Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương (BCT) quy định: DN nhập khẩu xe du lịch phải có giấy ủy quyền của chính hãng; phải có cơ sở bảo hành chính hãng… như cánh cửa đóng sập trước các nhà nhập khẩu xe du lịch trên địa bàn Hải Phòng, đẩy họ đến bờ vực phá sản.
DN đang “giãy chết”
Trao đổi với phóng viên PLVN, ông Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thương mại Kylin- GX668 cho hay: “Yêu cầu của BCT về giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà phân phối chính hãng sản xuất là điều “không tưởng”, giống như việc “thách đố” DN “hái sao trên trời”.. .
Theo ông Hùng, một nhà nhập khẩu của Việt Nam thường “nhập” xe từ nhiều hãng chế tạo ô tô khác nhau, việc có được giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng - dù chỉ của một hãng - là rất khó khăn. Bởi lẽ, các hãng xe được thị trường Việt Nam ưa chuộng đều đã có nhà máy chế tạo, các đại lý lắp ráp dạng CKD, IKD nhập khẩu. Họ cũng thường không chấp nhận có nhà phân phối thứ hai tại một thị trường.
Cty Cổ phần Thương mại Kylin – GX 668 và những chiếc ô tô được nhập về. |
Để đảm bảo nguồn hàng, Kylin – GX668 phải ký các hợp đồng nguyên tắc, ký quỹ với những nhà phân phối ở nước ngoài ít nhất từ hai năm trước, trước khi Thông tư 20 được ban hành kèm theo hàng chục triệu USD đã được chuyển cho các đối tác nước ngoài. Nay, BCT ban hành quy định mới đã khiến các lô xe nhập của Kylin – GX668 nằm “đắp chiếu” ngoài biên giới, không thể đưa về vì sợ phạm luật.
Theo quyết định 36/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các dòng xe cũ dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh dưới 1,0 lít và từ 1,0 lít- 1,5 lít giữ nguyên cách tính thuế tuyệt đối với các mức lần lượt là 3.500 USD và 8.000 USD một xe. Các dòng xe dưới 9 chỗ ngồi dung tích xi lanh từ 1,5 lít đến dưới 2,5 lít sẽ chịu thuế suất phần trăm đúng bằng thuế xe mới nguyên chiếc có cùng chủng loại, cộng thêm thuế tuyệt đối tương đương 5.000 USD mỗi xe. Tương tự, các dòng xe có dung tích xi lanh từ 2,5 lít trở lên sau khi áp thuế theo mức của xe mới nguyên chiếc, rồi cộng thêm thuế tuyệt đối 15.000 USD. |
Còn ông Đặng Xuân Thịnh, Giám đốc Đức Thịnh Auto (133 đường Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng), không khỏi trầm tư: “Thị trường ô tô nhập khẩu cũng hết sức đa dạng, để phù hợp với tính “chịu chơi” của nhiều khách hàng, Auto Đức Thịnh nói chung và hầu hết các salon khác phải nhập nhiều model xe của các hãng khác nhau. Có thời điểm, một salon nhập tới 40 dòng xe của một vài hãng tên tuổi như Toyota, BMV, Mercedes…
Nếu chiểu theo quy định, mỗi salon muốn được nhập khẩu ô tô phải có một cơ sở bảo hành chính hãng “bảo hành” sẽ phát sinh rất nhiều cơ sở bảo hành, chưa nói tới sự lãng phí, chồng chéo các cơ sở bảo hành, ngay chính các hãng chế tạo xe của nuớc ngoài cũng khó đáp ứng được yêu cầu này”.
Thêm nữa, kể từ ngày 26/6, Thông tư 20 đã có hiệu lực nhưng đến ngày 24/7, Bộ GTVT mới ban hành quyết định về quy chuẩn cơ sở bảo hành và trên cơ sở này, Bộ mới cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành đảm bảo đủ điều kiện.
Theo ông Hùng, ngay cả những DN nhập khẩu ô tô lớn nhất nhì Hải Phòng như Kylin cũng khó “xoay” được giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo đúng điều kiện, cả t tháng đành “ngồi chơi xơi nước”. Ông Hùng chua chát: “Phải chăng, cánh cửa nhập khẩu ô tô với những DN làm thương mại đã “khép” lại?”
Tìm lối thoát
Theo đại diện của các DN nhập khẩu ô tô, mục tiêu của Thông tư 20/2011 nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế nhập siêu, đảm bảo giao thông đường bộ…
Tuy nhiên, các DN này cũng phân tích: Thông tư với các quy định “ngặt nghèo” dường như chỉ nhằm bảo hộ xe ô tô sản xuất trong nước, đang làm mất đi yếu tố cạnh tranh trong kinh doanh. Nhập khẩu xe sẽ là “sân chơi” độc quyền của các DN chính hãng nên chắc chắn, giá xe của họ nhân “cơ hội” cũng sẽ tăng vùn vụt, thiệt hại nhất vẫn là người tiêu dùng.
Ông Khúc Xuân Hải- Giám đốc Trường An Auto - cho hay, cách duy nhất mà DN lựa chọn trong thời gian tới là nhập lại những dòng xe của đại lý chính hãng rồi bán lại cho người tiêu dùng nhưng cách này cũng sẽ khiến giá xe ô tô trong nước tiếp tục bị “đội” lên. Ngoài ra, để “lách” luật, hàng loạt DN nhập khẩu ô tô khác trên địa bàn Hải Phòng đang tìm hiểu, dự định chuyển hướng sang nhập khẩu xe đã qua sử dụng.
Theo ông Đặng Xuân Thịnh, phương án này cũng không mấy khả thi do Quyết định 36/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức thuế nhập khẩu xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống đã qua sử dụng - có hiệu lực từ 15/8/2011- thuế nhập khẩu xe cũ sẽ cao hơn so với thuế xe mới. Theo ông Thịnh, “nghịch lý” này đẩy các DN đang “giãy chết” sang “chết hẳn” vì không còn một lối thoát nào.
Các DN nhập khẩu ô tô ở Hải Phòng chỉ còn “nước” trông chờ điều chỉnh Thông tư 20. “Một quy định mới ra đời, cần có một trình tự, lộ trình rõ ràng và hợp lý để DN có thể theo kịp. Nếu không hậu quả trước mắt có thể nhận thấy rõ là hàng chục DN trên địa bàn HP sẽ bị “xóa sổ”, người lao động không biết vơ víu vào đâu”, ông Hùng kết luận.
Phương Thanh