Châu Âu tăng cường an ninh tại các chợ Giáng sinh sau vụ tấn công ở Đức

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - An ninh đã được tăng cường tại các khu chợ Giáng sinh trên khắp châu Âu sau vụ chiếc xe tải lao vào một khu chợ ở Berlin hôm 19/12, dấy lên những lo ngại về an ninh ở thời điểm mùa lễ hội.

Theo AFP, cảnh sát Đức ngày 21/12 đã đẩy mạnh cuộc truy bắt lái xe của chiếc xe tải đã lao vào khu chợ Giáng sinh đông đúc tại Berlin, khiến 12 người thiệt mạng và 45 người bị thương hôm 19/12. Cảnh sát cho biết, nghi phạm đã lái chiếc xe tải mang biển số Ba Lan vào đám đông.

IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc và nói rằng đây là hành động của chúng nhằm đáp trả các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của IS do liên quân chống IS ở Iraq và Syria tiến hành. Tuy nhiên, giới chức Đức cho biết họ chưa phát hiện bất cứ bằng chứng nào chứng minh vụ việc có liên quan đến IS. Thủ phạm trong vụ việc cũng chưa được xác định. 

Nghi phạm duy nhất trong vụ việc – được xác định là một người Pakistan đang xin tị nạn ở Đức – đã được thả ra vào đêm 20/12 vì thiếu chứng cứ, dấy lên những lo ngại rằng thủ phạm thực sự đã bỏ trốn. “Chúng tôi không thể bác bỏ khả năng thủ phạm đang bỏ trốn và có vũ khí” – Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere xác nhận và cho biết thêm rằng 24 người bị thương trong vụ việc vẫn đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 14 người đang trong tình trạng nghiêm trọng. Bộ trưởng De Maiziere cũng cho biết cơ quan an ninh nước này đang tiến hành điều tra theo một số manh mối khác nhau và chưa rõ thủ phạm hành động 1 mình hay với những người khác.

Giới chức 16 bang ở Đức cũng cho rằng cần tăng cường các biện pháp an ninh trên cả nước. “Chúng tôi muốn tăng cường sự hiện diện của cảnh sát và đẩy mạnh việc bảo vệ các khu chợ Giáng sinh. Chúng tôi sẽ tiến hành thêm các cuộc tuần tra. Các cảnh sát sẽ có súng máy. Chúng tôi muốn việc tiếp cận các khu chợ trở nên khó hơn” - tuyên bố cho biết.

Vụ việc trên xảy ra trong lúc châu Âu đang được đặt trong tình trạng báo động cao trong gần như cả năm 2016 sau những vụ tấn công đẫm máu ở Paris và Brussels. Theo AFP, lời kể của các nhân chứng về diễn tiến vụ xe tải lao vào đám đông những người đang có mặt tại khu chợ ở thủ đô của Đức đã khiến nhiều người ngay lập tức nghĩ đến cảnh tượng từng xảy ra ở thành phố Nice của Pháp hồi tháng 7 vừa qua. Ngay sau vụ việc, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết nước này đang ở mức độ đe dọa cao. Lực lượng an ninh quy mô lớn đã được huy động đến các địa điểm trên cả nước để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại khu chợ Giáng sinh nổi tiếng nhất của Pháp Strasbourg – nơi từng xảy ra ít nhất 2 vụ tấn công trong vài năm trở lại đây - cảnh sát đã lập những chốt an ninh ở các cửa ngõ vào chợ. Những người ra vào các chốt kiểm tra này đều phải qua kiểm tra hành lý. Ngoài ra, các nhân viên an ninh tư nhân cũng đã được thuê để trà trộn vào các đám đông nhằm theo dõi tình hình. Sau vụ tấn công ở Berlin, giới chức Pháp cũng đã dựng lên nhiều trụ bê tông ở lối vào dành cho người đi bộ tại khu chợ để cản xe cộ đi vào.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Le Roux ngày 20/12 đã tới thăm khu chợ trên. Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1 sau chuyến thị sát, ông Le Roux nhấn mạnh giới chức Pháp sẽ đảm bảo an ninh cho người dân và lãnh thổ Pháp. Song, ông cũng khuyến khích người dân cảnh giác khi tổ chức các hoạt động mừng Giáng sinh và năm mới.

Tại Bỉ, nơi đã phát hiện nhiều âm mưu tấn công ở châu Âu thời gian qua, mức độ báo động đã được nâng lên mức “có thể hoặc có khả năng” xảy ra tấn công. Tại Anh, giới chức nước này từ đầu tháng cũng đã dựng lên nhiều trụ bê tông ở trung tâm thành phố Birmingham – nơi có khu chợ Giáng sinh được cho là lớn nhất ngoài những khu chợ Đức hay Áo. Song, Người phát ngôn Hội đồng Cảnh sát trưởng quốc gia Anh cho biết mức độ đe dọa đối với Anh vẫn được giữ nguyên ở mức nghiêm trọng, tức một vụ tấn công là nhiều khả năng xảy ra.

Tại Áo, nơi có nhiều chợ Giáng sinh truyền thống, nhà chức trách Áo cũng đã tăng cường an ninh ở khu vực xung quanh các thành phố có những khu chợ như vậy. Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka cho rằng người dân không cần thay đổi những tập tục Giáng sinh nhưng cần cảnh giác với những sự việc bất thường. Còn giới chức Ba Lan – nơi chiếc xe tải được sử dụng trong vụ tấn công ở Đức – bắt đầu hành trình tấn công, cảnh sát đã được yêu cầu tăng cường các cuộc tuần tra ở những địa điểm nhạy cảm như các nhà ga hay các trung tâm thương mại. 

Theo Bộ Ngoại giao, được tin về vụ tấn công bằng xe tải vào khu chợ Giáng sinh tại Berlin vào ngày 19/12/2016 làm nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương, ngày 21/12/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Đức Joachim Gauck; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Đức Angela Merkel. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank Walter-Steinmeier.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.