Cuộc họp có sự tham dự của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương, Bộ Y tế cùng một số cơ quan có liên quan.
Các Bộ đều kêu khó về kinh phí
Tại cuộc họp, Bộ nào cũng phàn nàn gặp khó khăn về kinh phí, dẫn đến việc hạn chế hiệu quả quản lý về an toàn thực phẩm. TheoThứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, giai đoạn 2011 – 2016, Bộ này được cấp 192.370 triệu đồng từ nguồn ngân sách. Nguồn thu được để lại phục vụ trực tiếp cho quản lý an toàn thực phẩm (phí, lệ phí) là 959.143 triệu đồng. Bên cạnh đó, thông qua 7 dự án ODA, Bộ cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật quốc tế của nước ngoài với tổng kinh phí 2.108.765 triệu đồng.
Tuy vậy, “mức kinh phí trên là rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra tại nghị quyết của Quốc hội cũng như chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm”, ông Tám trình bày và cho biết kinh phí Bộ được cấp để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015 chỉ đạt 29,68% kế hoạch đề xuất cũng là một khó khăn lớn khác trong việc hoàn thành nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng kinh phí cấp cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm của ngành Công Thương rất hạn chế. Tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm của ngành giai đoạn 2011- 2015 (5 năm) chỉ có 101 tỷ đồng.
Đối với Bộ Y tế, mặc dù thừa nhận đã được Chính phủ quan tâm nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chung nhận định với các Bộ là kinh phí đầu tư cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn rất thấp. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm có tổng mức vốn là 4.139 tỷ đồng (giai đoạn 2012 - 2015). Tuy nhiên, tính cả năm 2011 đến 2015 thì tổng nguồn vốn là 1.251,49 tỷ đồng, mới chỉ chiếm 30,2% so với tổng mức vốn được phê duyệt. Trong đó, viện trợ quốc tế là 430 tỷ đồng thì đến nay mới huy động được khoảng 10 tỷ đồng.
“Riêng năm 2016, dự án an toàn thực phẩm thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số dự kiến được cấp 300 tỷ đồng. Nhưng đến tháng 11/2016 dự án mới được tạm ứng 64 tỷ, nội dung hoạt động tại Trung ương vẫn chưa được phê duyệt”, vị Bộ trưởng này than phiền.
Một nguyên nhân khác cũng được các bộ chỉ ra, đó là nhận thức của một số cán Bộ quản lý và ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh cũng như người tiêu dùng về công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao nên việc thực thi còn nhiều bất cập. Đánh giá các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, đại diện các Bộ NN&PTNT, Y tế nhận định tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, sử dụng phụ gia trong chế biến ngày càng phức tạp. Phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ; buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến rất phức tạp.
Ngoài ra, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là trong báo cáo của các Bộ liên quan đều khẳng định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phầm đầy đủ, đồng bộ, kiểm tra thường xuyên, vậy tại sao mất an toàn thực phẩm vẫn ở mức báo động, thậm chí ở một vài địa phương đã ở mức báo động “đỏ”?
Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến tháng 9/2016, ngành Công Thương đã kiểm tra, xử lý 55.580 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tổng số tiền thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính là 143,445 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu là hơn 90 tỷ đồng... Một trong những tồn tại là công tác hậu kiểm sau khi cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và sau khi xử phạt vi phạm của các đơn vị chức năng rất hạn chế nên chưa kịp thời chấn chỉnh và giải quyết dứt điểm các tồn tại của doanh nghiệp.
Từ thực tế đó, đại diện các Bộ đề nghị cùng với thanh tra, kiểm tra quyết liệt, cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Giải pháp lâu dài là việc quản lý an toàn thực phẩm phải thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát toàn bộ quá trình từ trang trại đến bàn ăn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ những công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ quy trình sản xuất và cung ứng nông - lâm - thủy sản.
Giải pháp, kiến nghị phải sát với thực tế
Trước các con số được nêu trong báo cáo cho rằng bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 30 nghìn đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, song tính trung bình, mỗi vụ chỉ xử phạt được 200 nghìn đồng, không có vụ việc nào bị xử lý hình sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: “Các vụ ngộ độc thực phẩm, mất an toàn là rất nghiêm trọng, có khi hàng trăm người phải vào viện. Gần đây nhất, vụ ngộ độc thực phẩm tại Lai Châu đã có 7 người chết, 21 người phải nhập viện. Vậy câu chuyện này có nghiêm trọng không? Bây giờ chúng ta phải xem lại là cách xử lý của chúng ta đã đủ độ để tất cả các vi phạm đó phải được xử lý nghiêm minh. Chúng ta có làm được điều đó không?”.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với 13 địa phương về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” cho thấy, các Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật An toàn thực phẩm, qua đó đảm bảo chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đoàn giám sát đánh giá các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm khá đầy đủ; qua giám sát chưa phát hiện việc ban hành các văn bản trái quy định của pháp luật”.
“Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng mất an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề lớn, nhiều vụ việc gây bức xúc, lo lắng trong xã hội, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề chưa làm được, vẫn chưa hướng tới nền sản xuất sạch; hệ thống pháp luật, nhất là quy định trong một số điều của Luật An toàn thực phẩm cần được sửa đổi để phù hợp với thực tế; Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng cần được bổ sung để đủ căn cứ pháp lý xử lý”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo của các Bộ cần đề xuất những giải pháp, kiến nghị cụ thể sát với thực tế tình hình, tránh đưa ra những đánh giá, giải pháp chung chung.