Trước đó, có thông tin cho rằng thủ lĩnh Taliban Mullah Hibatullah Akhundzada có thể đứng đầu một chính phủ mới
Theo Taliban, ông Mullah Mohammad Yaqoob, con trai của thủ lĩnh đầu tiên của Taliban Mullah Omar, và đại diện của Taliban tại Doha Sher Mohammad Abbas Stanekzai sẽ đảm nhiệm các vị trí cấp cao trong chính phủ.
Enamullah Samangani, một thành viên của ủy ban văn hóa của Taliban, nói với kênh truyền hình TOLOnews của Afghanistan hôm 1/9 rằng thủ lĩnh Taliban Mullah Hibatullah Akhundzada có thể đứng đầu một chính phủ mới. Hãng thông tấn Khaama Press cùng ngày cũng đưa tin, dẫn các nguồn tin cho biết Mullah Baradar sẽ được bổ nhiệm làm ngoại trưởng và Mullah Yaqoob làm bộ trưởng quốc phòng. Taliban dự kiến sẽ công bố các thành viên nội các vào hôm nay (3/9).
Một quan chức Taliban nói với Reuters: “Tất cả các nhà lãnh đạo cao nhất đã đến Kabul, nơi đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để công bố chính phủ mới”. Trong đó, ông Mullah Ghani Baradar, một trong những nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Taliban, đã tới Afghanistan sau khi rời Qatar sau gần 20 năm kể từ khi lực lượng Mỹ và NATO loại bỏ chính quyền Taliban vào năm 2001.
Ông Mullah Abdul Ghani Baradar (khăn đen) |
Ông Mullah Abdul Ghani Baradar sinh năm 1968 tại tỉnh Uruzgan, Abdul Ghani Baradar lớn lên ở Kandahar, cái nôi của phong trào Taliban. Ông là người đồng sáng lập Taliban và hiện là nhân vật cao cấp số 2 của lực lượng này, sau lãnh đạo tối cao Haibatullah Akhundzada.
Nhiều năm qua, ông Baradar đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban và là gương mặt đáng chú ý nhất của lực lượng này hiện nay.
Trong các cuộc đàm phán Doha tại Qatar vừa qua, ông Baradar là một trong những thành viên quan trọng của phái đoàn trực tiếp làm việc nhằm đạt được các thoả thuận chính trị, xây dựng chính phủ mới ở Afghanistan.
Vào những năm 1980, Baradar từng tham gia cuộc chiến chống lại quân đội Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ và rút quân vào năm 1992, một cuộc nội chiến đã nổ ra giữa các lực lượng trong nước.
Trước tình hình đó, Baradar thiết lập một căn cứ ở Kandahar cùng với người chỉ huy cũ Mohammad Omar, đồng thời là anh rể của mình và gây dựng thành công phong trào Taliban.
Phong trào này do các học giả Hồi giáo trẻ tuổi dẫn dắt với mục tiêu cống hiến cho đất nước, thành lập một tiểu vương quốc và thanh lọc tôn giáo hướng tới một chế độ thần quyền.
Hành động này của Taliban rất được lòng dân chúng Afghanistan bấy giờ bởi lẽ sự điều hành của các lãnh chúa đã gây nên phẫn nộ đỉnh điểm và Taliban như một "luồng gió mới" thổi vào đất nước của họ một niềm tin vào sự phát triển.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ chiến thuật từ cơ quan Tình báo liên dịch vụ (ISI) của Pakistan, Taliban chính thức lên nắm quyền vào năm 1996 sau một loạt cuộc chinh phạt ngoạn mục nhằm vào các thủ phủ tỉnh.
Trước chiến thắng ấy, thủ lĩnh số 2 Baradar được ghi nhận vì chiến lược hiệu quả và được ca ngợi như một người kiến tạo chủ chốt trong những thành tựu của Taliban.
Trong suốt 5 năm tồn tại của chế độ Taliban, ông Baradar đảm nhận vị trí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và những nhiệm vụ hành chính cho đến khi lực lượng này bị Mỹ và các đồng minh Afghanistan lật đổ.
Năm 2001, Taliban sụp đổ. Ông Baradar được cho là thuộc một nhóm nhỏ quân nổi dậy tiếp cận thủ lĩnh lâm thời Hamid Karzai cùng với bản phác thảo thỏa thuận về các điều kiện để các chiến binh công nhận chính quyền mới.
Ông từng bị lực lượng an ninh ở thành phố Karachi của Pakistan bắt giữ vào năm 2010 và được thả tự do nhờ áp lực của Mỹ năm 2018. Sau đó, có tin ông Baradar chuyển đến Qatar. Tại đây, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban và giám sát việc ký kết thỏa thuận rút quân với Mỹ.
Theo India Today, tính hợp pháp của chính phủ do Taliban thành lập tại Afghanistan trong mắt các nhà tài trợ và nhà đầu tư quốc tế sẽ rất quan trọng đối với một nền kinh tế đang phải vật lộn với hạn hán và sự tàn phá của một cuộc xung đột khiến khoảng 240.000 người Afghanistan thiệt mạng.
Các nhóm nhân đạo đã cảnh báo về thảm họa sắp xảy ra và nền kinh tế, phụ thuộc nhiều năm vào hàng triệu đô la viện trợ nước ngoài, gần như sụp đổ.
Các cơ quan cứu trợ cho biết, nhiều người Afghanistan đang phải vật lộn để nuôi sống gia đình của họ trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng trước khi Taliban nắm quyền và hàng triệu người hiện có thể phải đối mặt với nạn đói.
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới tại Afghanistan nói với Reuters từ Kabul: “Kể từ ngày 15/8, chúng tôi đã chứng kiến cuộc khủng hoảng gia tăng và ngày càng lớn, với sự sụp đổ kinh tế sắp xảy ra ở đất nước này”.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không có kế hoạch giải phóng hàng tỷ USD vàng, các khoản đầu tư và dự trữ ngoại tệ của Afghanistan đang bị đóng băng tại Mỹ sau khi Taliban tiếp quản.