Trước động thái này của chính quyền vùng Catalunya, các nhà phân tích cho rằng nếu Catalunya tuyên bố độc lập cái giá mà họ phải đánh đổi có lẽ không hề dễ chịu khi phải đối mặt với một tương lai bất định.
Tạm hoãn tuyên bố độc lập
Ngày 10-10-2017, Thủ hiến vùng Catalunya Carles Puigdemont cùng các chính trị gia khác của vùng Catalunya đã ký một văn kiện tuyên bố Catalunya độc lập tách khỏi Tây Ban Nha, cho dù không rõ liệu văn kiện có giá trị pháp lý không. Tuy nhiên sau đó, ông Puigdemont đã tạm hoãn tuyên bố độc lập để mở cửa đối thoại với chính quyền trung ương.
Phát biểu trước các nghị sĩ vùng Catalunya, ông Puigdemont nêu rõ: "Tôi gách vác sự ủy nhiệm của người dân tại vùng là Catalunya trở thành một quốc gia cộng hòa độc lập". Tuy nhiên, ông đã đề nghị với Nghị viện vùng "tạm hoãn việc tuyên bố độc lập nhằm bắt đầu tiến hành đàm phán trong các tuần tới".
Còn Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria thông báo với phóng viên rằng Thủ hiến vùng Catalunya Puigdemont là "một người không biết mình đang đứng ở đâu, sẽ đi đến đâu và đi với ai", sau khi ông này hoãn tuyên bố độc lập nhằm mở cửa đối thoại với Madrid.
Theo bà Saenz de Santamaria, Thủ hiến vùng Catalunya nên trở lại con đường của pháp luật nếu ông muốn đàm phán diễn ra, ngoài ra ông cũng không có quyền tiến hành hòa giải với chính quyền trung ương. Bà nêu rõ: "Ông Puigdemont hay bất kỳ ai cũng đều không thể tuyên bố tiến hành hòa giải. Các cuộc đối thoại cần phải được thực hiện theo đúng pháp luật".
Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cam kết nước này không thể bị chia rẽ và sự thống nhất của quốc gia sẽ được bảo vệ. Trả lời nhật báo Die Welt của Đức ngày 9/10, Thủ tướng Rajoy nhấn mạnh chính phủ sẽ làm những gì luật pháp cho phép để đảm bảo sự thống nhất của quốc gia.
Ngày 11-10, Thủ tướng Mariano Rajoy đã ra thời hạn cho Thủ hiến Catalunya Carles Puigdemont rằng đến 10h sáng 16/10, ông Carles Puigdemont phải xác nhận ông ta có tuyên bố độc lập hay không trước khi đình chỉ quyền tự trị của vùng Catalunya.
Ông Rajoy nêu rõ: "Điều rất quan trọng là ông Puigdemont phải làm rõ với người dân Tây Ban Nha rằng ông ta có tuyên bố độc lập vào ngày 10/10 hay không".
Thủ tướng Rajoy cũng lưu ý rằng nếu ông Puigdemont xác nhận vùng Catalunya đã ly khai khỏi Tây Ban Nha, chính quyền trung ương sẽ cho ông ấy thêm 3 ngày, đến 10h sáng 19/10, để xem xét lại trước khi bắt đầu các thủ tục đình chỉ quyền tự trị của Catalunya theo Điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha.
Thủ tướng Tây Ban Nha trước đó cũng đã bác bỏ khả năng về vai trò trung gian tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Catalunya.
Thủ hiến vùng Catalunya Carles Puigdemont |
Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI cũng từng có bài phát biểu trước toàn dân nhấn mạnh chính quyền trung ương sẽ không thương lượng trong vấn đề Catalunya. Bài phát biểu của Vua Felipe báo hiệu Chính phủ Tây Ban Nha có thể sẽ áp dụng Điều 155 trong Hiến pháp, theo đó cho phép nắm quyền kiểm soát đối với chính quyền vùng, hoặc giải tán hội đồng lập pháp địa phương và ấn định thời gian để tiến hành một cuộc bầu cử địa phương mới.
Trong khi đó, EU cũng phản đối mạnh mẽ cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của vùng Catalunya. Bộ Ngoại giao Mexico cũng vừa ra thông cáo khẳng định quốc gia này sẽ không công nhận Catalunya là một nhà nước độc lập, đồng thời ủng hộ một Tây Ban Nha thống nhất.
Vào ngày 1-10, bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo vùng Catalunya đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân này là hành động vi hiến, đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã đưa ra cam kết nước này không thể bị chia rẽ và sự thống nhất của quốc gia sẽ được bảo vệ. Ông Rajoy nhấn mạnh chính phủ sẽ làm những gì luật pháp cho phép để đảm bảo sự thống nhất của quốc gia, đồng thời bác bỏ khả năng đối thoại với chính quyền Catalunya về vấn đề độc lập của vùng này.
Đối mặt nhiều rủi ro
Catalunya nằm ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân, chiếm khoảng 16% tổng dân số Tây Ban Nha. Vùng này đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài. Có thể nói, Catalunya là một khu vực giàu có và có năng suất lớn nhất Tây Ban Nha.
Chính điều này đã mang lại cho người dân vùng này một sức ảnh hưởng trong việc đàm phán về quyền lực và một vị thế tự trị ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định nếu kiên quyết tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, khu vực tự trị Catalunya sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mà hiện tại chưa thể có lời giải đáp.
Thứ nhất, nếu tuyên bố độc lập, vùng Catalunya sẽ phải đứng trước nguy cơ bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha đình chỉ quyền tự trị. Cụ thể, trong bài phỏng vấn đăng trên tờ El Pais số ra ngày 8-10, trả lời câu hỏi liệu có quyết định áp dụng quy định hiến pháp, theo đó cho phép đình chỉ quyền tự trị và áp đặt quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương đối với vùng Catalunya hay không, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã khẳng định sẽ "không loại trừ bất cứ khả năng nào".
Thứ hai, có một quy định rõ ràng rằng nếu một phần lãnh thổ của một nước thành viên EU đòi độc lập hoặc thực hiện tiến trình ly khai thì việc duy trì tư cách thành viên tại EU sẽ không thể được thực hiện. Giới chức EU đã tuyên bố sẽ không công nhận kết quả trưng cầu ý dân ở Catalunya về việc tách khỏi Tây Ban Nha và nêu rõ Catalunya nếu ly khai không nghiễm nhiên được thừa nhận là thành viên của EU.
Nếu Catalunya ly khai khỏi Tây Ban Nha, vùng này trên thực tế sẽ phải rời khỏi EU và nằm ngoài các hiệp ước của EU, không được hưởng các lợi ích chung và không được tiếp cận thị trường chung của khối. Khi đó, công dân mang hộ chiếu Catalunya sẽ không có quyền tự do đi lại theo hiệp ước Schengen giữa một số nước châu Âu. Hàng hóa và dịch vụ từ Catalunya cũng sẽ không được luân chuyển tự do trong khu vực.
Thứ ba, nếu Catalunya trở thành một nhà nước độc lập, họ sẽ không thể tự động trở thành một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và như vậy sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại, gây khó khăn, tổn hại cho nền kinh tế.
Hơn nữa, tình hình chia rẽ tại Tây Ban Nha cũng đã khiến nhiều ngân hàng, các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp tìm cách chuyển trụ sở ra khỏi Catalunya đồng thời khiến lòng tin thị trường vào nền kinh tế Tây Ban Nha bị chao đảo.
Người dân tham gia cuộc bầu cử khu vực như một cuộc trưng cầu dân ý gián tiếp về việc tách khỏi Tây Ban Nha |
Do Tây Ban Nha là thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nên nếu Catalunya tuyên bố độc lập, khu vực tự trị này sẽ bị loại khỏi Eurozone và khi đó GDP của Catalunya sẽ giảm khoảng 20%. Ngoài ra, do thuộc Eurozone nên Catalunya cũng thuộc sự bảo trợ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và nếu độc lập, các doanh nghiệp ở đây sẽ không được hưởng lợi từ chương trình mua trái phiếu cứu trợ của ECB.
Trên thực tế, chính quyền vùng Catalunya đã bị gạt khỏi thị trường vay nợ quốc tế và buộc phải vay nợ thông qua chính quyền Madrid kể từ năm 2012. Do vậy, hiện tại, chính phủ Tây Ban Nha là chủ nợ lớn nhất của Catalunya. Nói cách khác, nếu ly khai khỏi Tây Ban Nha, đồng nghĩa với việc Catalunya sẽ phải đối mặt với gánh nặng nợ công, lên đến khoảng 134% GDP của vùng.
Về nguồn cung năng lượng, ngoài hệ thống đường ống bên trong lãnh thổ, Catalunya phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ các công ty của Tây Ban Nha. Như vậy, về lý thuyết, Catalunya hoàn toàn có thể bị cắt nguồn cung năng lượng nếu tuyên bố độc lập.
Mặc dù các lãnh đạo phong trào ly khai ở Catalunya đã lựa chọn một giải pháp trung gian, tức là không tuyên bố độc lập ngay lập tức nhưng cũng không từ bỏ ý định ly khai, tuy nhiên nếu vùng Catalunya kiên quyết đòi độc lập, cái được có thể sẽ là chủ nghĩa dân tộc, vùng miền được thoả mãn, nhưng xét trên các mặt kinh tế - chính trị, rõ ràng đây là một bước đi nhiều rủi ro.