Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC), trao đổi xung quanh chủ đề này:
Xin Phó Viện trưởng cho biết, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa?
- Đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Viện trưởng VKSNDTC, toàn ngành Kiểm sát đã nhận thức rất đúng về tầm quan trọng của công tác tranh tụng, đặc biệt là hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì tranh tụng đã trở thành một nguyên tắc, được quy định ở Điều 26 của Bộ luật này, đó là yêu cầu bắt buộc đối với KSV tại phiên tòa. Kết quả của hoạt động tranh tụng thể hiện xuyên suốt, toàn bộ quá trình khởi tố điều tra truy tố và các hoạt động xét xử trước đó.
Hoạt động tranh tụng thể hiện quan điểm truy tố, cũng như những quan điểm xử lý tội phạm của VKS nói riêng và của Nhà nước nói chung và đặc biệt kết quả của tranh tụng sẽ là căn cứ mang tính chất quyết định để Tòa án xem xét, ban hành bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với ngành Kiểm sát, hình ảnh và chất lượng tranh tụng của KSV chính là hình ảnh và uy tín của ngành Kiểm sát.
Thưa ông, trên cơ sở xác định tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa như vậy, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát đã có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng của công tác này?
- Xác định rõ tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa như vậy, nên từ nhiều năm trước, Viện trưởng VKSNDTC đã có những chỉ đạo quyết liệt trong công tác này. Đặc biệt là để thực hiện tốt Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành rất nhiều chỉ thị, không chỉ là những chỉ thị trực tiếp đối với hoạt động tranh tụng mà còn ban hành nhiều chỉ thị để nâng cao chất lượng kiểm sát ở các giai đoạn tố tụng trước khi diễn ra phiên tòa.
Ví dụ như Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bởi vì, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra chính là một trong những biện pháp đảm bảo tốt cho các hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa.
Năm 2016, Viện trưởng VKSNDTC ban hành Chỉ thị số 09/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa, nhằm đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp cũng như thực hiện các quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Ngoài ra, Viện trưởng VKSNDTC đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc bố trí KSV làm nhiệm vụ và xác định rất rõ trách nhiệm của những người đứng đầu, lãnh đạo các đơn vị trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là đào tạo về kỹ năng. Đã có nhiều hình thức đào tạo được áp dụng, trong đó có rất nhiều hình thức đào tạo đổi mới mà thực tiễn đã chứng minh là rất hiệu quả, đó là tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Mỗi năm, ngành Kiểm sát tổ chức hàng nghìn phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm, đội ngũ KSV toàn ngành có điều kiện học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Gần đây, ngành Kiểm sát còn có những đổi mới trong các công tác đào tạo kỹ năng như việc tổ chức đối thoại giữa KSV với Luật sư về kỹ năng tranh tụng, để từ đó, KSV nhìn nhận lại những hạn chế, cũng như học hỏi thêm các kinh nghiệm của các luật sư trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng của KSV trong thời gian tới, ông có thể cho biết ngành KSND đã đề ra những mục tiêu giải pháp gì?
- Mục tiêu xuyên suốt của ngành Kiểm sát là thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa, với nguyên tắc: Tranh tụng phải được đảm bảo theo quy định tại Điều 26 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Để đạt được mục tiêu đó, ngoài những giải pháp nêu trên, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khác, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các KSV làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Có nhiều giải pháp hiện nay đang được triển khai rất hiệu quả, ví dụ như cơ chế biệt phái KSV ở VKS cấp trên xuống cấp dưới làm nhiệm vụ thực hành công tố và ngược lại.
Hoặc là đổi mới công tác tổ chức, tập huấn, đào tạo kỹ năng cho KSV, đề cao vai trò, trách nhiệm của KSV tại các phiên tòa, cũng như vai trò công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp nhằm hỗ trợ cho các hoạt động của KSV trong đó có hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa.
Trân trọng cảm ơn Phó Viện trưởng!