“Điểm nút” kìm hãm sự phát triển
Kết quả Chỉ số Hiệu quả Logistics gần đây nhất xếp Việt Nam ở thứ hạng 39/160 quốc gia. Đây là thứ hạng tốt nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2007 và cao thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Logistics cũng đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm.
Tuy nhiên, theo thống kê của Công ty nghiên cứu Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore; cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các DN Việt Nam.
Tại Diễn đàn Logistics thường niên do Bộ Công Thương, UBND TP Hà Nội và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức hôm qua (26/11/2020), chủ đề cắt giảm chi phí logistics lại một lần nữa được đưa ra bàn luận. Vấn đề chi phí logistics đã được nêu lên nhiều năm qua nhưng đến thời điều này vẫn là điểm nghẽn chưa thể giải quyết.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, giống như “điểm nút” kìm hãm sự biến đổi về “chất” để dịch vụ logistics của Việt Nam có “bước nhảy” tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của hội nhập khu vực và thế giới. Do đó, cắt giảm chi phí logistics đang là vấn đề mà Chính phủ quan tâm nhằm giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam khẩn trương xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics từ đó chỉ rõ “điểm nút” trong chi phí logistics để tập trung phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội, tạo ra bước phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển nền kinh tế” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Áp dụng khoa học công nghệ - vấn đề then chốt
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vấn đề quan trọng trong việc cắt giảm chi phí logistics là sự kết nối của DN trong nước với các DN nước ngoài còn khá lỏng lẻo. Thị phần dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do các DN lớn của nước ngoài nắm giữ. DN trong nước chỉ chiếm được khoảng 25% thị phần dịch vụ vận tải quốc tế, dù có lợi thế am hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng.
Hơn nữa, 25% thị phần này lại chủ yếu là các DN nhỏ và vừa - với năng lực không đồng đều và đi sau các DN đầu tư nước ngoài (FDI) về trình độ công nghệ - nắm giữ. Chính vì thế, việc tăng cường kết nối và xây dựng mạng lưới hợp tác với DN FDI là cần thiết để “khơi thông dòng chảy” logistics, thông qua học hỏi các công nghệ mới cũng như thúc đẩy việc hình thành các dịch vụ môi giới, trung gian trong ngành logistics.
“Các dịch vụ môi giới và trung gian trong logistics sẽ giúp DN trong nước tối ưu hóa hơn việc vận tải hàng hóa. Bởi theo một thống kê gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 70% xe chở hàng chấp nhận chạy không tải ở chiều về vì không thể tìm được khách hàng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của DN trong nước rất thiếu tính cạnh tranh” - ông Lộc khẳng định. Do đó, ứng dụng công nghệ tốt hơn trong hoạt động logistics là chìa khóa để các DN Việt Nam giảm các chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và bứt phá trong thời kỳ hội nhập.
Chuyên gia kinh tế Trần Minh Đức (WB) cũng đồng tình khi cho rằng, logistics là một trong những ngành có khả năng tự động hóa cao nhất, điều này tạo cơ hội cho Việt Nam nhanh chóng hiện đại hóa lĩnh vực này, trở thành trung tâm logistics của khu vực, thuận lợi đón cơ hội đưa Việt Nam trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng mới toàn cầu.
Tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng khẳng định tăng cường áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 trong các dịch vụ logistics sẽ giảm thiểu thời gian lưu kho và sản xuất; có thể giúp DN truy xuất vị trí hàng hóa, quản lý phương tiện vận chuyển tại các khu vực hẻo lánh hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường giúp nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng. Đó chính là điều quan trọng nhất để có thể giảm chi phí logistics một cách nhanh nhất.