Báo cáo mới đây của trường Đại học Công nghệ Masschusetts (MIT) cho biết, trữ lượng nước ngọt bình quân tính trên đầu người ở châu Á là thấp nhất so với các châu lục khác và khu vực này đang phải đối mặt với khủng hoảng nước ngọt.
Tình hình sẽ còn căng thẳng, với đỉnh điểm thiếu hụt vào năm 2050. Tranh giành nguồn nước ngọt có thể nổi lên là mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định trong dài hạn ở châu Á.
“Cuộc chiến” nước
“Cuộc chiến” đã bắt đầu, với Trung Quốc là người khơi màn chính. Trên thực tế, Trung Quốc đồng thời lặng lẽ kiểm soát nguồn nước ngọt ở những lưu vực sông xuyên biên giới. Nắn dòng chảy tại các cửa ngõ biên giới là chiến lược thống nhất của Trung Quốc nhằm thiết lập ảnh hưởng ngày một lớn ở châu Á.
Bắc Kinh đương nhiên đứng trên thế mạnh, nhờ việc nắm trong tay áp đảo 110 con sông và hồ xuyên quốc gia chảy xuống 18 nước hạ lưu. Là nước có nhiều đập thủy điện nhất thế giới, Trung Quốc dễ dàng huy động công cụ này để kiểm soát dòng chảy. Trung Quốc thực sự đang nhắm đến hầu hết các con sông xuyên biên giới chảy qua lãnh thổ nước này.
Đa phần nguồn nước ngọt chảy về hạ lưu qua Trung Quốc tập trung ở cao nguyên Tây Tạng. Không quá ngạc nhiên khi vùng này là trung tâm xây đập mới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (3/2016) đã đề cập đến việc xây dựng mới một loạt đập thủy điện ở cao nguyên này.
Không dừng ở đó, Trung Quốc mới đây còn chặn dòng chảy sông Brahmaputra, nguồn cung cấp nước ngọt huyết mạch đối với Bangladesh và miền Bắc Ấn Độ, để xây dựng một đập thủy điện lớn ở Tây Tạng. Bắc Kinh đang bắt tay xây dựng một đập khác trên nhánh sông Brahmaputra nhằm tạo ra một loạt các hồ chứa nhân tạo.
Quốc gia này đã xây sáu đập thủy điện lớn trên sông Mekong, gây ảnh hưởng rõ rệt về dòng chảy ở hạ nguồn một số nước Đông Nam Á và đang nỗ lực xây thêm nhiều đập khác ở thượng nguồn Mekong.
Thiếu nước đang trở thành nguy cơ của những "cuộc chiến" mới |
Sức ép
Nguồn nước cung cấp cho phần lớn Trung Á khô cằn cũng đang chịu nhiều sức ép từ Trung Quốc, do nước này giữ lại ngày một nhiều lượng nước từ sông Illy. Hồ Balkhash của Kazakhstan đang đứng trước nguy cơ biến mất, tương tự như đối với vùng biển Aral nằm trên biên giới Uzbekistan vốn khô hạn trong 40 năm qua.
Trung Quốc đang tiến hành nắn dòng chảy từ sông Irtysh, con sông cung cấp nước ngọt cho thủ đô Astana của Kazakhstan và sông Ob của Nga. Đối với Trung Á, các dòng sông biến dạng chỉ là một phần. Ảnh hưởng từ hoạt động khai thác năng lượng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tại tỉnh Tân Cương còn tồi tệ hơn, vì nó làm ô nhiễm nguồn nước tại những con sông xuyên biên giới, với chất thải hóa chất, phân bón độc hại.
Đương nhiên, Trung Quốc không phải là tác nhân duy nhất gây ra xung đột về nguồn nước. Lần thứ hai trong thập kỷ qua, Pakistan đã khởi động tiến trình khởi kiện Ấn Độ ra tòa trọng tài quốc tế, vì những điều khoản có trong hiệp định chia sẻ nguồn nước sông Indus.
Cuộc đua giành nguồn nước ngọt ở châu Á đang gây sức ép lên ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, tàn phá hệ sinh thái, gây ra tình cảnh nghi ngờ “nguy hiểm” tại khu vực. Điểm mấu chốt nhất là định ra được các cơ chế xử lý tranh chấp hiệu quả, các hiệp định về chia sẻ nguồn nước theo hướng ngày một minh bạch hơn.
Châu Á có thể xây dựng được một hệ thống quản lý nguồn nước dựa trên nền tảng luật pháp, nhưng phải có sự tham gia của Trung Quốc. Yếu tố này dường như chưa xuất hiện ở thời điểm hiện tại.../.