Cao Bằng có tiềm năng và lợi thế lớn về phát triển lâm nghiệp, diện tích tự nhiên của tỉnh trên 670 nghìn ha thì diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm trên 90% với hơn 547 nghìn ha. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, ngành đặc biệt chú trọng.
Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm, công tác trồng rừng ở Cao Bằng còn gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt mạnh, việc xây dựng đường vận chuyển cây con và xuất cây cũng gặp nhiều trở ngại do giao thông hạn chế, kéo theo đó là chi phí vận chuyển tăng cao.
Theo quy định, mỗi hộ trên địa bàn tỉnh được giao không quá 30 ha rừng trồng, nhưng do diện tích đất manh mún, mỗi hộ chỉ được giao trung bình 3 - 5 ha, lại không tập trung nên rất khó phát triển.
Ngoài ra, người dân địa phương chưa nhận thức cao về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như hiệu quả kinh tế từ rừng đem lại, chưa “mặn mà” với công tác trồng rừng. Đặc biệt, việc ý thức bảo vệ rừng của một số người dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng khai thác rừng trái quy định. Mặt khác, công tác thiết kế và thẩm định trồng rừng chưa kịp thời nên ảnh hưởng đến việc triển khai phủ xanh đồi trọc.
Để phát triển ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tỉnh Cao Bằng cần thực hiện tốt các cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững. Đặc biệt là việc thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với các chủ rừng và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn...
Theo đó, riêng từ đầu năm 2020 đến nay, các huyện nằm trong khu vực thủy điện liên tỉnh và nội tỉnh đã được chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền 2,6 tỷ đồng. Trong đó, chi trả cho 1.079 hộ gia đình, cộng đồng quản lý và bảo vệ tại huyện Bảo Lạc với số tiền 1,4 tỷ đồng; chi trả cho 40 cộng đồng xóm, các tổ chức không phải là chủ rừng được giao trách nhiệm quản lý rừng thuộc 3 huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình với số tiền 1,2 tỷ đồng.
Đây là một trong những chính sách hỗ trợ kịp thời, góp phần nâng cao trách nhiệm cũng như nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ và trồng rừng. Với chủ trương phát triển ngành lâm nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo, trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh Cao Bằng đã có 24.729 hộ thoát nghèo, giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh tiếp tục có 18.938 hộ thoát nghèo. Đồng thời, với việc tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thực hiện các dự án trồng rừng, hưởng các chính sách hỗ trợ… tỉnh Cao Bằng đã từng bước giúp người dân có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống./.