Phát động cao điểm giải phóng mặt bằng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công - tư (PPP), giai đoạn 1 được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt tại Quyết định 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023. Ngày 13/12/2023, UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục có Tờ trình 3448/TTr-UBND gửi Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để phù hợp với tình hình thực tế (do được thí điểm tăng tỷ lệ % vốn nhà nước).
Cơ cấu nguồn vốn sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng hơn 14.200 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 9.800 tỷ đồng (tăng 3.220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TW). Trong đó, ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng, ngân sách TW 5.720 tỷ đồng, chiếm 68,76%; vốn nhà đầu tư (NĐT - đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả) khoảng hơn 4.450 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đây là dự án PPP giao thông đầu tiên thực hiện theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP và Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Đến nay NĐT đã làm việc với một số ngân hàng và có kết quả tích cực. “Tham gia dự án có nhiều doanh nghiệp, ngoài vốn chủ sở hữu của NĐT, vốn tín dụng còn có vốn trái phiếu, vốn hợp tác đầu tư và nguồn vốn khác” - lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho hay.
Đúng ngày đầu tiên của năm mới 2024, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được khởi công. Do dự án dài hơn 93km, đi qua Lạng Sơn và Cao Bằng nên công tác GPMB cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai địa phương. Ngay sau khi dự án được khởi công, ngày 27/1, UBND tỉnh Cao Bằng đã phát động “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh”. Theo kế hoạch của tỉnh Cao Bằng, công tác GPMB bảo đảm đúng hoặc vượt tiến độ, đến ngày 15/6/2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng cho NĐT để thực hiện dự án.
Bảo đảm chính sách đền bù thỏa đáng
Theo quan sát của PV, trong những ngày đầu Xuân vừa qua, ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng liên tục có những chuyến công tác thực địa để nắm bắt công tác GPMB trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Người đứng đầu UBND tỉnh Cao Bằng đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân vùng dự án và trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bố trí tái định cư cho người dân; đồng thời yêu cầu các đơn vị sau khi thi công hoàn trả lại mặt bằng hệ thống các công trình hạ tầng, kênh mương thuỷ lợi, mỏ nước, đường dân sinh, đường điện. Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng lưu ý công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư luôn là vấn đề khó, nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân, do đó công tác GPMB phải quyết liệt với quyết tâm chính trị cao…
“Nhân dân rất đồng thuận, sẵn sàng bàn giao mặt bằng sớm. Vấn đề đặt ra bàn giao sớm phải đi cùng với chính sách đền bù thỏa đáng và triển khai sớm với tinh thần nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi cũ” - ông Hoàng Xuân Ánh nói và cho biết, tỉnh đang tập trung dồn toàn tâm, toàn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu bàn giao mặt bằng “sạch” để NĐT thi công theo kế hoạch đề ra.
Chiều 21/2 vừa qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã họp đánh giá tiến độ triển khai dự án. Theo đó, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành triển khai các thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án; quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho dự án 1.282,5 tỷ đồng, năm 2024 là 1.303,5 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác GPMB đáp ứng đúng theo kế hoạch đã đề ra.
Cũng theo UBND tỉnh Cao Bằng, quá trình triển khai dự án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Chỉ tiêu sử dụng đất của dự án trên địa phận tỉnh Lạng Sơn chưa đủ; có sự sai lệch so với bản đồ chuyển mục đích sử dụng rừng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 20/QĐ-TTg, cần báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh lại; một số vị trí đoạn tuyến phải điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với địa hình thực tế và giảm thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống của Nhân dân khu vực dự án đi qua.
Theo ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đường găng dự án là hầm, nút giao và cầu. Để làm tốt việc này, NĐT kiến nghị một số vấn đề đối với địa phương. Đó là thống nhất tiến độ GPMB, thời gian bàn giao mỏ vật liệu để làm cơ sở xác định tiến độ chung của dự án và kế hoạch giải ngân các nguồn vốn. Ngoài ra, ông Hoàng cho rằng cần xác lập trách nhiệm giữa NĐT và cơ quan nhà nước có thẩm quyền…