Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm được lập ra nhằm hỗ trợ, chia sẻ thông tin về chữa trị COVID-19 tại nhà để người bệnh tham khảo. Tuy nhiên, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng lừa đảo bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà. Cụ thể, một số người bệnh trong group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” đã phản ánh tình trạng có một số đối tượng xấu mạo danh là bác sĩ và nhắn tin chèo kéo chữa bệnh.
Mới lập được chưa đầy một tháng, group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” có tới hàng chục nghìn thành viên được tư vấn, điều trị bệnh miễn phí. Thay vì giúp đỡ người bệnh, các đối tượng xấu lợi dụng để tung ra các chiêu trò lừa đảo: Tự xưng là bác sĩ, giám đốc chuyên môn ở bệnh viện lớn bình luận vào các bài viết nhờ tư vấn kinh nghiệm điều trị, nhắn tin riêng cho người nhà bệnh nhân.
Ban đầu, đối tượng liên tục đưa ra những hậu quả lâu dài mà người bệnh phải chịu nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ. Tiếp đó, đối tượng xấu không quên tạo uy tín cho bản thân là “đã điều trị khỏi cho nhiều người” bằng phác đồ riêng và nhắc nhở gia đình người bệnh “muốn khỏi thì phải kiên trì”. Tuy nhiên, khi bị người bệnh nghi ngờ và nói là có người quen ở viện này thì kẻ giả mạo liền vội xóa bình luận trong bài viết và “lặn mất tăm”.
Ngay sau khi nhận được thông tin tố giác từ người bệnh, các bác sĩ quản trị viên của group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” đã xóa nick facebook mạo danh này ra khỏi nhóm và có bài viết cảnh báo tới người bệnh. Đồng thời, các bác sĩ cũng thay đổi cách duyệt các bài đăng trên nhóm, chỉ duyệt các bài viết liên quan đến tiêm vaccine, cách hỗ trợ sau khi điều trị để tránh tình trạng các đối tượng xấu vào bán thuốc chữa bệnh hay các công thức gia truyền... Người bệnh nếu có những thắc mắc liên quan đến điều trị COVID-19 đều có thể gọi điện trực tiếp vào số điện thoại của các bác sĩ được ghim ở bài viết đầu trang.
Mới đây, Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá đường dây làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, đang đấu tranh đối với 9 người để làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Nghi phạm cầm đầu đường dây là Phan Đình Hải (25 tuổi, ở xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Hải đã sử dụng phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 giả để qua các chốt kiểm soát dịch bệnh và bán cho nhiều người. Có người mua phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 giả với giá 180.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm nhanh và 500.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR, thu lời bất chính khoảng 20 triệu đồng. Sau đó, Tú tiếp tục bán lại cho các tài xế ôtô với giá 200.000 đồng một phiếu xét nghiệm nhanh và từ 600.000 - 650.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR...