Từ chiêu trò tặng điện thoại…
Dọc các tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Chí Thanh hay các ngã tư lớn,... người dùng không khó bắt gặp các quầy hàng bán sim tặng kèm điện thoại. Gọi là quầy hàng cho sang nhưng thực chất chúng được bài trí cực kỳ đơn giản: một tấm bảng nhỏ in nội dung bán sim, có thể kèm một chiếc loa di động nhỏ cho việc quảng cáo và vài chiếc điện thoại di động. Riêng sim được người bán cất giữ trong giỏ hoặc túi đeo trên người.
Theo quan sát, phần lớn những chiếc điện thoại cơ bản được "tặng kèm" sim hầu hết không có hộp, chúng được bọc sơ sài trong túi nilon, buộc kèm với cục sạc. Thương hiệu phổ biến là Nokia, như Nokia 1110i, Nokia 1202, Nokia 1280, Nokia 1200, hầu hết là hàng cũ dựng lại, thay vỏ, thậm chí là thay cả ruột. Khi kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của điện thoại - IMEI bằng cách bấm *#06# và so sánh với thông số IMEI ở mặt sau, khá nhiều mẫu không trùng khớp.
Khi hỏi về chương trình khuyến mãi, chủ bán sim chia sẻ: “Điện thoại này để lâu quá, tồn kho người ta thanh lý nốt bằng cách làm chương trình khuyến mãi”. Tiếp tục hỏi rõ thêm về nguồn gốc xuất xứ của điện thoại được tặng kèm khi mua sim, hầu hết người bán đều trả lời không rõ ràng, thậm chí họ cũng không biết những chiếc điện thoại đó có phải hàng công ty hay không. Nhiều người còn tỏ ra khó chịu với khách hàng khi bị hỏi vấn đề này. Riêng về việc bảo hành, những người này chỉ trả lời suông mà không kèm bất cứ giấy tờ bảo hành nào.
Theo tìm hiểu, đây là chương trình được các đại lý sim số đưa ra nhằm kích thích doanh số bán hàng, hoàn toàn không phải do nhà mạng triển khai.
Theo anh Đinh Quang Trường, một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại di động trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: chiêu khuyến mãi bán sim tặng điện thoại khá hiệu quả với những người dùng chỉ có nhu cầu cơ bản. Vì áp lực doanh số nên đại lý thường thuê thêm người bán sim để chào hàng ở vỉa hè. “Điện thoại được tặng kèm phần lớn là hàng tân trang mua theo lô giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn một chiếc nên họ mới có thể khuyến mãi như vậy. Chất lượng thì ăn may, hên xui vì tiền nào của đó. Hầu như những người mua đều cảm thấy rẻ, nhưng nó chỉ để “chữa cháy” chứ không thể sử dụng lâu dài”.
Tới sự biến tướng của sim rác ra thị trường
Những mẫu sim bán ra tại các điểm bán hàng vỉa hè này đa phần thuộc các mạng Mobifone và Viettel, một số bán cả sim Vinaphone và G-mobile. Ngoài chiếc điện thoại được tặng kèm, người dùng còn nhận được nhiều ưu đãi từ thẻ sim. “Ngay khi kích hoạt khách hàng sẽ có 110.000 đồng đến 180.000 đồng tùy vào loại mạng” - một người bán ở đường Nguyễn Xiễn cho biết.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là chỉ cần 199.000 đồng người dùng có thể vô tư chọn mua bất kỳ sim điện thoại di động trả trước (DĐTT) nào mà không cần đăng ký thông tin kích hoạt như quy định. “Các loại sim điện thoại này đã được đăng ký trước và kích hoạt sẵn nên người mua không cần phải đăng ký nữa. Mặc dù quy định mỗi người chỉ có thể sở hữu 3 sim điện thoại của mỗi mạng điện thoại di động, nhưng thật ra em muốn mua bao nhiêu sim cũng được” - một người bán hàng cho biết.
"Chắc chắn hình thức bán hàng khuyến mãi tại vỉa hè này không phải của công ty nhưng ý định của tôi là mua một sim rác, dùng ít ngày rồi vứt bỏ. Thêm nữa, mua sim được tặng kèm điện thoại với giá rẻ nên tôi mua luôn. Chưa biết về chất lượng nhưng so với cửa hàng, siêu thị điện thoại, nó đã rẻ hơn nhiều rồi” - một người mua sim cho biết.
Điều 5 Thông tư 04/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý thuê bao di động trả trước quy định: Nghiêm cấm hành vi kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định. Nghiêm cấm hành vi mua bán, lưu thông trên thị trường sim đã được kích hoạt sẵn dịch vụ DĐTT khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định.
Quy định chặt chẽ, nhưng 4 năm qua, kể từ khi Thông tư này có hiệu lực, tới nay, sim điện thoại DĐTT vẫn bán tràn lan trên thị trường mà người sử dụng không cần khai báo thông tin. Không chỉ các cửa hàng, trên các trang mạng bán sim ĐTDĐ, khách hàng cũng dễ dàng chọn mua bất kỳ sim điện thoại nào mà không cần phải đăng ký chính chủ vì sim đó đã được các đại lý kích hoạt sẵn.
Khi sim rác được bày bán công khai, tràn lan trên thị trường sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Chính vì mua bán sim ĐTDĐ dễ dàng như vậy nên các đối tượng xấu thường sử dụng sim trả trước để thực hiện hành vi lừa đảo, phạm tội. Đối với loại tội phạm này, cơ quan chức năng thường mất rất nhiều thời gian để truy tìm dấu vết.
Hơn nữa, những sim khuyến mãi sau khi sử dụng hết tài khoản đã biến thành sim số “ma” không thể liên lạc, gây lãng phí tài nguyên kho số. Một điều nữa, khi vẫn tồn tại thị trường mua bán sim khuyến mãi đã kích hoạt với thông tin giả mạo, người dùng điện thoại di động còn phải chịu đựng các “cơn mưa” tin rác. Vấn đề đặt ra, nếu không siết chặt khuyến mãi của các mạng di động sẽ không xử lý được nạn sim rác, bởi nguyên nhân chính là do sự buông lỏng quản lý ở các mạng di động khi chạy theo cạnh tranh khuyến mãi.