Buổi lễ được kết nối trực tuyến với 161 điểm cầu tại các huyện, thành phố, xã, thị trấn trên địa bàn. Dự và chỉ đạo buổi lễ có ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng.
Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong ứng dụng công nghệ số; khẳng định sự cam kết của tỉnh trong việc xây dựng nền tảng kinh tế số, xã hội số, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh Cao Bằng.
Định hướng chuyển đổi số Cao Bằng
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, nền tảng Công dân số (CDS) Cao Bằng ra đời nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa các quy trình hành chính và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Đề án Chuyển đổi số của tỉnh, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và hướng tới năm 2030.
Còn nền tảng “Nông dân Việt Nam” (App Nông dân Việt Nam) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ra mắt từ tháng 12/2023 và đã thu hút trên 2 triệu cán bộ, hội viên, nông dân tham gia trên cả nước. Tại Cao Bằng, hơn 13.000 cán bộ, hội viên đã cài đặt, kích hoạt và sử dụng nền tảng này.
Các đại biểu tại lễ công bố các nền tảng số "Công dân số Cao Bằng" và "Nông dân Việt Nam" |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Xuân Ánh khẳng định, dù tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội nhưng với quyết tâm chính trị và tinh thần đổi mới, Cao Bằng đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận trong chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, xã hội số bao gồm công dân số, kết nối số và văn hóa số, đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Việc ra mắt hai nền tảng này, sẽ mở ra các kênh tương tác trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền thông qua ứng dụng di động.
Người dân có thể dễ dàng truy cập các dịch vụ công trực tuyến và nhanh chóng gửi phản ánh, đề xuất tới chính quyền. Qua đó, họ có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng với các cơ quan hành chính.
Đối với nền tảng “Nông dân Việt Nam”, đây là công cụ quan trọng để Hội Nông dân thực hiện công tác điều hành, kết nối, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, từ đó góp phần phát triển phong trào nông dân trong giai đoạn 2024 - 2028.
Phát động chiến dịch cao điểm
Cũng tại buổi lễ, UBND tỉnh đã phát động chiến dịch cao điểm hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng số trên toàn tỉnh. Chiến dịch sẽ có sự tham gia của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” nhằm phổ biến công nghệ số đến tận tay người dân.
Đồng thời, các sở, ban, ngành và UBND các cấp, các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan báo chí được giao nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến rộng rãi về hai nền tảng mới này.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nông dân Cao Bằng xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về số lượng cài đặt tại các cơ quan, địa phương, đồng thời tổ chức hướng dẫn chi tiết để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Trong quá trình vận hành, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành đánh giá chất lượng dịch vụ, cải tiến công nghệ và hoàn thiện các tính năng nhằm đem lại lợi ích tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Sự kiện ra mắt nền tảng số “Công dân số Cao Bằng” và “Nông dân Việt Nam” đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh Cao Bằng. Đây không chỉ là nỗ lực phát triển kinh tế số và xã hội số mà còn khẳng định cam kết của tỉnh trong việc xây dựng một nền tảng kinh tế số bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài.
Buổi lễ mở ra triển vọng lớn cho quá trình chuyển đổi số toàn diện tại Cao Bằng.