Câu hỏi lớn từ vụ “2 lô thiết bị y tế quá đát"

(PLO) - Tại cơ quan hải quan, chủ các lô hàng bị bắt giữ  khai nhận đã thực hiện trót lọt 14 thương vụ cho đến khi bị Cục Điều tra chống buôn lậu “sờ gáy”. Đáng lo ngại khi số thiết bị quá đát  đã “lọt cửa” nhiều khả năng đã được đấu giá rồi tuồn vào các bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam, và bệnh nhân lại chính là người “chịu trận”.
Việc khai báo sai, nhầm chủng loại hàng hóa, gửi nhầm hàng… là những chiêu bài quen thuộc của các đối tượng buôn lậu. Ảnh minh họa
 Việc khai báo sai, nhầm chủng loại hàng hóa, gửi nhầm hàng…
là những chiêu bài quen thuộc của các đối tượng buôn lậu.
Ảnh minh họa
Sẽ khởi tố vụ án 
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho hay, cơ quan này đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án liên quan tới 2 lô hàng nhập lậu thiết bị y tế quá đát mà cơ quan này phát hiện và bắt giữ mới đây.  Một cán bộ có chức trách của Cục này còn xác nhận, sau khi vụ án được khởi tố họ sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra mở rộng. Hai vụ bắt giữ liên tiếp liên quan tới 2 lô hàng được xác định là các thiết bị y tế cũ được “mông má” lại nhập về Việt Nam “đội lốt” hàng mới 100%. 
Vụ bắt giữ gần nhất là vào ngày 3/1/2014. Sau quá trình thu thập thông tin tình báo và trinh sát, Đội kiểm soát hải quan khu vực miền Bắc (Tổng cục Hải quan) đã bắt giữ lô thiết bị y tế quá đát tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) do Công ty TNHH Thương mại và Kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A Việt Nam nhập khẩu. Theo khai báo tại cơ quan hải quan, số hàng nhập về là máy sinh hóa tự động, nhãn hiệu Hitachi 917, chất lượng mới 100%, có xuất xứ từ Nhật Bản, được Công ty A.N.N.A Việt Nam mua từ Công ty FAMECO (Pháp). Tuy nhiên, qua kiểm tra và giám định, chiếc máy đã qua sử dụng và thực tế công ty ở Nhật Bản đã ngừng sản xuất dòng máy này từ năm 2005 - 2006. 
Trước đó không lâu, ngày 16/12/2013, cơ quan này cũng bắt giữ nhiều lô thiết bị y tế cũ của Công ty TNHH Kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân (trụ sở tại số 19, ngõ 218/2 Trần Duy Hưng, Hà Nội). Thủ đoạn cũng tương tự, doanh nghiệp nhập khẩu khai báo  lô hàng gồm 2 máy xét nghiệm sinh hóa tự động (hiệu Hitachi 911, mới 100%, hãng sản xuất là DIAMOND, Mỹ), nhưng khi kiểm tra thực tế, Hải quan phát hiện công ty này nhập về nhiều loại máy móc hoàn toàn khác với  khai báo gồm: máy scan phim, máy nội soi, X-quang, các linh kiện máy in, màn hình…
“Tiến hành giám định cho thấy các thiết bị có tình trạng bị trầy xước, bụi bẩn bám dày, có biểu hiện oxy hóa, là hàng đã qua sử dụng. Do đó, toàn bộ lô hàng của 2 công ty trên đều thuộc diện bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Đáng nói, 2 dòng máy hiệu Hitachi 917 và 911 được sản xuất cách đây khoảng 15 năm, hiện không được sản xuất ở Nhật Bản. Còn các công ty như DIAMOND, FAMECO, 
M-Cat… chỉ chuyên thu gom máy cũ, sửa chữa lại, làm mới bên ngoài, không hề sản xuất máy mới. Những thiết bị quá cũ kỹ, lạc hậu như vậy thường được mua bán dưới dạng phế liệu, rác thải với giá bèo bọt.” - ông Nguyễn Văn Minh, Đội phó Đội kiểm soát hải quan khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu) cho PLVN biết. 
Những dấu hiệu bất thường?
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, nhiều dấu hiệu bất thường trong vụ bắt giữ hai lô hàng nhập lậu thiết bị y tế đã qua sử dụng đang đặt ra nhiều nghi vấn về một đường dây chuyên nhập lậu máy móc, thiết bị y tế quá đát tuồn vào các bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam để kiếm chác mà hậu quả để lại thì rất khó lường.
Ông Minh tiết lộ, hai lô hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng hoàn toàn bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam, do đó những công ty đứng tên trên tờ khai nhập khẩu đều có địa chỉ không xác định, giám đốc không bằng cấp, chỉ biết ký tên và đóng dấu. Thông qua các công ty “chân rết” ở Việt Nam, nhiều loại máy móc y tế cũ nát được “tút” lại như mới rồi tuồn về trong nước tiêu thụ.
Thực tế ngay khi vụ buôn lậu bị bại lộ, Phó Giám đốc kinh doanh,  Kế toán trưởng Công ty Bảo Trân có biểu hiện bỏ trốn, điện thoại nhiều ngày không liên lạc được. Riêng đối tượng Trần Thị Ánh Hồng - Giám đốc Công ty Bảo Trân sau nhiều lần mời mới chịu xuất hiện.
Lý giải vì sao hàng hóa nhập về không đúng với tờ khai hải quan, bà Hồng chèo chống: “Trên hợp đồng đều ghi là máy mới, đến khi các anh chống buôn lậu thông báo kiểm tra là hàng cũ thì em mới biết. Có thể đối tác gửi nhầm hàng”. Về trách nhiệm của Giám đốc công ty khi ký kết giấy tờ, bà Hồng nói: “Bác ấy (Phó Giám đốc) bảo ký thì em ký vào, chứ không biết nó có sai”.
Còn nhân viên xuất nhập khẩu của công ty này có thái độ không thành khẩn khi khai báo tại cơ quan điều tra: đối tác bán thiết bị có trụ sở ở Nhật Bản, chủ là người Nhật. Họ chỉ cung cấp bộ hồ sơ kỹ thuật của thiết bị, catalogue sản phẩm theo chỉ định của nhà sản xuất hoặc khi người mua có yêu cầu. Sau khi phản ánh chất lượng lô hàng cũ nát, đối tác Nhật Bản thừa nhận đã “gửi nhầm hàng”. 
Không chỉ Công ty Bảo Trân mà Công ty A.N.N.A Việt Nam đều có cách giải thích giống hệt nhau. Ông Minh cho rằng, việc khai báo sai, nhầm chủng loại hàng hóa, gửi nhầm hàng… là một trong nhiều chiêu bài quen thuộc của các đối tượng buôn lậu. Song, vụ việc vi phạm về khai báo hàng hóa, nhập hàng cấm của 2 doanh nghiệp trên là đã rõ ràng. 
Điều dư luận đặt dấu hỏi là liệu có hay không một đường dây chuyên nhập lậu máy móc, thiết bị y tế quá đát tuồn vào các bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam để kiếm chác trên lưng người bệnh?. Câu hỏi này rất đáng được quan tâm và đang được Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan tích cực điều tra để làm rõ.
Đồng loạt thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế
Để chấn chỉnh công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế (TTBYT), Bộ Y tế vừa có Công văn số 135/TB-CT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và cơ quan chức năng địa phương tiến hành ngay việc thống kê, báo cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu TTBYT đã đăng ký và hoạt động trên địa bàn; tổ chức các đoàn thanh kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu TTBYT để kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời rà soát, kiểm tra chặt chẽ, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm (nếu có) trong công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu TTBYT theo quy định.

(Còn tiếp)

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.