Xem xét tính hiệu quả của cảng
Ông Nguyễn Xuân Sang – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chủ trì cuộc họp về quy hoạch các bến cảng chuyên dùng phục vụ các nhà máy thép. Theo vị Thứ trưởng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xin xây dựng cảng chuyên dùng phục vụ riêng cho nhà máy thép với quy mô đề xuất rất lớn.
Trên thực tế, quy mô, công suất, cỡ tàu của các bến này hầu như không ảnh hưởng lớn đến Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, số lượng và tổng công suất của các nhà máy thép dự báo rất lớn mà trong quá trình quy hoạch, doanh nghiệp nào cũng muốn tiến hành xây dựng ngay các bến cảng.
Thứ trưởng Sang cho rằng, các cảng, bến phục vụ các nhà máy thép, kho xăng dầu, khí đốt thường là bến cảng chuyên dùng. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư sẽ là vấn đề cần xem xét. Ông lấy ví dụ, khu vực đề xuất bổ sung bến cảng Xuân Thiện Nam Định nằm ở vùng bồi lắng cao. Nhưng địa phương và chủ đầu tư đang đề xuất xây dựng cảng có năng lực lớn để có thể đón tàu tải trọng khoảng 300.000 tấn. Do đó, vấn đề e ngại là hiệu quả đầu tư. “Bộ GTVT đã làm việc với địa phương và chủ đầu tư để đề nghị đánh giá khả năng hiệu quả đầu tư của dự án đề xuất”, ông Sang nói.
Ông Nguyễn Đình Việt - Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thì cho rằng, ngành Giao thông luôn “mở đường” cho các dự án, nhưng nếu thấy có những vấn đề bất hợp lý, cơ quan quản lý sẽ có ý kiến để phục vụ việc quy hoạch nhóm cảng biển có hiệu quả. Đồng thời, các vấn đề về tổng kinh phí đầu tư, hiệu quả đầu tư và tác động môi trường của các dự án cũng cần xem xét kỹ lưỡng.
Theo đại diện Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, hiện nay, tổng số nhà máy thép mà các tỉnh đang đề xuất là 11 nhà máy. Trong đó, có 3 nhà máy đang hoạt động, 2 nhà máy đang xây dựng và 6 nhà máy chưa xây dựng. Trong 11 nhà máy thép, có 9 nhà máy có chủ trương đầu tư hoặc đã đầu tư, 2 nhà máy chưa chính thức có chủ trương đầu tư nhưng hiện nay đã triển khai các bước quy hoạch như Khu liên hợp gang thép VAS Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Khu liên hợp gang thép Quảng Trị. Hai khu vực này thuộc nhóm cảng biển số 2 và do chưa có chủ trương đầu tư của địa phương nên chưa đưa ra dự báo.
Theo dự báo, đến năm 2030, tổng nhu cầu thép sẽ là 42 triệu tấn/năm, trong khi hiện nay danh mục sản lượng các nhà máy thép đăng ký hiện đã là 58 triệu tấn/năm.
Chỉ nên đầu tư cảng có tiềm năng
Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện nay ngành thép không có quy hoạch rõ ràng, chỉ có định hướng và đây là một trong những bất cập của Luật Quy hoạch. Sắp tới, trong quá trình sửa Luật, Bộ Công Thương sẽ đề xuất bổ sung Quy hoạch các nhà máy thép, nhà máy xi măng.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, việc phát triển luyện kim, nhà máy thép vẫn còn nhu cầu. Đồng thời, nhu cầu cảng biển để phục vụ cho các nhà máy thép cũng có. Dù vậy, trong giai đoạn đầu tư, cơ quan quản lý vẫn định hướng quy hoạch các nhà máy thép ở khu vực ven biển vì điều này phù hợp để không bị ảnh hưởng tới quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương lưu ý cảng chỉ là 1 hạng mục phục vụ cho nhà máy thép. Quy hoạch cảng không thể quyết định được chủ trương xây nhà máy thép.
Do đó, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, với các bến cảng không có năng lực phục vụ, cơ quan quản lý, tư vấn cần có khuyến cáo ngay để các địa phương có cơ sở trả lời với nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư và cảng có năng lực, các dự án có thể được xem xét để vẫn tiếp tục được đầu tư trong tương lai. Đặc biệt, với các dự án đã có chủ trương và nhà đầu tư có năng lực, Bộ GTVT có thể đưa cảng vào quy hoạch để ít nhất phù hợp với định hướng của các địa phương trong thời gian tới. Trường hợp xét thấy năng lực cảng biển của nhà máy nào không đáp ứng được, có thể không phát triển.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu thêm để có thể đưa ra các dự báo, ý kiến để thống nhất với Bộ GTVT nội dung đưa vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.