Vấn đề được trao đổi tại Hội thảo “Vietnam IoT case studies” do Mạng lưới Khởi nghiệp IoT Việt Nam tổ chức. Tại Hội thảo này, Ban điều hành Mạng lưới Khởi nghiệp IoT Việt Nam đã chia sẻ những câu chuyện thực tiễn về ứng dụng IoT trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng điện Việt Nam…nhằm chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm cũng như giải pháp, sản phẩm và những dự án liên quan đến IoT và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
IoT trong nông nghiệp: Bỡ ngỡ với công nghệ bình dân
Theo ông Đỗ Trung Hiếu – Người sáng lập Smartlines. lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam có thể ứng dụng Công nghiệp 4.0 là sản xuất chế biến thực phẩm, dệt may, khai thác, nuôi trồng thủy sản nông nghiệp chính xác; xây dựng và bất động sản; bán lẻ và giao vận. Việc áp dụng công nghiệp 4.0 không chỉ giúp giám sát công việc trong các nhà máy mà còn kiểm soát được mức tiêu thụ, giám sát được đầu ra của các đơn vị tiêu thụ để từ đó biết được sẽ sản xuất lượng hàng hóa như thế nào.
Công nghiệp sẽ liên kết tất cả các khâu, các đơn vị trong nhà máy với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh mạng, độ duy trì, khả năng đáp ứng của con người với sự phức tạp của hệ thống hay như vấn đề dư thừa về nguồn nhân lực.
Việc ứng dụng IoT trong nông nghiệp, theo ông Phan Thái Trung – Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Xây dựng, Phó Tổng Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Số chia sẻ, hiện IoT nông nghiệp tại Việt Nam ý tưởng không nhiều, chủ yếu xoay quanh cảm biến, lập trình tưới, đóng cát nắng, trồng thủy canh tự động trong nhà và chỉ áp dụng cho DN quy mô vừa với giá cao.
“Chuỗi cung ứng thực phẩm ở Việt Nam hiện nay vẫn qua nhiều khâu trung gian, chưa có nhật ký sản xuất canh tác và cần phải truy xuất nguồn gốc (nắm được xuất xứ, quy trình kỹ thuật, chất lượng..). Các nông hộ, hợp tác xã là nhân tố chính xác nhất trong nền nông nghiệp Việt Nam, song họ vẫn còn rất bỡ ngỡ với công nghệ cao hay ngay cả công nghệ bình dân. Chính vì vậy, cần phải có người đồng hành, xúc tiến đứng ra bao tiêu, áp dụng quy trình, áp dụng công nghệ đơn giản, linh hoạt để người nông dân tiếp cận tốt hơn và tạo ra nông sản có giá trị và trở thành hàng hóa chủ lực và chất lượng” - ông Trung cho biết thêm.
Theo ông, hiện các gói dịch vụ trong dự án Hợp tác xã Nông nghiệp Số như nhật ký điện tử, xử lý dữ liệu lớn, truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất và bán hàng cũng góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và khoa học của chuỗi sản xuất nông nghiệp...
IoT trong Bưu chính viễn thông: Có thể phát triển “nguồn” phân tích tại chỗ, xây dựng trạm BTS xanh
Hiện ở Việt Nam, các “ông lớn” trong ngành Bưu chính viễn thông đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: chi phí năng lượng ngày càng gia tăng, các máy bắt thường ngưng hoạt động do sự cố kỹ thuật, mất cáp nhiên liệu do quản lý lỏng lẻo hay tình trạng mất an ninh ở các trạm BTS ở vùng xa…
Theo ông Nguyễn Thái Hưng – Phó Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam, để khắc phục tất cả những điều trên, việc cần thiết hiện nay là xây dựng và phát triển BTS xanh, hướng tới việc phát triển điện, mạng lưới điện bền vững nhưng không tác động và ảnh hưởng tới môi trường và con người.
Theo Báo cáo tổng kết cuối năm 2016 về tình hình kinh doanh của 3 “ông lớn” trong nghành Bưu chính viễn thông của Bộ TT&TT: Tập đoàn Viettel đạt doanh số 226.558 tỷ, lợi nhuận đạt 43.200 tỷ; VNPT đạt doanh số 135.223 tỷ, lợi nhuận 4.162 tỷ; MobiFone đạt doanh số 38.439 tỷ, lợi nhuận 5.204 tỷ. Tuy nhiên số liệu tác động môi trường cả 3 “ông lớn” này để bỏ ngỏ?
Năm 2016, số lượng các trạm xây dựng BTS của: Viettel: 75.000 trạm; VNPT: 18.000 trạm và MobiFone: 10.000 trạm BTS. Ước tính, lượng tiêu thụ 30.000 kWh/ngày thì chi phí năng lượng bỏ ra không hề nhỏ, mỗi năm các tập đoàn viễn thông xả tới 99 tấn CO2 lượng thải từ các trạm BTS gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và sức khỏe con người. Vậy, vấn đề đặt ra là cần xây dựng hệ thống các trạm BTS xanh, tập trung sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, gió.
Và để giải bài toán này ông Hưng cho biết, hiện Hội Tự động hóa Việt Nam đã có thiết kế cụ thể (sử dụng ứng dụng tích hợp điện đám mây - ứng dụng IoT vào viễn thông) với 3 giải pháp: Phân tích và điều khiển tại chỗ kết hợp giám sát từ xa; Điều khiển tại chỗ kết hợp với phân tích và giám sát tập trung và Điều khiển tại chỗ kết đuôi IoT kết nối trực tiếp với Cloud và giám sát từ xa để ra quyết định phân tích, chia sẻ thông tin xuống trung tâm.
Thông thường mọi người chỉ biết đến khi xảy ra sự cố hoặc giám sát được sự cố từ xa khi đến mức báo động nhưng khi ứng dụng IoT (sử dụng ứng dụng tích hợp điện đám mây này) có thể nâng cao độ tin cậy, nếu biết phân tích các thông số về sử dụng điện hay thời tiết sẽ tối ưu hóa được việc sử dụng tài sản. Ông Hưng tin tưởng rằng việc ứng dụng IoT viễn thông sẽ thành công và Việt Nam có thể tự phát triển “nguồn” để ngoài việc thu thập và kết nối với điện toán đám mây còn có thế thực hiện bài toán phân tích tại chỗ, phát triển BTS xanh.
“Internet of things” (viết tắt là IoT) là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp qua một định danh của riêng mình và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và internet. Nói đơn giản là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau,với internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó.
Hay hiểu một cách đơn giản IoT là tất cả các thiết bị có thể kết nối với nhau. Việc kết nối có thể thực hiện qua Wi-Fi, mạng viễn thông băng rộng (3G,4G), Bluetooth….Các thiết bị có thể là điện thoại thông minh, máy pha cafe, máy giặt và nhiều thiết bị khác.