Cầu gỗ lim thuộc dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ với số vốn hơn 6 triệu USD và nguồn vốn đối ứng của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cây cầu có tổng diên tích 2.443m2 với kết cấu bê tông cốt thép chắc chắn, phần sàn được lát toàn bộ bằng gỗ lim Nam Phi, hệ thống lan can là chuỗi 4.100 thanh đồng xếp ngay ngắn tạo nên tổng thể lạ mắt và ấn tượng.
Đây là một trong những địa điểm ngắm cảnh, tham quan và tụ tập của du khách cũng như người dân địa phương kể từ khi đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết Huế đỏng đảnh, khó chiều, chưa hửng nắng bao lâu đã muốn mưa trở lại - những cơn mưa cuối năm cứ kéo dài, bao trùm lên thành phố một hơi thở trầm buồn, sầu lắng. Cầu gỗ lim trên sông Hương chắc cũng cô quạnh! Không chỉ vắng vẻ dáng người lui tới, vui chơi mà còn bất an, lo lắng vì rất có thể tình hình mưa lũ, nước dâng khiến cầu bị nhấn chìm và hư hại.
Cầu đi bộ bằng gỗ lim bị “nuốt trọn” bởi cơn lũ dữ. |
Nhiều ý kiến cho rằng dùng chất liệu gỗ làm cầu sát mặt sông vừa lãng phí, vừa không đảm bảo chất lượng lâu dài do địa phương thường xuyên phải chịu ảnh hưởng từ thiên nhiên. Trước đây, trong thời gian hoàn thiện cầu đi bộ, người dân đã kịp thời phát hiện nhiều vết nứt trên bề mặt các tấm gỗ lim và báo cho đơn vị thi công khắc phục, thay lại các tấm gỗ và kiểm tra toàn bộ công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Đáng chú ý là vào mùa mưa năm ngoái, cây cầu hoàn bị cơn lũ dữ “nuốt trọn”. Mặc dù vẫn bền bỉ sau lũ nhưng người dân Thừa Thiên Huế vẫn rất lo ngại cho sự bền vững lâu dài của “cây cầu 65 tỷ” này. Bởi không chỉ có một cơn lũ và cứ mùa mưa hàng năm, lũ sẽ “rình rập” ập đến bất cứ lúc nào, vậy cầu gỗ lim có đảm bảo chất lượng và an toàn vượt qua mọi cơn lũ như thế hay không?
Trao đổi với phóng viên, chị N.P.T (trú phường Phú Hội, TP. Huế) cho biết: “Mỗi lần tôi đi qua cầu Phú Xuân, nhìn xuống cầu gỗ lim những ngày mưa cứ thấy buồn trong lòng, sợ một ngày nào đó phải nghe tin cầu hư hỏng, cầu biến dạng vì nước ngập”.
Có thể nói, dù là địa điểm mới nhưng cầu đi bộ bằng gỗ lim trên sông Hương đang dần trở thành một trong những biểu tượng của vùng đất cố đô Huế. Do đó, người dân Huế rất quan tâm và mong muốn cây cầu luôn “khoẻ mạnh” trong mưa và hy vọng chính quyền sẽ có cái biện pháp kiểm tra, tu sửa nếu có hư hỏng nhẹ hoặc sự cố xảy ra.