“Hành trình vạn dặm, bắt đầu bằng một bước chân”
Chương Đình Phúc (19 tuổi), sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk, bị co rút hai tay, không thể duỗi thẳng được. Phúc cho biết suốt thời niên thiếu của Phúc đi qua bằng hai chữ tổn thương. Năm 2015, gia đình em đổ vỡ, bố mẹ em rời xa nhau, để lại em một mình cùng những nỗi đau tinh thần dai dẳng. Sức khỏe yếu ngày thêm yếu đi, nhưng rồi chàng trai ấy đã quyết chí thay đổi, vì hai chữ ước mơ. Và Phúc đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi nghiên cứu, khoa học công nghệ.
Phúc cho biết, em luôn tin câu nói “Trời lấy của ta thứ này, thì sẽ bù lại cho ta một thứ khác”. Nhận ra mình thích dẫn chương trình, vậy nên mỗi ngày, Phúc đều dành ra vài tiếng để tập nói chuyện, để luyện kỹ năng nói và cũng là tự trò chuyện với bản thân. Em hiểu mình hơn, để rồi tự tin hơn, rồi mạnh dạn hơn. Lần đầu tiên, em có dịp thử thách bản thân mình, giành giải nhất trong cuộc thi hùng biện của trường cấp ba, cũng là tiền đề để em có chút niềm tin len lỏi: Mình có thể làm nhiều hơn mình nghĩ!
Cứ thế, em học, rồi lại hành. Vào đại học, gặp được các thầy, cô, anh, chị tài giỏi, Phúc luôn cố gắng và nỗ lực, em cũng có thêm cho mình niềm tin về bản thân để tiếp tục kiên trì con đường của mình.
Phúc tâm sự: “Mọi người thấy đấy, vẫn là người khuyết tật, nhưng không đồng nghĩa chúng ta không thể làm gì. Mỗi người khuyết tật chúng ta đều có những cách rất riêng để bản thân trở nên có ích cho xã hội, cho cộng đồng, trở thành tia sáng cho chính mình. Quan trọng hơn cả, chúng ta chưa bao giờ khuất phục trước chông gai của cuộc đời. “Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân”, chỉ cần ta bước đi, cuộc đời nhỏ bé thế nào cũng sẽ có ý nghĩa. Hy vọng mọi người sẽ luôn nhớ: Đi về phía ánh sáng, bóng tối sẽ tiêu tan”.
Kể câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thùy Chi (34 tuổi, Nhà đồng sáng lập, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chạm vào Xanh, đại biểu Đại hội Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 - 2029) cho biết bị mắc chứng bại não (cerebral palsy) thể co cứng bẩm sinh, không thể tự đi lại và chăm sóc bản thân.
Năm 2022, chị Thùy Chi đã cùng bạn là Lưu Thị Hiếu thành lập Chạm vào Xanh để hỗ trợ việc làm, thúc đẩy phong trào sống độc lập cho người khuyết tật. Đến nay, những người mắc chứng bệnh tương tự chị Chi tham gia các hoạt động của Chạm vào Xanh đã lên tới gần 300 người và vẫn tiếp tục gia tăng. Cộng đồng này đang chung tay xây dựng thêm nhiều hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống để hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ.
Chị Nguyễn Thùy Chi - Nhà đồng sáng lập, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chạm vào Xanh chia sẻ câu chuyện của mình. |
Chị Nguyễn Thị Kim Hòa (SN 1984, Ninh Thuận) bị khuyết tật vận động, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đang cộng tác ở lĩnh vực văn học nghệ thuật với nhiều cơ quan báo chí. Chị Hòa đã in 15 quyển sách, trong đó có 8 quyển cho thiếu nhi. “Nhiều tác phẩm của tôi được sách giáo khoa Tiếng Việt mới sử dụng để giảng dạy cho học sinh Tiểu học (Bộ Kết nối trí thức, Chân trời sáng tạo). Chị cũng đã đoạt giải Nhất Truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải Nhất Truyện ngắn thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch… Năm 2024, chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại cuộc gặp, các bạn trẻ cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Chương Đình Phúc mong hỗ trợ mở thêm nhiều lớp học dành cho những người khuyết tật; tạo ra được những sân chơi bổ ích để không chỉ những người khuyết tật có thể giao lưu với nhau, mà còn lan tỏa những giá trị tích cực đến mọi người xung quanh. Tìm cách mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm hơn nữa dành cho người khuyết tật bằng nhiều hình thức khác nhau, cũng như có những chính sách hỗ trợ phù hợp dành riêng cho những người thuộc diện này.
“Em mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện để những người như chúng em có thể tiếp tục phấn đấu và phát triển theo chính sức của mình, bằng việc hỗ trợ mở thêm nhiều lớp học dành cho người khuyết tật; những sân chơi bổ ích để giao lưu, lan tỏa những giá trị tích cực; mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm hơn nữa dành cho người khuyết tật”, Phúc đề xuất.
Chị Nguyễn Thị Kim Hòa cũng mong sẽ có thêm nhiều chương trình hỗ trợ học tập, chuyên môn nghề nghiệp cho người khuyết tật. Một ngôi trường với đầy đủ cấp học, ngành nghề dành riêng cho người khuyết tật do Nhà nước mở, với mức học phí phù hợp hơn các cơ sở tư nhân tin rằng sẽ tạo điều kiện cho thêm nhiều người khuyết tật được trang bị học vấn, chuyên môn để phát huy những thế mạnh bản thân, đóng góp cho xã hội.
Chị Nguyễn Thùy Chi mong trong tương lai không xa Đảng và Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để nhóm người yếu thế, trong đó có người khuyết tật có cơ hội trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, để người khuyết tật được đóng góp trí tuệ, tâm sức giúp cho đời sống của nhóm người yếu thế ngày càng tốt đẹp hơn.
Sẽ hồi đáp bằng những chính sách nhân văn
Trên đây là một phần câu chuyện về nghị lực phi thường của những “Nick Vujicic Việt” trong khuôn khổ của Lễ tuyên dương Tỏa sáng nghị lực Việt 2024, tại trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gặp mặt 38 gương Thanh niên khuyết tật tiêu biểu...
Xúc động trước các chia sẻ và kiến nghị của thanh niên khuyết tật, ông Đỗ Văn Chiến cho biết truyền thống của người Việt Nam là luôn chia sẻ yêu thương với người khó khăn: “Có nhiều hoàn cảnh, nhiều lý do dẫn đến các bạn không lành lặn về thể xác, nhưng qua chia sẻ của các bạn, tôi thấy các bạn rất lành lặn, có nghị lực sống hơn nhiều người lành lặn chân tay, nhưng khuyết tật về tâm hồn, về tư duy.
Nghị lực vươn lên trong cuộc sống của các bạn đã truyền cảm hứng cho mọi người, là tấm gương phản chiếu để những người khuyết tật tư duy, nhìn nhận lại bản thân mà thay đổi. Các bạn đã nói lên tiếng nói của mình và xã hội chắc chắn sẽ có những câu trả lời để hỗ trợ các bạn có điều kiện sống tốt hơn”…
Chương Đình Phúc (19 tuổi), sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên chia sẻ câu chuyện của mình. |
Tại buổi gặp mặt, anh Phạm Văn Thành - Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I cho biết, đến nay, cả nước có khoảng 208.581 thanh niên khuyết tật; có 13/63 tỉnh, TP thành lập được Hội/Câu lạc bộ/chi hội thanh niên khuyết tật cấp tỉnh là thành viên tập thể của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại các địa phương. Từ khi thành lập (từ tháng 10/2021) đến nay, Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam đã tập trung triển khai các chương trình, hoạt động an sinh xã hội, hướng tới các đối tượng thanh, thiếu nhi yếu thế, trong đó có đối tượng thanh, thiếu nhi khuyết tật.
Ban Vận động đã phối hợp, triển khai các chương trình đồng hành, chăm lo, hỗ trợ thanh niên khuyết tật, thông qua các chương trình của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam như: “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”, “Triệu bữa cơm”, “Triệu túi an sinh”, “Triệu ly sữa và Hành trình của những cuốn sách”, “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch”, “Góp triệu ngôi sao”, “Nối vòng tay thương”, “Cùng em học trực tuyến”.
Ngoài ra, còn có các chương trình “Yêu thương người đồng cảnh”, “Cho người khuyết tật khó khăn mượn vốn làm ăn cải thiện cuộc sống”; “Tham gia chạy Marathon”, “Cùng người khuyết tật nấu những suất ăn nghĩa tình”; “Không gian đọc cùng người khuyết tật”; “Tết tử tế với người khuyết tật”; “Hè biên cương”…
Ban Vận động cũng phối hợp triển khai Chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt như: Cuộc thi viết Tỏa sáng Nghị lực Việt và tuyên dương Thanh niên khuyết tật tiêu biểu Tỏa sáng Nghị lực Việt, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các bạn thanh niên khuyết tật được tuyên dương Toả sáng nghị lực Việt. Từ năm 2020 đến nay chương trình đã tuyên dương 182 tấm gương Toả sáng nghị lực Việt.
Bên cạnh đó, các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho các thanh niên khuyết tật, tạo cơ hội giao lưu, khẳng định mình cho các thanh niên khuyết tật. Các hoạt động thể dục, thể thao đã góp phần giúp thanh niên khuyết tật xóa bỏ tự ti để hòa nhập cộng đồng, nâng cao thể chất, rèn luyện sức khỏe.
Ông Đỗ Văn Chiến cũng gợi mở sẽ xem xét kiến nghị với Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc rà soát, đánh giá lại những đóng góp của người yếu thế nói chung, người khuyết tật nói riêng đối với xã hội để nghiên cứu, xây dựng những chính sách phù hợp hơn nữa trong thời gian tới.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người yếu thế, trong đó có người khuyết tật về các lĩnh vực của đời sống. Ông Đỗ Văn Chiến đánh giá cao nghị lực của mỗi thanh niên khuyết tật tiêu biểu, qua đó đã góp phần truyền cảm hứng cho những người cùng cảnh ngộ để họ vượt lên khó khăn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Đồng thời mong muốn mỗi đại biểu sẽ không ngừng vươn lên, tự chăm lo cho cuộc sống của mình, tiếp tục có thêm nhiều đóng góp cho đất nước.
Ông Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn cho biết, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sẽ có trách nhiệm trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng với Hội Thanh niên khuyết tật, cụ thể hóa những quyết sách, mục tiêu đã đặt ra, phát huy thanh niên khuyết tật trong việc phát triển đất nước…
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy khẳng định, 38 thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương dịp này đều có điểm chung là tinh thần không cam chịu hoàn cảnh, nỗ lực vượt qua rào cản, khiếm khuyết về thể chất, tổn thương về tinh thần, khẳng định giá trị bản thân và đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội. “Mỗi câu chuyện là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh của ý chí và tinh thần không ngừng vươn lên trên hành trình tỏa sáng ước mơ của chính mình. Các bạn thanh niên khuyết tật đã chứng minh rằng không gì là không thể, rằng với ý chí và tinh thần quyết tâm, chúng ta có thể vượt qua mọi giới hạn”.