Hàng loạt dự án vẫn “đói” vốn
Dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tính đến hết tháng 9, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cũng mới chỉ đạt khoảng 166,6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 51,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương khoảng 46,7% dự toán năm. Trong đó, vẫn còn khoảng 21 bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, dưới 40%.
Là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, trong năm 2017 tổng kế hoạch vốn được nhà nước giao cho Bộ NN&PTNT là 8.581 tỷ đồng (trong đó đó kế hoạch vốn 2017 là 7779,5 tỷ đồng). Nhưng đến hết tháng 10/2017, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ này quản lý cũng chỉ đạt 4.854,8 tỷ đồng, bằng 51,4% kế hoạch, trong đó: Vốn ngân sách tập trung, giải ngân ước đạt 4.339,1 tỷ đồng, bằng 64,5% kế hoạch. Và đặc biệt, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt rất thấp: 515,7 tỷ đồng, bằng 18,97% kế hoạch.
Mặc dù đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thông qua danh mục 42 dự án thuỷ lợi sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch trung hạn với tổng vốn lên tới 36.800 tỷ đồng. Nhưng số tiền “khổng lồ” đó vẫn hiện vẫn đang nằm trên giấy, 37 dự án vẫn đang phải “treo niêu” chờ vốn.
Dự án lớn cũng vị “vạ lây”
Không chỉ các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí ở những dự án công nghiệp lớn cũng đang bị “vạ lây” do tình trạng giải ngân đầu tư công quá thấp từ đầu năm đến nay. Có một nghịch lý cũng đang diễn ra, được hưởng ưu đãi đặc biệt nhưng nhiều dự án không thể đi vào sản xuất theo đúng kế hoạch mà nguyên nhân chính lại do các dự án đầu tư hạ tầng theo chính sách ưu đãi của Nhà nước không đủ vốn để thực hiện.
Tại tỉnh Đắk Nông, theo kế hoạch, cuối năm 2016 Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông do Cty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư phải đi vào sản xuất với công suất 150 ngàn tấn nhôm/năm nhưng đến tháng cuối năm 2017 nhà máy vẫn ngổn ngang các hạng mục xây dựng và sẽ bị chậm tiến độ ít nhất thêm 2 năm nữa. Nguyên nhân được cho là do dự án cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp Nhân Cơ– nơi xây dựng nhà máy, không đáp ứng kịp thời cho tiến độ xây dựng và vận hành nhà máy.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông, dự án cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và hỗ trợ toàn bộ số vốn gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, khối lượng thi công dự án hạ tầng này đạt giá trị lớn nhưng nguồn vốn mà trung ương mới tạm cấp cho dự án cũng chỉ đạt 380 tỷ đồng.
Việc thiếu vốn dẫn đến tỷ lệ thanh toán cho các nhà thầu rất thấp, gây khó khăn cho việc đẩy nhanh tiến độ dự án và không thể bàn giao mặt bằng “đúng hẹn” cho Cty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân để triển khai dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông.
Với mức hỗ trợ bù lỗ giá điện mức giá điện sẽ còn có thể tăng đến 9 cent/kWh theo lộ trình và Quy hoạch phát triển điện VII tính trên mức tiêu hao điện của nhà máy này khá lớn nên việc xây dựng nhà máy chậm tới 2 năm không chỉ kéo dài thời gian ưu đãi mà mức hỗ trợ đối với dự án cũng sẽ lớn lên từng ngày, có thể lên tới 120 triệu USD/năm.
Đáng nói, là dự án được ưu đãi “ăn theo” dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Nhưng trong khi Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đi vào sản xuất, lượng Alumin sản xuất ra đã được tiêu thụ với giá bán cao thì dự án điện phân nhôm của Cty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư vẫn ì ạch tiến độ và chưa thể rút ngắn thời gian lỗ kế hoạch là điều hết sức đáng tiếc.
Hậu quả của thực trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển trong toàn bộ nền kinh tế như hiện nay không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng, thị trường việc làm cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển mà còn khiến Nhà nước phải gồng mình chi thêm những khoản phi lý đối với những dự án được hưởng siêu ưu đãi nhưng chưa biết ngày nào đi vào sản xuất như trường hợp dự án điện phân nhôm tại Đắk Nông nói trên.
PLVN sẽ tiếp tục vấn đề này trong thời gian tới.