Một Đại úy Công an ở Bến Tre nhận nhiệm vụ điều tra vụ tai nạn giao thông và sau khi họp liên ngành để thống nhất đưa ra xét xử vụ án này đã "liên hệ" với gia đình bị cáo vòi vĩnh tiền, bị bắt quả tang ngay tại quán cà phê khi Đại úy đang nhận 15 triệu đồng từ thân nhân của bị cáo.
Chi tiết đáng phải quan tâm là bị cáo trong vụ án này là cô công nhân, chở bạn không may bị tai nạn khiến bạn chết. Nhà cô nghèo, cô trong sạch, lao động kiếm sống và việc xảy ra chỉ là tai nạn. Đại úy Công an đã yêu cầu đưa 10 triệu và đề nghị 90 triệu đồng cho "những người khác" để xử án treo, rồi rút xuống còn 15 triệu đồng sau khi gia đình cô gái đã cắm sổ đỏ vay ngân hàng. Họ gọi điện hỏi "những người khác" và biết rõ những người này không đòi hỏi gì cả nên tố giác với cơ quan chức năng và Cơ quan điều tra VKSNDTC phối hợp với Bộ Công an bắt giữ đối tượng này.
Tại An Giang, một Thư ký Tòa án huyện tham gia thụ lý một vụ án dân sự đã vòi vĩnh đương sự để "đẩy nhanh việc xét xử" lấy 21 triệu đồng. Vụ việc bị phát hiện và anh ta cũng bị bắt tạm giam để điều tra, xử lý.
Hiện tượng các cán bộ trong cơ quan tố tụng vòi vĩnh, nhận tiền của đương sự, người nhà bị cáo xảy ra không ít và đã có một số vụ bị phanh phui. Gần đây nhất là vụ một Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện bị dính vào vòng lao lý khi thực hiện hành vi này.
Những vụ việc này cho thấy hiện tượng "chạy án" được đề cập nhiều lần trên các diễn đàn khác nhau là đang tồn tại và làm cán cân công lý không giữ được thăng bằng, xâm hại đến sự nghiêm minh pháp luật và hệ quả đang lo ngại nhất là suy giảm lòng tin của nhân dân vào bộ máy thực thi pháp luật.
Một vị lãnh đạo Nhà nước ta đã ví việc “tham nhũng vặt” như “bệnh ghẻ ruồi”. Bệnh đó không gây chết người nhưng rất ngứa ngáy, khó chịu. Và không chỉ có thế, “bệnh ghẻ ruồi” khiến cơ thể bẩn thỉu và bị xa lánh của những người chung quanh, ảnh hưởng cả đến hình ảnh của chính mình. Vì thế, đã có những cảnh báo từ những người lãnh đạo đất nước và thể hiện quyết tâm ngăn chặn “tham nhũng vặt” trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của các cơ quan nhà nước.
“Phương thuốc” đưa ra để chữa “bệnh ghẻ ruồi” là giữ gìn cơ thể sạch sẽ, tránh lây lan. Tức là nâng cao đạo đức công vụ, thực hành sự liêm khiết trong đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, xử lý đến nơi đến chốn và kịp thời đối với các trường hợp vi phạm, có tác động răn đe với những người dính vào “tham nhũng vặt”.