Cảnh sát sử dụng robot “giết người”: Lạm dụng hay sáng tạo?

Vụ bắn tỉa nhắm vào cảnh sát gây chấn động.
Vụ bắn tỉa nhắm vào cảnh sát gây chấn động.
(PLO) -12 cảnh sát bị thương, 5 trong số đó thiệt mạng, hai người dân bị thương. Vụ nổ súng vào khoảng 8h45 hôm 7/7 (khoảng 21h đêm 7/7 theo giờ địa phương) ở Dallas (bang Texas, Mỹ) là vụ tấn công nhằm vào cảnh sát kinh hoàng nhất ở Dallas kể từ khủng bố 11/9/2001. 

Quyết định sử dụng robot tiêu diệt nghi phạm trong vụ việc Dallas đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có vì sao cảnh sát không xử lý tay súng bằng lính bắn tỉa, hay vì sao cảnh sát không tiếp tục chờ đợi đối tượng quy hàng? Ý kiến khác cho rằng quy định của cảnh sát cho phép nhân viên có tính sáng tạo. Một khi cảnh sát có quyền sử dụng lực lượng gây chết người, họ có thể tiến hành bằng bất cứ cách nào cần thiết.

Xả súng kinh hoàng

Thời điểm các tay súng ra tay là khoảng 21h địa phương, gần với thời gian kết thúc theo dự kiến của cuộc tuần hành. Cảnh sát Dallas khẳng định các nghi phạm đã trà trộn vào dòng người biểu tình ở trung tâm Dallas, với đối tượng tấn công rõ ràng là lực lượng hành pháp.

Vụ biểu tình ở Dallas là một trong số nhiều hoạt động tương tự diễn ra trên khắp nước Mỹ để phản đối việc cảnh sát bắn chết hai người Mỹ gốc Phi tại các bang Minnesota và Louisiana liên tiếp hai ngày trước đó. Khi các cuộc biểu tình quanh cái chết của nạn nhân vào  ngày 5/7 chưa kịp lắng xuống thì tiếp tục người thứ hai bị bắn  vào ngày 6/7.  

Hàng trăm người đã biểu tình suốt hai đêm để bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của các nạn nhân và cho rằng người da màu bị cảnh sát phân biệt đối xử và kêu gọi công bằng. Hai cảnh sát liên quan đã bị cho nghỉ việc tạm thời và Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra về vụ việc.

Khoảng 19h, hàng nghìn người ở thành phố Dallas đổ xuống đường phố biểu tình hòa bình để phản đối việc cảnh sát Mỹ nổ súng bắn chết hai người da màu chỉ trong hai ngày trước đó. Cuộc biểu tình bắt đầu một cách yên bình tại công viên Belo ở trung tâm thành phố.

Đám đông biểu tình, chủ yếu là các gia đình, sau đó tuần hành dọc theo các tuyến phố. Chính quyền Dallas đã huy động đông đảo cảnh sát đến phân luồng giao thông và đảm bảo an toàn cho những người biểu tình.

Vào thời điểm cuộc tuần hành sắp kết thúc, cảnh sát ước tính khoảng 800 người đã tham gia sự kiện này. Chính quyền địa phương đã huy động khoảng 100 cảnh sát để giữ trật tự.

Đến 20h58, các tay súng bắn vào cảnh sát từ hai vị trí khác nhau. Cảnh sát trưởng Dallas cho biết, các nghi phạm đã phục kích sẵn và lợi dụng đoàn người biểu tình để ra tay. Một số cảnh sát bị bắn từ sau lưng.

Giới chức Dallas khẳng định mục tiêu của các tay súng là làm bị thương và sát hại càng nhiều cảnh sát càng tốt. Sự phân chia vị trí và cách các nghi phạm ra tay cho thấy vụ việc đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Khoảng 23h45, một nghi phạm bị cảnh sát bao vây ở một gara gần Đại học El Centro. Cảnh sát tin rằng người này là một trong những kẻ tấn công và đã đàm phán với nghi phạm.

Cảnh sát Mỹ đứng gác tại một giao lộ sau vụ phục kích Dallas.

Cảnh sát Mỹ đứng gác tại một giao lộ sau vụ phục kích Dallas.

Cảnh sát cho biết, nghi phạm đã đe dọa sẽ tấn công nhiều cảnh sát hơn nữa. Nghi phạm còn đe dọa mang theo các túi bom đã cài sẵn ở bãi đậu xe này, cũng như tại nhiều khu vực khác rải rác trung tâm Dallas. Nghi phạm nói "mọi chuyện sắp kết thúc". 

Cảnh sát bắt đầu thương lượng với anh ta vào khoảng 23h45 giờ địa phương. Nghi phạm đe dọa làm tổn thương nhiều cảnh sát và tuyên bố đã gài bom trong gara và khắp trung tâm thành phố Dallas. Cuộc đàm phán diễn ra trong khi hai bên đấu súng suốt 45 phút.  

Theo CNN, một nhân chứng nói đã quay được tay súng từ ban công khách sạn ở trung tâm Dallas phía bên kia đường, cách đối tượng 45m. Anh mô tả tay súng mặc quần và áo chiến thuật, cầm khẩu súng trường AR-15, với "băng đạn khá lớn".

"Hắn ra khỏi đó, bước tới cái cột, cho băng đạn vào và bắt đầu bắn. Trông vụ việc như đã lên kế hoạch trước. Hắn biết phải đứng ở đâu, hắn có đạn dược sẵn sàng", nhân chứng kể. Anh cho biết, tay súng đứng cạnh cột màu trắng, xả đạn sang bên trái và phải, như đang cố gây chấn động, cố thu hút sự chú ý của cảnh sát.

Khi một sĩ quan tìm cách giao chiến một chọi một với tay súng, người này trúng nhiều phát đạn ở cự ly gần. "Trông như một cuộc hành quyết. Sau khi anh ấy đã nằm gục xuống, hắn bắn anh 3-4 lần vào lưng. Nhìn thật kinh khủng", nhân chứng nói. "Hắn bắn mà không e sợ. Hắn chẳng quan tâm. Sĩ quan cảnh sát không thể làm hắn bị thương". 

Tay súng này sau đó được cảnh sát xác nhận đã chết vì bom do lực lượng thực thi pháp luật kích hoạt. Cảnh sát đã giao gói đồ khả nghi mà nghi phạm mang theo cho đội rà phá bom. Dù những vụ tấn công xảy ra trong cuộc biểu tình phản đối cảnh sát, nhà chức trách vẫn chưa khẳng định liệu các tay súng có liên quan như thế nào với những người tuần hành hoặc ban tổ chức sự kiện này.

Cảnh sát cũng phát hiện hai nghi phạm khác lén trốn lên một chiếc Mercedes màu đen đậu ở gần đường Lamar. Các đối tượng lái xe với tốc độ rất nhanh. Cảnh sát đã đuổi theo suốt quãng đường khoảng 10km. Các lực lượng đã phối hợp để chặn xe của các nghi phạm và bắt giữ. Ngoài ra, cảnh sát cũng bắt một nữ nghi phạm. 

Tại cuộc họp báo đầu tiên về vụ 12 cảnh sát Mỹ bị bắn, giám đốc Sở Cảnh sát Dallas (DPD) David Brown cho biết một trong những nghi phạm đụng độ với cảnh sát đã chết vì bom chứ không phải tự sát.

Động cơ tấn công của nghi phạm được cơ quan chức năng thông baso là "y muốn giết người da trắng, đặc biệt là những cảnh sát da trắng". "Nghi phạm hành động một mình, do y phẫn nộ vì những vụ cảnh sát bắn chết người da đen gần đây", ông Brown nói.

"Tôi mong muốn sớm kết thúc sự chia rẽ giữa lực lượng cảnh sát và công dân của chúng ta. Chúng tôi không cảm thấy có được sự hỗ trợ trong những ngày gần đây. Chúng tôi cần sự ủng hộ của mọi người, để bảo vệ các bạn khỏi những phần tử như nghi phạm đã gây ra thảm kịch hôm nay", ông Brown nói, đồng thời khẳng định việc điều tra vụ phục kích sẽ vẫn tiếp tục

Cảnh sát đã bắt ba kẻ tình nghi liên quan đến vụ việc và đang cố gắng xác định có bao nhiêu tay súng tham gia vào cuộc tấn công. Cảnh sát trưởng Dallas cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm và điều tra cho đến khi chắc chắn không bỏ lọt nghi phạm nào.

Vụ xả súng ngày 7/7 được xem là ngày đẫm máu nhất của cảnh sát Mỹ kể từ vụ 11/9/2001, khi 72 cảnh sát thiệt mạng trong vụ tấn công tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, trong đó có 71 người ở Trung tâm Thương mại Thế giới và một người trên chuyến bay số 93 của hãng hàng không United Airlines.

Tranh cãi sử dụng robot tiêu diệt nghi phạm

Việc cảnh sát Dallas sử dụng robot mang bom để tiêu diệt kẻ bắn tỉa làm dấy lên một cuộc tranh luận về sử dụng công nghệ như vũ khí chống lại cái ác. 

Được biết, cảnh sát đã sử dụng loại robot phá bom, và đặt trên nó chất nổ C-4. Các chuyên gia an ninh và các quan chức hành pháp cho biết đây là lần đầu tiên cảnh sát triển khai robot cho mục đích tiêu diệt.

Cảnh sát trưởng Dallas nói rằng robot là lựa chọn duy nhất. "Các phương án khác đều khiến cán bộ của chúng tôi đối diện nguy hiểm rất lớn", ông nói.

Thị trưởng Dallas khen ngợi cảnh sát trưởng đã "quyết định đúng đắn" và nói rằng sẽ không e ngại khi phải dùng đến chiến lược tương tự trong tương lai. "Khi không có cách nào khác, tôi nghĩ đây là một ví dụ tốt", ông nói. "Điều quan trọng là giữ cho cảnh sát tránh khỏi nguy hiểm".

Biểu tình hòa bình trước xả súng
Biểu tình hòa bình trước xả súng

Theo AP, cảnh sát đã sử dụng những robot như vậy trong nhiều thập kỷ để xử lý những vật thể nghi là bom trong các vụ đấu súng, bắt cóc con tin.

Trong khi đó, quân đội trên thế giới chủ yếu dựa vào robot để vô hiệu hóa các thiết bị nổ tự chế. Các chuyên gia quân sự cho biết robot mặt đất ít khi được sử dụng để tiêu diệt kẻ thù. Mục đích chính của chúng là phát hiện và tháo ngòi nổ quả bom để cứu mạng sống.

Cảnh sát Mỹ từng dùng robot phá bom để chuyển đồ đến các đối tượng tình nghi, con tin và những người khác, hoặc để đánh lạc hướng hay giao tiếp với nghi phạm.

Năm ngoái, một người đàn ông cầm một con dao dọa nhảy khỏi một cây cầu ở San Jose, California. Anh ta bị khống chế sau khi cảnh sát dùng một con robot để chuyển cho anh ta một chiếc điện thoại di động và một chiếc bánh pizza.

Quyết định sử dụng robot trong vụ việc Dallas đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có vì sao cảnh sát không xử lý tay súng bằng lính bắn tỉa, hay vì sao cảnh sát không tiếp tục chờ đợi đối tượng quy hàng.

William Cohen, một cựu nhân viên Exponent người giúp thiết kế MARCbot, cho biết robot được chế tạo để cứu mạng sống thay vì kết thúc chúng. Mặc dù ông cảm thấy nhẹ nhõm khi tiêu diệt được nghi phạm ở Dallas, đã đảm bảo không có thêm cảnh sát khác hoặc dân thường bị tổn thương, Cohen vẫn lo lắng về những gì có thể xảy ra tiếp theo.

"Nó mở ra một loạt câu hỏi hoàn toàn mới về việc đối phó với những tình huống như thế này", Cohen nói. "Cảnh sát sẽ vạch ra ranh giới như thế nào khi quyết định giữa việc tiếp tục thương lượng và làm một điều gì đó như thế này?".

"Nếu robot có khả năng giết người được sử dụng trong tình huống này, chúng có thể còn được sử dụng ở đâu nữa?", Elizabeth Joh, một giáo sư Đại học California, nói. "Chúng ta liệu có muốn robot mang khả năng giết người trở thành một phần thường trực trong ngành cảnh sát? Chúng ta liệu có muốn chúng có trí tuệ nhân tạo? Vụ việc ở Dallas cho thấy đây không phải là giả thiết xa vời".

Một cựu ủy viên cảnh sát cho biết quy định của cảnh sát cho phép nhân viên có tính sáng tạo. Một khi cảnh sát có quyền sử dụng lực lượng gây chết người, họ có thể tiến hành bằng bất cứ cách nào cần thiết.

Một chuyên gia về các vấn đề pháp lý và robot nghĩ rằng việc sử dụng robot là hợp lý, và không thấy nhiều khác biệt giữa sử dụng robot và lính bắn tỉa từ khoảng cách xa.

"Sẽ không có tòa án nào thấy có vấn đề pháp lý ở đây", Ryan Calo, giáo sư tại trường luật của Đại học Washington, nhận định. "Khi ai đó là mối nguy hiểm có thể sát hại những người xung quanh, thì cảnh sát không có nghĩa vụ đặt mình vào nguy hiểm".

Theo NYTimes, các quan chức hành pháp cũng chú ý đến những vấn đề quan trọng khác phát sinh khi sử dụng một thiết bị nổ. Vụ nổ có thể hủy hoại tài sản và gây ra hỏa hoạn. Một trong số ít các trường hợp đó là khi cảnh sát sử dụng thuốc nổ năm 1985.

Các cảnh sát Philadelphia đã đánh bom trụ sở của một nhóm tự xưng là "giải phóng người da màu". 11 thành viên của nhóm, trong đó có 5 trẻ em, thiệt mạng. Ngọn lửa lan qua cả khu phố, phá hủy hơn 60 ngôi nhà. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cảnh sát đã thả thuốc nổ xuống từ trực thăng chứ không sử dụng robot.

Seth Stoughton, một giáo sư luật tại Đại học Nam Carolina lo ngại vụ việc tại Dallas có thể khiến các cảnh sát khác học theo, kể cả trong các tình huống không hợp lý. "Chúng ta có thể thấy robot được sử dụng cho mục đích tiêu diệt ở các trường hợp nhẽ ra không cần nó, bởi vì chúng rất dễ sử dụng và có vẻ an toàn hơn so với các lựa chọn khác", ông nói. "Chúng ta phải ít nhất thừa nhận một số rủi ro của việc lạm dụng".

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.