Cần khoản vay 50.000 tỷ
Cuối tháng trước, chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua. Sự cần thiết và ích lợi của dự án này thể hiện rõ qua tỷ lệ phiếu thuận khi biểu quyết - hơn 83%. Nhưng, câu chuyện cần bàn sau chủ trương lớn nói trên chính là nguồn vốn để hiện thực hóa dự án.
“Trách nhiệm của Bộ GTVT là phải thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn từ nay cho đến năm 2020, với 11 dự án thành phần. Trong đó, có 8 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và 3 dự án đầu tư công truyền thống”, Bộ trưởng GTVT thể hiện sự quyết tâm.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành Giao thông còn cho biết, các dự án PPP, Nhà nước sẽ bỏ ngân sách lo khâu giải phóng mặt bằng. Phần xây lắp của loạt dự án lớn nói trên dự kiến cần khoảng 65.000 tỷ đồng.
Nếu như áp quy định về vốn chủ sở hữu (15 - 20%), thì nhà đầu chỉ có thể “gom” được 15.000 tỷ, phần lớn còn lại - 50.000 tỷ đồng buộc phải huy động được từ tín dụng thương mại, cộng với 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước thì mới đủ đầu tư hoàn chỉnh 654 km đường bộ cao tốc đến năm 2020.
Vấn đề này, giới am tường lĩnh vực xây lắp nhận định, cái khó nhất hiện nay chính là nguồn vốn 50.000 tỷ huy động từ các tổ chức tín dụng, bởi như đã nêu, số dự án được triển khai bằng nguồn vốn ngoài ngân sách sẽ chiếm gần 3/4 tổng số dự án cần triển khai giai đoạn 4 năm tới.
“Hiện, cho vay trung hạn đang tương đối nhiều. Do đó, nguồn vốn để cho vay tiếp của các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn. Để giải bài toán này và đồng thời rút kinh nghiệm việc đầu tư BOT giai đoạn trước, sắp tới Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước sẽ ngồi lại với nhau để bàn sâu hơn”, lời Bộ trưởng GTVT .
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án theo hình thức PPP |
Ba phương án
Trao đổi thêm với PLVN về dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói Bộ này đã chuẩn bị 3 phương án để xem xét, kiến nghị nhằm khơi thông nguồn vốn cho các nhà đầu tư trong giai đoạn tới.
“Đầu tiên là ý tưởng hình thành một gói tín dụng huy động nguồn vốn nhàn rỗi của các ngân hàng. Gói này sẽ cho vay thống nhất một mức lãi suất đối với 8 dự án PPP cao tốc. Phương án trên nếu được Chính phủ chấp thuận, thì sẽ khác với cách huy vốn cho các Dự án BOT trước đây, bởi trước hoàn toàn phụ thuộc vào mức lãi suất của từng ngân hàng nên mới có chuyện dự án này khó khăn này, dự án kia thuận lợi”, ông Thể nói.
Phương án thứ hai là kiến nghị Chính phủ cho phép một số ngân hàng lớn có yếu tố Nhà nước được phép nới “room” cho vay, và nguồn tiền này chỉ dùng để “bơm” vào các dự án giao thông. Lãnh đạo Bộ này tin tưởng, con số trên chỉ cần nâng lên 1%, thì các dự án của ngành này sẽ có đủ nguồn lực. Còn trên thực tế, đến thời điểm này, các ngân hàng gần như đã hết “room”.
“Dĩ nhiên việc này phải được sự cho phép của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong trường hợp đó, Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo rủi ro cho các ngân hàng thương mại được phép nới “room”, bởi nếu quá trình cho vay đầu tư có gặp khó khăn, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp hỗ trợ - chẳng hạn như “bơm” vốn Nhà nước vào. Hay nói chính xác là dùng ngân sách để bảo đảm những khoản vay này”, Bộ trưởng Thể phân tích.
Phương án cuối cùng đã được tính đến là phát hành trái phiếu Chính phủ vì trái phiếu lãi suất sẽ thấp hơn tín dụng ngân hàng. Gói này dự kiến cũng hình thành khoảng 50.000 tỷ để các nhà đầu tư vay xây dựng. Khi các dự án đi vào khai thác, sẽ ưu tiên trả trước vốn cho người dân, sau đó là quyền lợi của các nhà đầu tư.
“Thực hiện phương án này dễ làm tăng nợ công. Nhưng nó cũng có ưu điểm là chúng ta có thêm nguồn vốn cụ thể và chắc chắn để có thể hoàn trả lại khoản nợ vay sau đó”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh và cho biết, sẽ sớm trao đổi cụ thể với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính nếu 1 trong 3 phương án trên được thống nhất trình Chính phủ.