Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu cao sang Canada. (Ảnh minh họa) |
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đứng thứ 2
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 4/2023 của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu (XK) tháng 4 tiếp tục giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong bức tranh XK chưa có dấu hiệu hồi phục này thì thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada cho thấy, Canada có thể là một thị trường hấp dẫn để hàng hóa Việt XK trong tình trạng toàn thế giới giảm cung.
Cụ thể, theo đánh giá của Tham tán Thương mại tại Canada Trần Thu Quỳnh, xu hướng nhập khẩu (NK) của Canada vẫn tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ năm 2022, đạt 9,4% với tổng kim ngạch NK 85,8 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến nay, top 10 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch XK của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng kim ngạch hai chữ số và tăng khá cao, có sản phẩm tăng đến 88,9% như da giày; điện tử, điện thoại di động tăng 46,5%...
Trong top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Canada, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng XK lớn thứ 2 và giữ vững vị trí đối tác XK lớn thứ 7 của Canada. Đáng chú ý, theo bà Quỳnh, mức độ tăng trưởng ghi nhận trong số liệu của Canada cho thấy XK của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế của đất nước này, ngoại trừ mặt hàng thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam XK sang Canada bị giảm 20,9% trong thời gian đầu năm nay.
Giải thích về sự sụt giảm này, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho rằng, do thủy sản Việt Nam kém cạnh tranh về giá so với các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Chile, Ecuador. Thêm vào đó, việc Canada thúc đẩy ký kết một loạt các hiệp định thương mại song phương và khu vực sẽ càng làm cho Việt Nam khó cạnh tranh với các nước láng giềng Nam Mỹ.
Bà Quỳnh nhận định, việc sụt giảm XK thủy sản của Việt Nam sang Canada sẽ không chỉ trong năm 2023 mà có thể cả trong vài năm tới. Ngoài ra, mặt hàng gạo, rau củ quả cũng là những lĩnh vực mặt hàng Việt Nam rất khó giữ vị trí cạnh tranh với các đối thủ như Hoa Kỳ, Nam Mỹ do lợi thế địa lý và chi phí vận chuyển. Bởi nhiều nước Nam Mỹ bắt đầu đầu tư mạnh vào việc phát triển các cây ăn quả nhiệt đới tương tự của Việt Nam như mít, xoài, vải, chôm chôm, na, thanh long, măng cụt và thúc đẩy XK vào Canada trong những tháng gần đây.
Thách thức lớn đối với dệt may
Theo báo cáo tháng 4 của Thương vụ Việt Nam tại Canada, các mặt hàng dệt may XK sang Canada cũng tăng đáng kể, như quần áo dệt kim tăng 24,3%; quần áo không dệt kim tăng 46,7%; các mặt hàng dệt kim khác tăng 22,5%. Tuy nhiên, nếu DN dệt may không có sự thay đổi mạnh mẽ, mức tăng trưởng này sẽ mất dần bởi các yếu tố chủ quan và khách quan sẽ xuất hiện trong thời gian tới.
Bà Quỳnh cho biết, Canada vừa công bố gia hạn danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan thuộc nhóm kém phát triển và đưa ra Chương trình Ưu đãi phổ cập thuế quan tăng cường đến năm 2034, đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho các nhà NK Canada. Trong đó Chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan thông thường sẽ không áp đặt thêm các tiêu chí về xã hội và môi trường.
“Đây là bất lợi lớn cho ngành dệt may Việt Nam khi các đối thủ dệt may cạnh tranh lớn như Bangladesh, Campuchia, Sri Lanka, Pakistan, Kenya… sẽ tiếp tục hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập mà không phải chịu các ràng buộc về xã hội và môi trường; đồng thời được hưởng quy định về xuất xứ dệt may đơn giản hơn. Đây là những yếu tố khó khăn chủ yếu sẽ tác động tiêu cực đến tiềm năng XK của chúng ta vào địa bàn chứ không phải các nguyên nhân suy thoái kinh tế, lạm phát sở tại” - bà Quỳnh nhận định.
Ngoài ra, Chính phủ Canada đã công bố Tài liệu khung về quy định đối với việc ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa và trách nhiệm báo cáo Cơ quan liên bang về vấn đề sản phẩm nhựa. Dự thảo tài liệu khung dự kiến sẽ có một số tác động đối với hầu hết các nhóm hàng hoá XK của Việt Nam, từ bao bì hàng tiêu dùng, cho đến các lĩnh vực XK mũi nhọn của Việt Nam như điện tử, điện máy, hàng gia dụng, ô tô và thiết bị phụ tùng, vật liệu xây dựng, dệt may…
Thương vụ Việt Nam tại Canada đã có cảnh báo về việc nước này có kế hoạch thực thi triệt để kế hoạch loại bỏ rác thải nhựa và sẽ đưa ra các quy chuẩn mới về việc ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa. Các DN phải tuân thủ việc theo dõi số liệu về hàm lượng tái chế và đảm bảo nộp báo cáo hàng năm.