Cảnh báo của Mỹ về việc Trung Quốc cải tạo đất trên biển Đông

Hình ảnh vệ tinh cho thấy việc Trung Quốc triển khai máy bay. Ảnh: ImageSat International
Hình ảnh vệ tinh cho thấy việc Trung Quốc triển khai máy bay. Ảnh: ImageSat International
(PLO) - Báo cáo của Ủy ban Giám sát an ninh và kinh tế Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc cải tạo đất trên biển Đông có thể hủy hoại các rạn san hô, gây thiệt hại tới các loại thuỷ hải sản trong khu vực và vi phạm luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường.

Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo nói rằng quy mô và tốc độ các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông, sự đa dạng sinh thái trong khu vực và tầm quan trọng của quần đảo Trường Sa đối với hệ sinh thái của khu vực là những lý do khiến các hành vi của Trung Quốc trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Báo cáo nêu rõ, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2013 đến tháng 10/2015, Trung Quốc đã cải tạo khoảng hơn 1.200ha đất trên 7 thực thể mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa. Theo báo cáo, việc các tàu nạo hút cát của Trung Quốc nạo bùn, hút cát, sỏi trên một khu vực khoảng 12km2 đã phá hủy những rạn san hô phía dưới, khiến những rạn san hô đang tích tụ không tiếp xúc được với ánh sáng mặt trời và chết đi. Cát và sỏi cũng sẽ giết chết hoặc đẩy các loài cá tới nơi khác…

Báo cáo do ông Matthew Southerland – nhà phân tích về an ninh và các vấn đề đối ngoại của Ủy ban Giám sát an ninh và kinh tế Mỹ - Trung thực hiện được đưa ra trong lúc tòa trọng tài quốc tế dự kiến sẽ sớm ra phán quyết trong vụ Philippines kiện phản bác các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Trong đơn kiện, Manila cáo buộc Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ theo Luật Biển quốc tế về việc bảo vệ môi trường biển.

Trong một diễn biến khác khiến tình hình biển Đông trở nên phức tạp hơn, hãng tin Fox News cho hay, hình ảnh vệ tinh do Công ty ImageSat International (ISI) chụp được hôm 7/4 và đã được giới chức quốc phòng Mỹ xác nhận ngày 12/4 cho thấy 2 máy bay chiến đấu Shenyang J-11 của Trung Quốc đã có mặt trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hình ảnh từ vệ tinh cũng cho thấy một hệ thống radar kiểm soát bắn đã được thiết lập tại Phú Lâm, giúp cho các bệ phóng tên lửa đất đối không mà Trung Quốc đã triển khai trái phép tới đây hồi tháng 2 vừa qua có thể hoạt động một cách toàn diện. Theo các hình ảnh từ ImageSat International, 4 trong số 8 tên lửa đất đối không đã sẵn sàng phóng đi ở khu vực phía Đông của đảo.

Các diễn biến trên cho thấy Trung Quốc vẫn đang cấp tập các hoạt động quân sự hóa ở biển Đông, dù Chủ tịch nước này Tập Cận Bình hồi năm ngoái cam kết không quân sự hóa ở khu vực. Giới chức Mỹ hiện lo ngại Trung Quốc sẽ dần kiểm soát cả vùng biển Đông nếu hoạt động quân sự hóa của nước này tiếp tục được thực hiện. Hệ thống tên lửa HQ-9 được Trung Quốc triển khai trái phép ở đảo Phú Lâm cũng có thể đe dọa đến các máy bay dân sự hoạt động trong khu vực.

Trong một bài viết đăng tải trên tờ Financial Times ngày 12/4, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cho rằng Trung Quốc đang hành động không giống như một bên liên quan có trách nhiệm mà giống một kẻ bắt nạt hơn ở biển Đông. Cùng với nhận định này, ông thúc giục giới chức Mỹ có những chính sách mới, mạnh mẽ hơn thay cho những hành động “mang tính tượng trưng” ở vùng biển này như hiện nay.

Đọc thêm

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.