Mới đây, Phòng Điều tra và Xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (Phòng Điều tra và Xử lý) đã ưa ra cảnh báo về kịch bản mà các tổ chức đa cấp không phép thường sử dụng để “bẫy con mồi”.
Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng được lặp đi lặp lại như là một công thức hay một kịch bản được dàn dựng sẵn, nhưng lại vô cùng hiệu quả. Bắt đầu từ lời quảng cáo về dự án với những thông tin cô đọng nhưng gợi sự tò mò cho người tiếp nhận. Ví dụ như: “Thu nhập thụ động mùa Covid”, “giải pháp tài chính cho 100$ - 200$/ngày”, “giữ coin hôm nay, tỷ phú ngày mai”... Những nội dung quảng cáo này được đăng tải và chia sẻ rất nhanh thông qua các phương tiện Internet.
Ngoài ra, trong kịch bản mà các đường dây đa cấp không phép sử dụng thường sẽ xây dựng rất nhiều danh hiệu cho một vị trí “đinh” gọi là người dẫn dắt, kể cả danh hiệu tự phong như: Coach, Leader, Diamond, Upline, Master trainer, Vua truyền lửa, Diễn giả… của một số app tài chính.
Đáng chú ý, trong quy trình dàn dựng kịch bản, sẽ xuất hiện một vai diễn người bảo chứng giả (thường được gọi là “chim mồi”). Người bảo chứng giả sẽ xuất hiện dưới dạng là một tấm gương “đầu tư” đi từ nghèo đói để trở thành người có thu nhập “khủng”, hay một người mẹ có người con thành đạt nhờ đầu tư vào dự án, một người bệnh đã khỏi bệnh nan y nhờ dùng sản phẩm… và kèm theo đó là những “minh chứng” thêm phần thuyết phục như ảnh chụp sao kê tài khoản với số tiền lớn, những chiếc ô tô sang trọng… “Thực tế thì những tài sản này chỉ là đi mượn hoặc thuê, những tài liệu y khoa giả…” - đại diện Phòng Điều tra khẳng định.
Còn một nhân tố, dù bị động nhưng đóng vai trò rất quan trọng là những người tham gia với đủ mọi thành phần, từ người già, sinh viên, từ những người có sẵn tiền tiết kiệm, đến những người nghèo đi vay lãi để tham gia…
“Bằng cách này hay cách khác, thực chất của những màn kịch này là lấy tiền của người tham gia sau trả cho người trước, đến khi không có người nộp tiền tiếp theo thì hệ thống người tham gia sẽ bị vỡ và lúc ấy sẽ không có ai có thể lấy lại được tiền mình đã bỏ ra ban đầu” - chuyên viên theo dõi, điều tra phân tích.
Do đó, Phòng Điều tra và Xử lý đã liên tục đưa ra cảnh báo về một số đường dây đa cấp không phép như Dự án OWIFI 5G, mạng xã hội Vitae, Siêu thị trực tuyến An Phát Thịnh, App mua sắm hoàn tiền MyAladdinz, nhóm Khởi nghiệp 360, sàn đầu tư nhị phân Yokef, Sàn tài chính phi tập trung DEFI… Đồng thời đưa ra những dấu hiệu nhận biết đa cấp chính thống để những người có ý định tham gia bán hàng đa cấp nhận diện và tự lựa chọn.