ phiếu thì bị giảm giá mạnh, cổ tức thì hầu như không có, tài sản đã bị vơi đi từ 50% cho đến 100% mà vẫn còn chuố nợ vào thân.
Nguyên nhân cổ phiếu rớt giá, ngoài tác động xấu của kinh tế vĩ mô trong nước và ngoài nước, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, đó là do yếu tố chủ quan của ban lãnh đạo DN: chậm đổi mới nhân sự, đầu tư dàn trải…, tựu trung là do những người điều hành DN nhìn chung còn quan liêu, chủ quan, duy ý chí.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI), nếu nhìn vào nỗ lực của các cơ quan hoạch định chính sách trong việc đưa ra các giải pháp phục hồi TTCK và từ sự rút kinh nghiệm, các cam kết cố gắng của DN niêm yết, thì NĐT cũng có thể được an ủi ít nhiều.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI khuyến nghị, những DN kinh doanh hiệu quả, có mức lợi nhuận sau thuế tương đối so với các năm trước, ít vay nợ (kể cả trong tương lai) cần tăng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt so với các năm trước. Đặc biệt đối với những DN nông nghiệp như DN cao su, mía đường, … đa phần lợi nhuận cao đột biến so với năm trước nhờ được hưởng lợi nhiều về giá bán, cần xem xét tăng cao mức chi trả cổ tức cho cổ đông.
Trong thời buổi rất khó khăn hiện nay, 1 đồng vốn có ý nghĩa bằng 2 đến 3 đồng so với lúc bình thường, nguồn tiền này sẽ được các NĐT thực hiện tái đầu tư giúp TTCK bớt ảm đạm, đồng thời cũng là cơ hội để bù một phần kinh doanh thua lỗ. Ông Hải cũng cho rằng các ban quản trị DN cũng cần nghiêm túc đánh giá lại chương trình đầu tư của mình để có đối sách phù hợp, nên tạm ngừng các dự án đầu tư mới nếu hiệu quả thấp hoặc phải đi vay mượn nhiều nhằm tăng cường khả năng tài chính DN, giảm chi phí lãi vay, đồng thời tạo khả năng DN luôn có dòng tiền nhàn rỗi để thường xuyên thanh toán cổ tức cho cổ đông.
“Trong bối cảnh TTCK như hiện nay và trong vài năm nữa việc huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu có thể còn khó khăn, DN nên có phương án thanh toán mức cổ tức bằng tiền mặt cao trên giá vốn đầu tư cao hơn lãi suất huy động. Nếu đa phần các DN niêm yết làm được như vậy thì không lẽ gì TTCK kéo dài sự ảm đạm ?”- ông Hải phân tích
Một lời khuyên cho DN là không nên nôn nóng đặt mục tiêu DN của mình phải trở thành 1 tập đoàn , 1 tập đoàn mạnh hoặc 1 tập đoàn lớn so với các nước trong khu vực mà đưa ra nhiều dự án đầu tư để rồi đi vay nợ nhiều, từ đó ít có điều kiện chăm lo quyền lợi cho cổ đông.
Sắp tới năm mới, cộng đồng DN cần phải đổi mới tư duy, cụ thể là phải tăng cường khả năng tài chính DN, giảm đáng kể nợ nần để có khả năng chống chọi tốt với các biến cố không mong muốn, đồng thời cải thiện quyền lợi cho các “ông chủ” của mình bằng việc gia tăng dần mức chi cổ tức tiền mặt.
VAFI cũng lưu ý, từ năm 2012 trở đi, HĐQT các DN không nên thực hiện các dự án đầu tư mới nếu như việc thực hiện này không đảm bảo khả năng thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho NĐT một cách thường xuyên. Nếu HĐQT có ý chí mạnh, cương quyết thực hiện các dự án đầu tư mới thì cần phải thuyết trình kỹ cho NĐT biết và cần nhận được ý kiến chấp thuận của đông đảo cổ đông DN…
Là 1 năm đầy khó khăn cho các DN, theo đề xuất của VAFI, các DN cần xem xét lại chính sách thưởng cho người lao động và ban quản lý trong tương quan khả năng tài chính DN và quyền lợi của NĐT; cần chấm dứt tình trạng ban quản lý lương cao hoặc có thưởng, trong khi cổ đông của DN không được nhận cổ tức bằng tiền mặt… |
Thanh Thanh