Thành quả đó phản ánh sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Bình, sự tham gia tích cực của các cấp ngành, các tổ chức doanh nghiệp, trong đó Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) giữ vai trò vị trí là công cụ hữu hiệu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn địa bàn xuống 3,5% (9/2021).
Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Quảng Bình là một trong 10 cán bộ, nhân viên đầu tiên tham gia điều hành, tác nghiệp ở tổ chức tín dụng đặc thù này hồ hởi cho biết, với định hướng hoạt động từ khi thành lập đến nay là tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước về một đầu mối, Chi nhánh luôn bám sát chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương triển khai nhiều giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng với nhiều hình thức.
Trải qua 19 năm hoạt động từ chỗ nhận bàn giao nguồn vốn có 200 tỷ đồng, đến 30/9/2021, tổng nguồn vốn của NHCSXH Quảng Bình đã tăng lên 3.672 tỷ đồng, gấp 18 lần so với năm 2002.
Kết quả đó khẳng định những nỗ lực của NHCSXH trong việc tìm kiếm, huy động đủ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống của hơn 20 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đồng thời khẳng định, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở Quảng Bình đã quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, chỉ đạo sâu sát việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về một đầu mối quản lỷ thống nhất, đồng thời cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn trên địa bàn vay vốn ưu đãi.
Hiện nguồn vốn ngân sách từ UBND tỉnh và 8 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đã ủy thác sang NHCSXH là 100,6 tỷ đồng, đạt 165% kế hoạch tăng trưởng.
Các điểm giao dịch tại xã của NHCSXH đều thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch khi giao dịch với khách hàng. |
Song hành với công tác huy động nguồn vốn, NHCSXH Quảng Bình đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Đó là việc NHCSXH cùng các tổ chức chính trị xã hội ký kết lại hợp đồng ủy thác cho vay vốn chính sách đã gắn kết chặt trẽ 4 nhà là: “ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn” (TK&VV) chung tay giúp người dân vay vốn. Hiện tại 523 các cấp hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đang tham gia quản lý 3.624 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ tín dụng chính sách.
Đặc biệt, việc thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng Tổ TK&VV được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ vào chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn ưu đãi đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Hầu hết Tổ TK&VV ở Quảng Bình đã đảm bảo tiêu chí 3 đủ: Đủ số thành viên, đủ vốn hoạt động, đủ tổ trưởng có năng lực, nhiệt tình quản lý kinh tế, tín dụng.
Thực tế chứng minh 1.724 Tổ TK&VV đều đủ sức mạnh hoạt động, kết nối cùng với 151 Điểm giao dịch xã, tạo thành mạng sóng phủ kín toàn địa bàn từ trên rẻo cao Minh Hóa, Tuyên Hóa đến vùng ven biển Quảng Trạch, Quảng Ninh và giúp những cán bộ tín dụng chính sách thực hiện tốt phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.
Trên chặng đường đồng hành với hộ nghèo, với các gia đình đồng bào DTTS khó khăn, NHCSXH Quảng Bình còn xây dựng được bộ máy điều hành, tác nghiệp khá hoàn chỉnh. Từ chỗ chỉ có 10 cán bộ từ ngân hàng nông nghiệp chuyển sang năm đầu thành lập (2002), nay đã có 126 người, trong đó đa phần có trình độ đại học, cao đẳng, có năng lực chuyên sâu một công việc và biết nhiều việc.
Chính lực lượng cán bộ này trước đây từng phóng xe máy vượt đèo cao, hay lội bộ qua bãi biển sinh lầy để đem tiền đến tận Điểm giao dịch ở các xã vùng sâu, vùng xa cho dân nghèo vay. Những người đứng đầu ngân hàng cấp tỉnh, cấp huyện đã có nhiều ngày liền và nhiều lần liên tiếp về tận cơ sở của huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân, thu nợ, thu lãi vốn vay và tham gia “3 cùng” với cán bộ tín dụng: cùng bám sát cơ sở; cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể; cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Đến hôm nay, những con người ấy vẫn gắn bó với quê hương, với nghề tín dụng chính sách. Hình ảnh cán bộ tín dụng chính sách trong trang phục áo hồng cánh sen bấy lâu nay trở nên gần gũi, đẹp đẽ trong mắt người dân Quảng Bình.
Nguồn vốn được Trung ương cấp, của địa phương ủy thác đã được đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách ở Quảng Bình không ngại khó khăn do thiên tai bão lũ, dịch bệnh COVID-19 gây ra, bền bỉ, hối hả chuyển tải về 151 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, phân bổ tới 1.724 Tổ TK&VV ở thôn bản, khối phố, giúp người dân có vốn kịp thời khôi phục, phát triển kinh tế gia đình, ổn định, nâng cao cuộc sống.
Từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi cao đến vùng biển rộng ở Quảng Bình ngày nay người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Không hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn nào bị lãng quên, bị bỏ lại phía sau.
Đơn cử gia đình chị Nguyễn Thị Hoan ở bản Khe Trang, xã Trường Xuân, nhờ đồng vốn chính sách đã “đổi vận” cuộc đời. Thời gian qua, chị Hoan đã sử dụng vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Quảng Ninh nuôi bò sinh sản, chăm sóc vườn cây cao su mỗi năm thu lãi từ việc bán mủ cao su, bán bò, bán lợn được hơn 100 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hoan đang cạo mủ cây cao su. (Ảnh: Trần Anh) |
Còn tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, gia đình anh Đinh Pin, dân tộc A Rem nhờ đồng vốn vay ưu đãi đã trồng được 1 ha thông lấy nhựa, nuôi béo khỏe 7 con bò, 25 con dê, thoát cảnh nghèo túng, xây cất cả căn nhà mới kiên cố để an cư lập nghiệp. “Dân A Rem mình trước kia khổ cực lắm, chỉ biết sống dựa vào rừng, đi săn nuông thú thôi. Từ khi được vay vốn ưu đãi và trưởng bản động viên, mình đã biết trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống”, anh Đinh Pin tâm sự.
Điển hình cho ý chí vượt khó thoát nghèo là gia đình ông Cao Tiến Sơn, ở bản Lương Năng xã Hóa Sơn. Từ năm 2017, ông được NHCSXH huyện Minh Hóa cho vay 50 triệu đồng cùng số tiền từ các chương trình 135, 30a nên đã làm chuồng trại chắc chắn nuôi trâu bò sinh sản kết hợp với khai hoang cải tạo đất đồi hoang thành vườn cây trồng cam, bưởi, chanh leo.
Nhờ sản xuất phát triển, kinh tế gia đình khấm khá, ông đã làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Theo chia sẻ của ông Sơn do có rừng và vườn quả xanh tốt và nuôi được nhiều gia súc, gia cầm, cuộc sống tạm đầy đủ cho nên không muốn nhận hỗ trợ của Nhà nước mà tự nguyện xin thoát nghèo để vươn lên.
Chặng đường 19 năm ròng rã, NHCSXH đã trọn vẹn với công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở Quảng Bình trên dải đất hẹp miền Trung “lưng tựa Trường Sơn, mắt nhìn Đông Hải” vốn có bờ biển dài 100km, có chung đường biên giới Việt - Lào 200km, nay có thêm 100% hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước để phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống.
Dòng chảy vốn chính sách được khơi thông, chảy đều đặn đến mọi nơi, trong mọi lúc, kịp thời giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, bão tố, hỗ trợ các làng chài xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển và tiếp sức nhiều công ty, nhà máy vay vốn chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết mới ban hành của Chính phủ.
Chặng đường 19 năm đồng hành với người nghèo của NHCSXH Quảng Bình đã lập được những thành tích xuất sắc, xứng đáng nhận được sự ủng hộ của nhân dân và phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng nhất năm 2016.
Thời gian tới, những người làm tín dụng chính sách ở Quảng Bình sẽ tiếp tục bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động thật nhiều nguồn lực, chuyển tải thật kịp thời đồng vốn về các vùng miền phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững.