Ở tuổi 38, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã phát hành hai tuyển tập nhạc của mình, trong đó có tuyển tập “300 bài hát thiếu nhi” là tác phẩm mà anh rất tâm đắc. Bên cạnh ca khúc “Nhật ký của mẹ” được biết đến rộng rãi, trong tuyển tập “300 bài hát thiếu nhi” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng có nhiều ca khúc nổi tiếng, như: “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”, “Mẹ ơi, có biết”, “Vui đến trường”, “Món quà tặng cô”… Năm 2020, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được Trung tâm kỷ lục Việt Nam công nhận là “Nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất”.
Cứ than thiếu nhạc thiếu nhi là không chính xác!
Cơ duyên đến với âm nhạc thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bắt đầu khi anh có con, thấy con mỗi ngày lớn lên rồi tập nói, tập đi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mong muốn dành một điều gì đó cho con và anh nghĩ mình vừa là nhạc sĩ vừa là người cha, anh cần phải viết cho con những bài hát thiếu nhi để con có thể nghe được, hát theo. “Tôi biết là đã rất lâu rồi không có bài hát thiếu nhi mới cho trẻ em, các em chỉ có thể nghe các bài hát thời xưa. Những bài hát trước đây rất hay nhưng một số bài không còn phù hợp với thời đại và hơi xa rời thực tế với trẻ em hiện nay” – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Theo tác giả “Nhật ký của mẹ”, nhạc thiếu nhi có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển tâm hồn, tính cách của trẻ. Nó như là hạt giống tâm hồn gieo vào lòng trẻ em thẩm mĩ âm nhạc. Những giai điệu tiết tấu giúp trẻ em có thể cảm nhận được các âm thanh trong cuộc sống, hình thành các giác quan, phát triển ngôn ngữ, bồi đắp thêm tri thức, giúp trẻ em vui tươi hơn, hoà đồng hơn với gia đình, bạn bè và giảm đi xu hướng bạo lực, suy nghĩ tiêu cực vốn là cái điều rất là quan trọng trong giáo dục trẻ em.
Đánh giá về thực trạng âm nhạc thiếu nhi hiện nay ở nước ta, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định: “Không hẳn là thiếu! Vì tôi cũng có sinh hoạt trong hội âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh cũng biết có rất là nhiều anh, nhiều chú, nhiều em nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi nhưng bởi vì nhiều yếu tố nên chưa phổ biến”. Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, có nhiều yếu tố khiến cho độ phủ sóng của nhạc thiếu nhi mới vẫn còn hạn chế. Thứ nhất là các nhạc sĩ không có đủ khả năng tài chính để sản xuất những bài hát thiếu nhi dành cho trẻ em. Thứ hai là các chương trình ca nhạc của các đài truyền hình, phát thanh cũng không dành nhiều “đất diễn” cho những chương trình ca nhạc thiếu nhi. Và cuối cùng là ban tổ chức các show nhạc thiếu nhi, không chịu tìm tòi cái mới. “Họ không chịu nghe không chịu lựa chọn mà cứ mặc nhiên chọn những bài hát đã cũ, những bài hát có sẵn. Cho nên chúng ta cứ than là thiếu nhạc thiếu nhi là không chính xác!” – Nhạc sĩ “Mẹ ơi, có biết” băn khoăn.
Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, khi làm nhạc thiếu, khó khăn thì nhiều, mà thuận lợi thì rất ít. Khó khăn khi anh phải phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức để sáng tác nhạc thiếu nhi mà chưa chắc đã mang lại lợi nhuận, mang lại danh tiếng. Thậm chí với những bài hát thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phải tự bỏ tiền hoà âm phối khí, tự bỏ tiền làm MV, in sách.
“Theo cá nhân tôi, hiện nay các cơ quan chức năng chưa có chủ trương mạnh mẽ về việc phổ biến cập nhật hoá những bài nhạc thiếu nhi mới dành cho trẻ em. Vậy nên các đài truyền hình, các đài phát thanh vẫn rất thiếu chương trình dành cho nhạc thiếu nhi giống như ngày xưa dẫn đến độ phủ sóng tác phẩm dành cho thiếu nhi còn hạn chế. Ngay cả tôi, vì khả năng tài chính hạn chế nên chỉ phát hành được 100 bài hát thiếu nhi trong gia tài 300 bài hát. Trong đó 100 bài hát đó tôi tự bỏ tiền ra hòa âm phối khí, in đĩa, in sách. Rất ít nhà tài trợ hào hứng đồng hành với nhạc thiếu nhi, hầu hết họ tài trợ MV về tình yêu cho các ca sĩ trẻ, hay các MV xu hướng. Trong khi, cái được chắc chỉ là “danh hiệu” người tiên phong mà thôi” – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cười nói.
Nhạc thiếu nhi cần có hơi thở hiện đại
Khó khăn là thế, nhưng với nhạc thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung luôn sáng tác bằng cả tấm lòng. Khi sáng tác âm nhạc dành cho những khán giả “nhí”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung luôn nghiên cứu kỹ về tâm lý trẻ em. “Mình muốn nghiên cứu tâm lý trẻ em kĩ thì tốt nhất là mình nên có con. Khi ấy, mình mới có thể đầu tư thời gian và tâm sức nghiên cứu tâm lý chính đứa con của mình. Trước đây tôi không có con, tôi không thể viết nhạc thiếu nhi được. Sau khi có con tôi mới viết được nhạc thiếu nhi, và tập trung nghiên cứu tâm lý không chỉ của con mình mà còn nghiên cứu tâm lý của các bé học trò mà tôi đang dạy” - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Theo anh, âm nhạc thiếu nhi luôn có vị thế quan trọng trong trẻ em, con nít luôn cần có những bài hát đúng lứa tuổi, những bài hát có tiết tấu vui nhộn, ngắn gọn, dễ hiểu theo ngôn ngữ trẻ con, theo góc nhìn trẻ con. Trẻ em hiện nay, yêu cầu nhạc thiếu nhi khác hơn ngày xưa, quan trọng là tiết tấu bắt tai các con và nội dung ý nghĩa, phù hợp với bối cảnh hiện đại. Trẻ em hiện nay cũng tiếp thu nhanh hơn mình ngày xưa nên các con cũng đòi hỏi cao hơn. Có rất nhiều phương tiện giải trí khác nhau để trẻ em dễ dàng tiếp cận những bài hát thiếu nhi của quốc tế như những bài hát của Nursery Rhymes hay những bài nhạc của những bộ phim hoạt hình Disney, nhưng với nhạc thiếu nhi Việt Nam thì chưa có nhiều.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. |
Nếu như trước đây đã có rất nhiều nhạc sĩ thành công trong lĩnh vực nhạc thiếu nhi như: Hoàng Long, Phạm Tuyên, … với những tác phẩm đã ghi dấu ấn đậm nét trong bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Thì với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, anh tư duy âm nhạc thiếu nhi theo hướng khác, phù hợp với trẻ em hiện nay. Anh chia sẻ: “Trong quá trình viết nhạc thiếu nhi, tôi tư duy là bài hát dành cho trẻ em nghe từ 3 đến 13 tuổi nó sẽ có những độ đơn giản đến phức tạp tuỳ độ tuổi các con. Nó phải có những loại tiết tấu đa dạng để các con có thể học những kiến thức nhạc lý cơ bản từ chậm rãi, tình cảm cho đến rộn ràng, vui tươi cho đến hiện đại, mới mẻ đúng với tinh thần đương đại. Mỗi thể loại âm nhạc gắn liền một nội dung khác nhau. Anh phân chia những bài hát thiếu nhi theo từng chủ đề lứa tuổi. Ví dụ, khi trẻ em còn nhỏ, phạm vi nhận thức của nó chỉ giới hạn trong gia đình, khi nó lớn hơn nó sẽ đi học phạm vi nhận thức là bạn bè, thầy cô, mái trường rồi nó sẽ nhận biết các con vật, cây cối, thế giới thiên nhiên xung quanh, rồi nhận biết các trò chơi dân gian, môi trường hiện đại phù hợp với hiện nay. Và rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam”.
Tuy nhiên, để cho trẻ em yêu thích nhạc thiếu nhi cũng lại là một vấn đề “nóng” được đặt ra, khi cầu hưởng thụ, quan tâm văn hóa, nghệ thuật của người lớn hiện nay có tác động mạnh mẽ đến tâm lý trẻ em.
Để vực dậy trào lưu âm nhạc thiếu nhi, các cơ quan chức năng cần có chủ trương mạnh mẽ trong phát triển nhạc thiếu nhi. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng nên chủ động tìm kiếm các bài hát thiếu nhi mới cho các con nghe, không nên vô tư với những cái trẻ em đang nghe, đang xem. Các ban tổ chức chương trình nhạc thiếu nhi cũng nên tìm hiểu nhiều hơn “kho” bài hát thiếu nhi mà các anh, các chú, các em nhạc sĩ của tôi đã và đang viết hiện nay. Tôi chắc chắn có rất nhiều bài hát thiếu nhi mới có thể tạo nên một trào lưu âm nhạc thiếu nhi, như vậy mới có thể vực dậy được sức sống cho âm nhạc thiếu nhi mới!
Qua những ca khúc thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mong muốn, trẻ em sẽ hình thành và phát triển gu thẩm mĩ về âm nhạc, nắm bắt được những kiến thức nhạc lý cơ bản. Thứ hai là những thông điệp cuộc sống, qua những bài hát thiếu nhi, anh mong trẻ em nhận thức được tình yêu cha mẹ, yêu gia đình, yêu anh chị em, lễ phép với ông bà, quý mến thầy cô bè, và học cách biết ơn cuộc sống, yêu thương cuộc sống, Ngoài ra, các em sẽ biết tự chăm sóc bản thân, tuân theo những giá trị đạo đức cơ bản, biết cảm ơn, xin lỗi, chào hỏi lễ phép, biết tự lập, chăm chỉ, và nhận thức đúng đắn về cuộc sống.
“Theo anh nghĩ mình chỉ cần gieo trồng những giá trị đạo đức căn bản cho các con để từ đó những hạt mầm đó sẽ định hướng tính cách của các con sau này” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hy vọng.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, đôi khi, người lớn rất vô tư thưởng thức những bài hát mà họ yêu thích. Đó là đúng về tâm lý, cảm xúc của họ nhưng nếu không cẩn thận, trẻ em nhanh chóng sẽ bị hấp thu một cách thụ động. Đôi khi, ba mẹ chở con đến trường hay là chở con đi trên một chiếc ô tô và bật nhạc cho các con nghe, thụ động các con hát theo và có vài người vô tư khen hay, rồi khi mà các con xem MV bất chợt các con diễn theo hoặc là có những ba mẹ vô tư cho các con chụp những bộ hình “ăn theo” những hình ảnh “hot” trong MV. “Thật ra mà nói chỉ là sự vô tư của người lớn, nhưng nó không tốt cho việc giáo dục tâm lý con trẻ. Như vậy, con trẻ sẽ có những câu hỏi sớm về tình yêu nam nữ, về cảm xúc trai gái, không đúng với lứa tuổi” – nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lý giải.