Biểu đồ số lượng Công chứng viên Việt Nam |
Nhiều đóng góp tích cực
Công chứng ở nước ta xuất hiện từ thời kỳ Pháp thuộc, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc, hoạt động công chứng nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thăng trầm. Phải đến năm 1987, tức là sau khi Đại hội lần thứ VI của Đảng thông qua chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, hoạt động công chứng ở nước ta mới chính thức được củng cố và phát triển, các phòng công chứng Nhà nước được thành lập, bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và mở rộng ra cả nước.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2005 với Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có đề ra chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng thì mới có tiền đề, cơ sở để Quốc hội ban hành Luật Công chứng năm 2006, chính thức thể chế hóa chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng.
Luật Công chứng năm 2006 với tinh thần chủ đạo, xuyên suốt là thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, phục vụ tốt hơn nhu cầu công chứng ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp và sứ mệnh của nó bắt nguồn từ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng đã được Đảng ta đề ra phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn lúc bấy giờ.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng, số lượng tổ chức hành nghề công chứng và các công chứng viên đã có sự phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Đến nay, cả nước có hơn 1.000 tổ chức hành nghề công chứng với 2.419 công chứng viên.
Các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hàng triệu việc, với doanh thu nhiều nghìn tỷ đồng, tích cực nộp vào ngân sách nhà nước. Các tổ chức hành nghề công chứng được phân bố tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đang phát triển theo quy mô lớn (gần 10 công chứng viên).
Các văn phòng công chứng được thành lập theo chủ trương xã hội hóa đã từng bước hoạt động ổn định. Công tác quản trị, điều hành tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng được cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa. Công chứng từ chỗ là một thủ tục hành chính đơn thuần nay được coi là một ngành nghề chuyên sâu.
Chứng nhận giao dịch, hợp đồng từ chỗ là một nhiệm vụ, quyền hạn “độc tôn” của cơ quan hành chính nhà nước giờ đây đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu của các tổ chức hành nghề công chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng.
Với những kết quả nêu trên, hoạt động công chứng trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách của các địa phương, giải quyết công việc cho nhiều người lao động; tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Ra mắt tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của đội ngũ công chứng viên
Mặc dù đã phát triển tương đối rộng khắp và đạt được nhiều kết quả nhưng hoạt động công chứng hiện vẫn còn không ít vướng mắc, nhất là đội ngũ công chứng viên vẫn chưa có được một tổ chức xã hội – nghề nghiệp mang tính toàn quốc để có thể thống nhất với nhau về cách thức hoạt động, chuyên môn nghiệp vụ.
Đáng mừng là vướng mắc này sẽ kịp thời được giải tỏa với sự vào cuộc của Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan khi sau một thời gian vận động đã chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức Đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật Công chứng năm 2014, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên Việt Nam. Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Luật Công chứng và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP.
Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Hoạt động của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Hội viên của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là các Hội Công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các công chứng viên. Quyền và nghĩa vụ của hội viên Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam do Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam quy định.
Căn cứ quy định của Luật Công chứng và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, Đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc sẽ thông qua Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam được áp dụng thống nhất đối với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các Hội Công chứng viên.
Điều lệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: Tôn chỉ, mục đích và biểu tượng của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; Quyền, nghĩa vụ của hội viên Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; Mối quan hệ giữa Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và Hội Công chứng viên; Thủ tục gia nhập, rút tên khỏi danh sách hội viên của Hội Công chứng viên, khai trừ tư cách hội viên; Nhiệm kỳ, cơ cấu tổ chức, thể thức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hội Công chứng viên; Mối quan hệ phối hợp giữa các Hội Công chứng viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; Cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc, Đại hội toàn thể công chứng viên của Hội Công chứng viên; trình tự, thủ tục tiến hành Đại hội của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hội Công chứng viên;– Việc ban hành nội quy của Hội Công chứng viên; Khen thưởng, kỷ luật hội viên và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quan hệ với cơ quan, tổ chức khác...